Lượt xem ( 2024): 19
Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ (phần 2)
Tiếp theo phần 1, dưới đây tôi xin chia sẻ về một số cách chăm sóc, ăn uống của bé. Vì bản thân tôi cũng từng ở vào hoàn cảnh lo lắng, bất an, như các mẹ trẻ bây giờ. May mắn là tôi được tham gia một số lớp Tiền sản, nuôi con, và các trang mạng Xã hội nên có một vốn ít ít về kinh nghiệm chăm con nhỏ, đặc biệt các bé mới sinh. Hi vọng những điều này sẽ giúp ích cho các mẹ.
Hầu hết các trẻ sơ sinh trong tháng đầu tiên khi chào đời đều có nhu cầu được bú mẹ từ 8 – 12 lần/ngày với khoảng thời gian trung bình từ 2 -3 tiếng/ lần. 2- 3 tháng tuổi tiếp ngay sau đó, số lần trẻ cần bú có thể giảm xuống, dần dần số lần bú cũng sẽ giảm đi tỷ lệ nghịch với sự phát triển từng ngày của bé, điều này có nghĩa là trẻ càng lớn thì số lần bú sẽ càng giảm đi, và lượng sữa sẽ tăng lên.
Bên cạnh nguồn sữa mẹ thiêng liêng, bạn cũng có thể bổ sung cho bé thêm các loại sữa bột ăn ngoài. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý một điều rằng, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con. Bên cạnh đó, bạn phải quên ngay chuyện cho con bú theo đồng hồ và “dạy con theo khuôn khổ ngay từ tấm bé, kể cả nết ăn”. Nếu bé được bú theo đúng nhu cầu, bé sẽ tăng cân một cách tự nhiên, tốt nhất.
Lưu ý cho mẹ:
– Một số Bệnh viện hiện đại, khi bạn vừa sinh con, các Bác sĩ sẽ khuyến khích bạn và con skin to skin, nhằm kích thích tình thân, tuyến sữa hoạt động, giảm đau cho mẹ và em bé đỡ “bất an”, điều này quả thật rất tốt đấy ạ. Thế nên mẹ cố gắng cho bé bú sớm trong vòng 30 phút đầu ra đời khi sinh thường và sau một giờ khi sinh mổ. Điều này giúp bé được tận hưởng nguồn sữa non tuyệt vời của mẹ. Trẻ bú nhiều thì mẹ càng được tạo sữa nhiều, cha mẹ nên tin tưởng rằng bé ‘ăn là đói và dừng nghĩa là no’…
– Vấn đề nữa là Trẻ mới sinh thường vướng phải chuyện “khóc dạ đề”. Theo y học, hiện tượng khóc về đêm có thể xảy ra ở hầu hết trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chỉ một số là khóc đêm thật sự, còn hầu hết là khóc do mắc bệnh lý như bệnh còi xương hoặc bệnh lồng ruột. Hiện tượng khóc đêm thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi do tăng nhu động ruột. Bình thường nhu động ruột điều hòa không đau, nhưng đột nhiên vì một yếu tố nào đó làm nhu động ruột tăng lên, không đều, gây đau bụng dữ dội làm cho trẻ khóc, hết cơn thì thôi.
Thời gian khóc thường kéo dài từ 5 phút đến 30 phút và có thể lặp lại hằng đêm, ban ngày trẻ vẫn ăn và ngủ tốt. Cơn khóc có thể rất dữ dội nhưng không nguy hiểm. Khi trẻ hơn 6 tháng tuổi, nhu động ruột hoàn chỉnh, trẻ sẽ trở lại bình thường. Không có một phương pháp nhất định nào để làm dịu cơn khóc dạ đề. Điều quan trọng nhất là khi dỗ bé các mẹ luôn giữ bình tĩnh và thoải mái. Nếu trẻ khóc, bạn cần phải biết chắc rằng trẻ không bị đói.Nên giữ trong phòng thoáng đãng và yên tĩnh để trẻ được nghỉ ngơi.
Để trẻ ngưng khóc các mẹ có thể làm một số cách sau :
+ Sử dụng bình sữa mà giữ cho trẻ không nuốt không khí quá nhiều
+ Cho trẻ ngồi khi bí
+ Ẵm trẻ trên tay, địu trẻ hoặc mang trẻ ở phía trước
+ Cho trẻ vào xe đẩy
+ Cho trẻ tắm nước ấm
+ Đặt trẻ vào trong nôi đung đưa
+ Bọc khăn giữ ấm cho trẻ
+ Massage bụng cho trẻ
Vậy nên, các mẹ để ý nhằm phát hiện và chuẩn bị tinh thần tốt khi chuẩn bị sinh hoặc mới sinh nhé.
– Ngoài ra, một đứa trẻ bú quá nhanh và quá nhiều sữa một lúc có thể sẽ dễ trở nên cáu kỉnh và quấy khóc. Đây cũng được coi là một dạng khóc dạ đề, thể hiện sau khi bú được vài giây hoặc vài phút, trẻ bắt đầu ho, cảm thấy ngột ngạt và gặp khó khăn khi bú. Vì vậy, những đứa trẻ này muốn ngừng bú, rồi bú trở lại; hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần do chúng không thích sữa chảy nhanh, nhưng lại nóng ruột khi sữa chảy chậm.
Trong một vài trường hợp hiếm gặp, trẻ có thể sẽ bỏ bú mất vài tuần, đặc biệt là đối với những trẻ 3 tháng tuổi.
Thế nên có một lưu ý nhỏ với các mẹ là khi con ~ 3 tháng tuổi, vấn đề đột nhiên bỏ ti mẹ là điều xảy ra hầu hết với trẻ nhỏ. Các mẹ nên bình tĩnh và cho bé quen lại dần dần nhé.
Xem thêm: