Ở đây chúng tôi muốn nêu: Không những dạy con tuừ thuở còn thơ mà phải dạy ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. bởi vi cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của người phụ nữ mang thai ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của đứa trẻ sau này.
Người xưa thường nói :”đàn bà hiền dịu thì dễ có con. Thai sản là lẽ tự nhiên của trời, đất. Người không bệnh thì không cần phải uống thuốc.”
Theo y học cổ truyền :”… tâm khí kinh sợ thì con bị điên, thận khí không đủ thì con hở thóp, tì khí không hòa thì con gầy còm, tâm khí hư kém thì con nhút nhát. Con là theo khí mẹ, mẹ không cẩn thận sao được! Mẹ chớ uống nhiều thứ thuốc, chớ uống nhiều rượu, chớ châm cứu xằng xiên, chớ đi đại, tiểu tiện vào chỗ không thường đi, chớ trèo cao xông pha hiểm trở, chớ gánh vác nặng nhọc, chớ giao cấu phóng túng, chớ nằm ngủ nhiều, chớ mặc áo quần áo quá ấm, chớ ăn cơm quá no. Tinh thần phải trấn tĩnh, không phạm đến thất tình (mừng quá, giận quá, đau thương quá, ghen ghét quá, yêu quá, ham muốn quá…). Muốn con sau này sinh ra thẳng thắn nghiêm trang thì người mẹ nên miệng nói lời ngay thẳng, làm việc ngay thẳng. Đàn bà rắp tâm làm việc ác thì không sinh đẻ được, người ta cứ tưởng tại trời ghét bỏ, biết đâu rằng: Đó chính là mình gây ra. Vì khí ở gan ruột bị uất kết, ba bộ mạch: tâm, tì, thận bị uất nên khó sinh…” (Theo “phụ đạo sán nhiên” của Hải Thượng Lãn Ông).
Vì lẽ đó dân gian có câu:”Cây khô không có lộc, người độc không có con”.
Cần phải giáo dục con từ trong bụng mẹ mà thuật ngữ khoa học gọi là “Thai giáo”. Ngày xưa các bậc tiền bối đã răn dạy người mẹ tương lai (sản phụ) không được giận dữ, hoảng hốt, không được nghĩ điều xấu, làm việc xấu, nghe chuyện dở, nhìn cảnh tang thương, cần nói năng, đi đứng khoan thai…
Có mối liên hệ khăng khít giữa thai nhi với sức khỏe và tâm trạng người mẹ, giữa thai nhi với thế giới bên ngoài, có những phản ứng “tiếp nhận” hoặc “chối bỏ” của thai nhi trước các tác động của ngoại cảnh.
Theo tài liệu nghiên cứu khoa học: Nhân cách con người được hình thành rất sớm, ngay từ trước khi ra đời. Ý nghĩa, cảm xúc và những nỗi buồn vui của người mẹ đã truyền vào đứa con. Nhiều phụ nữ có thai đã biết giữ gìn tình cảm cân bằng do đó giữ được sức khỏe cho đứa con. Những nỗi đau của người mẹ phải chịu đựng trong thời gian thai nghén ảnh hưởng mạnh tới đứa trẻ sơ sinh. Lòng thiết tha đối với đứa trẻ chưa ra đời là một biện pháp giữ gìn sức khỏe cho đứa trẻ tốt nhất, và có ảnh hưởng quyết định tới quan hệ mẹ con sau này”…
(Trích – “Thế giới mới” số 52-1993)