Hoàn cảnh lịch sử, quá trình tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Marx Lenin của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
– Nguyễn Ái Quốc sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị.
– Các cuộc vùng dậy đấu tranh của nhân dân ta đều bị thất bại.
– Cứu nước, giải phóng dân tộc đã trở thành yêu cầu bức thiết nhất của toàn thể dân tộc.
– Người ra đời trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một quê hương có truyền thống đấu tranh.
– Tất cả hoàn cảnh khách quan và chủ quan đó đã là những điều kiện để người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.
– Rút kinh nghiệm thất bại của các sĩ phu yêu nước đương thời hướng con đường cứu nước về các nước phương Đông, Nguyễn Ái Quốc đã đi sang phương Tây với một nhận thức rất đúng đắn là muốn đánh đuổi kẻ thù thì phải biết rõ kẻ thù đó. Điều này có tầm quan trọng to lớn để Nguyễn Ái Quốc đi đến với chủ nghĩa Marx Lenin sau này.
– Trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều nơi ở Châu Á, Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Phi, làm nhiều nghề khác nhau vừa để sống vừa để tìm hiểu phong trào cách mạng thế giới.
– Với phương thức hoạt động như thế, Người có điều kiện để tiếp xúc và lăn lộn trong phong trào quần chúng, từ đó rút ra bài học quan trọng đầu tiên là: phân biệt rõ bạn và thù – ở đâu cũng chỉ có hai loại người, thiểu số đi áp bức bóc lột, còn đại đa số quần chúng lao động là những người bị áp bức bóc lột. Đây cũng chính là cơ sở thực tiễn để Nguyễn Ái Quốc tiếp thu dễ dàng chủ nghĩa Marx Lenin sau này.
– Năm 1917, Nguyễn Ái Quốc từ Anh trở về Pháp, sau đó, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp.
– Năm 1919 tại Hội nghị Versailles, các nước thắng trận họp hội nghị này để phân chia lại thế giới. Thay mặt Hội người Việt Nam yêu nước ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã đưa đến Hội nghị bản yêu sách 8 điểm đòi quyền lợi cho các dân tộc Đông Dương.
Tuy nhiên, các nước đế quốc không thừa nhận, nhưng bản yêu sách đó đã gây tiếng vang lớn trong dư luận và trong giới Việt kiều ở Pháp.
Đồng thời từ đó Người rút ra bài học quan trọng là: sự nghiệp giải phóng dân tộc mình chủ yếu phải do mình quyết định chứ không phải chủ yếu dựa vào bên ngoài.
- Cuộc cách mạng Tháng Mười Nga (1917), sự ra đời của Quốc tế III của Lênin (1919) là những sự kiện trọng đại có tác động mạnh mẽ tới Nguyễn Ái Quốc.
Đặc biệt, bản Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lenin đã có tác động mạnh mẽ tới nhận thức và chuyển biến tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc.
- Tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp (12/1920), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Bằng hành động đó, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong quá trình chuyển biến tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Từ một nhà yêu nước chân chính, trở thành người cộng sản.
Người đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn cho nhân dân Việt Nam: con đường giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Marx Lenin. “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.” (Hồ Chí Minh).
- Từ 1921 – 1930 là giai đoạn Nguyễn Ái Quốc vận dụng chủ nghĩa Marx Lenin để xây dựng đường lối cứu nước và tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập ở Việt Nam một chính đảng vô sản kiểu mới.
+ Giai đoạn này được đánh dầu bằng những mốc thời gian quan trọng sau:
– 1921 – 1923 thành lập Hội liên hiệp thuộc địa, sáng lập báo “Người cùng khổ”, viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” và nhiều bài cho các báo “Việt Nam hồn”, “Nhân đạo”, Tạp chí “Thư tín quốc tế”, bắt đầu truyền bá chủ nghĩa Marx Lenin vào Việt Nam và một số thuộc địa của Pháp.
– 1923 – 1924 sang Liên Xô, hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, tham dự các Đại hội Quốc tế và nghiên cứu chủ nghĩa Marx Lenin.
– 1924 – 1927 về Trung Quốc thành lập “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”, sáng lập báo “Thanh niên” và viết nhiều tài liệu, bài giảng để huấn luyện cán bộ.
– Các bài giảng này được tập hợp lại in thành cuốn “Đường Kách mệnh”, trình bày những luận điểm cơ bản trong đường lối cứu nước.
– Tích cực đào tạo cán bộ cách mạng, đưa lực lượng này về nước truyền bá chủ nghĩa Marx Lenin một cách sâu rộng, trực tiếp và có hệ thống vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, đưa tới sự chuyển biến căn bản của phong trào giải phóng dân tộc và sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản.
– Tháng 1/1930, nhận thức đúng yêu cầu của phong trào cách mạng là cần sự lãnh đạo tập trung, trước tình hình đó, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Người triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng cộng sản Việt Nam.
– Bằng sự nỗ lực phi thường và những hoạt động xuất sắc của mình, qua hơn 20 năm phấn đấu không mệt mỏi, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều cống hiến quan trọng cho cách mạng nước ta:
- Tìm ra chân lí cứu nước đúng đắn cho dân tộc.
- Tích cực truyền bá chủ nghĩa Marx Lenin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Dày công đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng.
- Chuẩn bị chu đáo những điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản và là người sáng lập Đảng.
- Vạch ra những vấn đề cốt tử trong đường lối cứu nước, đặt nền móng tư tưởng để Đảng Cộng sản xây dựng đường lối chiến lược cách mạng.
- Xây đắp mối quan hệ khắng khít giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Pháp và cách mạng thế giới.
Như vậy, Nguyễn Ái Quốc chính là người đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để dìu dắt cách mạng cả dân tộc đi theo con đường đó, tiến hành giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.