Xu thế hòa hoãn Đông – Tây và chiến tranh lạnh chấm dứt
* Xu thế hòa hoãn Đông – Tây
Từ đầu những năm 70, xu thế hòa hoãn Đông – Tây đã xuất hiện:
– Đầu những năm 70 hai siêu cường Xô – Mĩ đã tiến hành những cuộc gặp cấp cao.
– 11/1972 hai miền nước Đức đã kí kết tại Bon hiệp định về những cơ sở của quan hệ giữa hai miền.
– 1972, Liên Xô và Mĩ ký hiệp ước về việc hạn chế hệ thống phòng chống tên lửa (ABM), sau đó là Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (SALT 1)
– Tháng 8/1975, Định ước Henxinki khẳng định những nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia và tạo nên một cơ chế giải quyết các vấn đề liên quan đến hoà bình và an ninh ở châu Âu
* Chiến tranh lạnh chấm dứt.
– 12/1989 tại đảo Manta (Địa Trung Hải) hai nhà lãnh đạo Goóc- ba-chốp và Bu-sơ đã chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh, mở ra những điều kiện để giải quyết các cuộc xung đột, tranh chấp ở nhiều khu vực trên thế giới.
* Nguyên nhân của việc chấm dứt chiến tranh lạnh:
– Cuộc chạy đua vũ trang kéo dài hơn 4 thập kỉ đã làm cho cả 2 nước quá tốn kém và suy giảm thế mạnh của họ trên nhiều lĩnh vực.
– Mĩ và Liên Xô đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn:
+ Sự vươn lên mạnh mẽ của Đức, Nhật, Tây Âu… các nước này đã trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với Mĩ, còn Liên Xô lúc này đang lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.
+ Cuộc chạy đua kinh tế mang tính toàn cầu mà cả thế giới đang gắng sức.
+ Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang diễn ra sôi nổi, đòi hỏi các nước phải tập trung sức mạnh để chiếm lĩnh.
– Như vậy, muốn vươn lên, cả Mĩ và Liên Xô thấy cần thiết tránh tình trạng đối đầu để ổn định và củng cố vị thế của mình. Hai nước Liên Xô và Mĩ cần hợp tác với nhau để góp phần giải quyết những vấn đề bức thiết của toàn cầu.
* Tác động của sự kiện chấm dứt chiến tranh lạnh:
– Các nước lớn đều thay đổi đường lối đối ngoại.
– Chiến tranh lạnh chấm dứt mở ra chiều hướng và những điều kiện giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp, xung đột khu vực như ở Ápganixtan, Campuchia, Namibia.