II. Phong trào dân tộc dân chủ 1919 – 1930
3. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
a. Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản năm 1929.
– Đến năm 1929, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, tiểu tư sản và các tầng lớp nhân dân yêu nước kết thành một làn sóng dân tộc dân chủ ngày càng mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu phải có sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản.
– Yêu cầu trên tác động vào các tổ chức tiền cộng sản, dẫn đến cuộc đấu tranh nội bộ và sự phân hoá tích cực trong các tổ chức này, hình thành nên ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam.
– Tháng 3/1929, tại số 5D, Hàm Long (Hà Nội) những người tiên tiến của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Bắc Kì lập ra chi bộ cộng sản đầu tiên. Chi bộ mở cuộc vận động để thành lập một đảng cộng sản nhằm thay thế Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.
– Tháng 5/1929, tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên họp tại Hương Cảng (Trung Quốc), đoàn đại biểu Bắc Kì đưa ra vấn đề thành lập đảng cộng sản, song không được chấp nhận, nên rút khỏi Đại hội về nước.
– Ngày 17/6/1929, đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ở miền Bắc họp đại hội thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ, ra báo Búa liềm, xây dựng cơ sở ở khắp nơi trong cả nước.
– Tháng 8/1929. các cán bộ lãnh đạo tiên tiến trong Tổng bộ và Kì bộ Nam Kì quyết định thành lập An Nam Cộng sản đảng. Đảng có một chi bộ hoạt động ở Trung Quốc, một số chi bộ hoạt động ở Nam Kì. Tờ báo Đỏ là cơ quan ngôn luận của đảng.
– Tháng 9/1929 những thành viên trong Tân Việt Cách mạng đảng tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn, xây dựng nhiều chi bộ ở Trung Kì, Bắc Kỳ và cả Nam Kỳ.
– Nhận xét:
+ Sự ra đời ba tổ chức cộng sản là một xu thế khách quan của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
+ Các tổ chức cộng sản đều tích cực lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng, làm làm cho phong trào phát triển mạnh hơn.
+ Nhưng ba tổ chức lại hoạt động riêng rẽ với nhau, làm cho lực lượng và sức mạnh của cách mạng bị phân tán. Điều đó không có lợi cho phong trào cách mạng.
b. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
– Hoàn cảnh lịch sử
+ Năm 1929, ba tổ chức cộng sản ra đời và tích cực lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Tuy nhiên, các tổ chức đó hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng của nhau làm cho phong trào cách mạng trong cả nước có nguy cơ bị chia rẽ lớn. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải thống nhất các tổ chức thành một đảng.
+ Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có quyền quyết định mọi vấn đề của cách mạng Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập đại biểu của Đông Dương cộng sản đảng và An Nam cộng sản đảng để bàn về việc thống nhất đảng. Hội nghị bắt đầu họp ngày 6/1/1930 tại Cửu Long (Hương Cảng – Trung Quốc) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì.
– Nội dung Hội nghị
+ Thảo luận và nhất trí ý kiến của Nguyễn Ái Quốc là thống nhất thành một đảng cộng sản duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
+ Thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đó là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, có giá trị lí luận và thực tiễn lâu dài đối với cách mạng Việt Nam.
+ Vạch kế hoạch hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước và thành lập Ban chấp hành trung ương lâm thời.
+ Nhân dịp Đảng ra đời, Nguyễn Ái Quốc ra lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, anh chị em bị áp bức bóc lột đấu tranh.
Hội nghị có ý nghĩa như một đại hội thành lập Đảng. Ngày 24/2/1930 theo đề nghị của Đông Dương Cộng sản liên đoàn, tổ chức này được gia nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
– Nội dung Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng
+ Xác định đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
+ Nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng trước mắt là: đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến và phản cách mạng làm cho nước Việt Nam được độc lập tự do; lập chính phủ công nông binh; tổ chức quân đội công nông, tịch thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc; tịch thu ruộng đất của đế quốc và phản cách mạng chia cho dân cày nghèo.
+ Lực lượng cách mạng là: Công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức. Đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản phải lợi dụng hoặc trung lập.
+ Lãnh đạo cách mạng: Đảng cộng sản Việt Nam, đội quân tiên phong của giai cấp vô sản sẽ giữ vai trò lãnh đạo cách mạng.
+ Về quan hệ với cách mạng thế giới: Đảng phải liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp.
– Nhận xét:
+ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là một cương lĩnh giải phóng dân tộc sáng tạo, kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Độc lập tự do là tư tưởng cốt lõi của cương lĩnh này.
+ Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp của nhân dân Việt Nam. Đảng là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin và lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
– Ý nghĩa sự ra đời của Đảng: Việc thành lập Đảng là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Từ đây, cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng có đường lối cách mạng khoa học và sáng tạo, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ đảng viên kiên trung nguyện suốt đời hy sinh cho lý tưởng Đảng, vì độc lập dân tộc và tự do cho nhân dân.
+ Sự ra đời của Đảng với tổ chức thống nhất và cương lĩnh chính trị đúng đắn đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về lãnh đạo cách mạng kéo dài mấy chục năm đầu thế kỷ XX. Từ đây cách mạng Việt Nam bước lên một con đường mới, con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc và hướng tới chủ nghĩa xã hội.
+ Đảng cộng sản Việt Nam ra đời chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Phong trào công nhân Việt Nam từ đây hoàn toàn trở thành một phong trào tự giác.
+ Sự lãnh đạo của đảng làm cho cách mạng Việt Nam thực sự trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới. Từ đây nhân dân Việt Nam tham gia vào sự nghiệp cách mạng thế giới một cách có tổ chức.
+ Đảng ra đời là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có ý nghĩa quyết định cho những bước phát triển tiếp theo của lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là nhân tố hàng đầu đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.