Ôn thi TN: Hãy trình bày quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1/1930)

Hãy trình bày quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1/1930)

Quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được bắt đầu từ năm 1920 khi Nguyễn Ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Marx Lenin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên và đến đầu tháng 1/1930 khi Đảng ra đời.

Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Marx Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

Vì thế, khi phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam phát triển mạnh, có ý thức chính trị rõ rệt thì đòi hỏi phải có một tổ chức đảng cách mạng tiên phong để lãnh đạo phong trào.

1/ Chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng.

Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Marx Lenin.

Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tours (12/1920), Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III, và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Người đã tích cực hoạt động để truyền bá chủ nghĩa Marx Lenin về nước, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng ta.

a/ Ở Pháp.

Nguyễn Ái Quốc thành lập: “Hội Liên hiệp thuộc địa” nhằm tuyên truyền cách mạng trong nhân dân các nước thuộc địa.

Người viết nhiều sách báo, đặc biệt là báo “Người cùng khổ” và quan trọng nhất là cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Các sách báo này lên án mạnh mẽ chế độ thực dân, làm thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân và tuyên truyền chủ nghĩa Marx Lenin. Các sách báo đó được bí mật đưa về nước gây ảnh hưởng lớn.

b/ Ở Liên Xô.

Từ giữa năm 1923, Người hoạt động trong QTCS, tham gia nhiều hội nghị quốc tế quan trọng.

Người tìm hiểu chế độ Xô Viết, nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức đảng kiểu mới của Lênin, tiếp tục tuyên truyền các quan điểm của Lenin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Đặc biệt, bản báo cáo của Người tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần V đã phác họa ra những nét cơ bản của phương hướng chiến lược trong cách mạng giải phóng dân tộc.

c/ Ở Trung Quốc.

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về đến Trung Quốc.

Tháng 6/1925, Người sáng lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có hạt nhân là tổ chức Cộng sản đoàn. Đó là tổ chức tiền thân của Đảng, chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập Đảng ta sau này.

Người sáng lập báo Thanh niên, tiếp tục viết nhiều tài liệu, bài giảng để huấn luyện cán bộ. Các tài liệu này được tập hợp lại in thành cuốn Đường Kách mệnh, là kim chỉ nam cho những người cách mạng Việt Nam lúc đó.

Thông qua hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chủ nghĩa Marx Lenin đã tiếp tục được truyền bá vào trong nước.

Phong trào cách mạng nước ta phát triển sôi nổi, một đội ngũ những người cách mạng kiểu mới, do Nguyễn Ái Quốc đào tạo, đã trưởng thành.

Hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã gây tiếng vang to lớn, ảnh hưởng tới cả các tổ chức yêu nước khác, (tổ chức Tân Việt đã chuyển dần hoạt động của mình theo khuynh hướng vô sản).

Những điều kiện để thành lập chính đảng vô sản ở VN đã dần dần hình thành.

2/ Cuộc đấu tranh trực tiếp để đưa đến thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam.

Hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc và những người cách mạng Việt Nam đã đưa đến  những điều kiện chín muồi để thành lập Đảng Cộng sản.

– Từ 1919 – 1925, công nhân đã bãi công để đưa những yêu cầu và những quyền lợi cụ thể của mình đến giới chủ, nhưng còn rời rạc.

– Từ 1926 – 1929, các cuộc bãi công đã vượt ra ngoài phạm vi một xưởng, một địa phương, một ngành và đã có sự liên kết thành phong trào chung.

– Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân khác cũng diễn ra mạnh mẽ.

– Chủ nghĩa Marx Lenin được tuyên truyền ngày càng mạnh vào Việt Nam, phong trào công nhân đã đủ sức tiếp thu lí luận của chủ nghĩa Marx Lenin, ý thức tự giác ngày càng rõ rệt.

– Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập và phát triển tổ chức trên cả 3 kì. Tân Việt Cách mạng Đảng hoạt động chủ yếu ở Trung Kì.

– Đầu năm 1929, hàng chục cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra từ Bắc đến Nam. Các phong trào yêu nước khác cũng phát triển, kết thành một làn sóng cách mạng dân tộc dân chủ ngày càng lan rộng.

– Trước tình hình đó, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ngày càng bộc lộ rõ hạn chế, không thể làm tròn vai trò tiên phong và lãnh đạo phong trào được nữa.

– 17/6/1929, đại biểu các tổ chức cộng sản ở miền Bắc quyết định thành lập Đông Dương Công sản Đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng, ra báo Búa liềm làm cơ quan ngôn luận.

– Tháng 8/1929, bộ phận còn lại của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng.

– Tháng 9/1929, những người cộng sản trong Tân Việt tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Sự ra đời của các tổ chức cộng sản nói trên đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của phong trào công nhân nước ta trên con đường tiến tới tự giác.

Tuy nhiên, sự hoạt động riêng rẽ của các tổ chức này đã gây nên những tác động không tốt đến phong trào chung.

Với cương vị là phái viên của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản (6/1/1930 – 8/2/1930, tại Cửu Long, Hương Cảng – Trung Quốc) thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo…; định kế hoạch thực hiện việc thống nhất tổ chức cộng sản ở trong nước và một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử của một Đại hội thành lập Đảng vì đã thông qua được đường lối của cách mạng Việt Nam.