3. Đấu tranh chống ngoại xâm và nội phản, bảo vệ chính quyền cách mạng
a. Kháng chiến chống Pháp trở lại xâm lược ở Nam Bộ.
– Ngày 23/9/1945, được sự giúp sức của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng đánh úp trụ sở Uỷ ban Nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần hai.
– Ngay khi thực dân Pháp trở lại xâm lược, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn cùng nhân dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến. Lực lượng vũ trang đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất, phá kho tàng, triệt phá nguồn tiếp tế, dựng chướng ngại vật trên đường phố, bao vây và tấn công quân Pháp trong thành phố.
– Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhân dân cả nước hướng về “Thành đồng tổ quốc”, đồng thời tích cực chuẩn bị đối phó với âm mưu của Pháp muốn mở rộng chiến tranh ra cả nước. Các đoàn quân “Nam tiến” sát cánh cùng nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ kháng chiến.
b. Đấu tranh với quân Trung Hoa Dân quốc.
– Đảng và Chính phủ chủ trương hoà hoãn với quân Trung Hoa Dân quốc, tránh cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù.
– Biện pháp:
+ Chấp nhận một số yêu sách về kinh tế, tài chính của quân đội Trung Hoa Dân quốc như: cung cấp một phần lương thực, thực phẩm, phương tiện giao thông, chấp nhận lưu hành tiền quan kim và quốc tệ trên thị trường Việt Nam.
+ Đồng ý nhường cho Việt Quốc, Việt cách 70 ghế trong Quốc hội và 4 ghế trong Chính phủ liên hiệp mà không qua bầu cử. Mặt khác, chính quyền cách mạng dựa vào quần chúng đã kiên quyết vạch trần âm mưu và hành động chia rẽ, phá hoại của các thế lực phản động. Những kẻ phá hoại có đủ bằng chứng thì bị trừng trị theo pháp luật.
+ Đảng rút vào hoạt động bí mật với danh nghĩa “tự giải tán” (11/11/1945), để tránh mũi nhọn tiến công của kẻ thù.
– Ý nghĩa: Những biện pháp trên đã hạn chế các hoạt động chống phá của quân Trung Hoa Dân quốc và tay sai, làm thất bại âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của chúng; tạo điều kiện củng cố chính quyền, tập trung kháng chiến chống Pháp ở miền Nam.
c. Hoà hoãn với Pháp.
– Sau khi chiếm đóng các đô thị ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp thực hiện kế hoạch tiến quân ra Bắc nhằm thôn tính cả nước Việt Nam.
– Ở Trung Quốc, lực lượng cách mạng phát triển mạnh, nên Trung Hoa Dân quốc cần rút quân ở Đông Dương về để đối phó. Các thế lực đế quốc do Mĩ cầm đầu vừa muốn tiêu diệt cách mạng Trung Quốc, lại vừa muốn chống cách mạng Việt Nam.
– Các thế lực đế quốc đã thu xếp công việc nội bộ, kết quả là Chính phủ Pháp và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc kí Hiệp ước Hoa – Pháp (tháng 2/1946), thoả thuận việc quân Pháp ra Bắc thay quân Trung Hoa Dân quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật.
– Hiệp ước trên đặt nhân dân Việt Nam trước sự lựa chọn: hoặc phải đánh hai kẻ thù (cả Pháp và Trung Hoa dân quốc); hoặc là hoà hoãn, nhân nhượng với Pháp.
Để tránh tình trạng phải đối phó một lúc với nhiều kẻ thù, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chọn giải Pháp “Hoà để tiến”. Vào thời điểm đó, Pháp cũng cần hoà với Việt Nam để có thể đưa quân ra miền Bắc một cách dễ dàng và kéo dài thời gian chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn.
– Ngày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kí với G. Xanhtơni, đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ:
+ Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do , có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng, nằm trong Liên bang Đông Dương, thuộc khối Liên hiệp Pháp.
+ Chính phủ Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp ra miền Bắc làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật và rút dần trong thời hạn 5 năm.
+ Hai bên ngừng mọi xung đột ở miền Nam đi đến cuộc đàm phán chính thức.
+ Việt Nam và Pháp tiếp tục đàm phán ở Hội nghị trù bị Đà Lạt (4 – 1946) và Hội nghị Phôngtennơblô (7 – 1946), nhưng không thu được kết quả gì.
+ Ngày 14/9/1946, Hồ Chí Minh kí với chính phủ Pháp bản Tạm ước, nhân nhượng thêm cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế và văn hoá.
– Ý nghĩa:
+ Loại bỏ bớt kẻ thù, tránh được tình thế bất lợi phải chiến đấu với nhiều kẻ thù một lúc.
+ Tạo thêm thời gian hoà bình để củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.
+ Tỏ rõ thiện chí hoà bình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.