Bài 16: Phong trào giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa tháng 8 (tiết 1 )

Bài 16: Phong trào giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa tháng 8

(tiết 1 )

1. Hoàn cảnh lịch sử.

– Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ  và ngày càng lan rộng: ngày 1 – 9 – 1939, phát xít Đức tiến công Ba Lan. Hai ngày sau, Anh, Pháp tuyên chiến với Đức. Tháng 6/1940, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, chính phủ phản động Pê tanh lên cầm quyền. Tháng 6/1941, Đức tấn công Liên Xô, tính chất chiến tranh thay đổi. Ở Châu Á – Thái Bình Dương, Nhật mở rộng xâm lược Trung Quốc, tién sát biên giới Việt – Trung. Tháng 9/1940, Nhật vào Đông Dương.

– Ở Đông Dương, thế lực phản động thuộc địa ngóc đầu dậy, thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ; thi hành chính sách “Kinh tế chỉ huy”. Khi Nhật vào Đông Dương, Pháp đầu hàng Nhật và cấu kết với Nhật để thống trị và bóc lột nhân dân Đông Dương, làm cho nhân dân Đông Dương phải chịu hai tầng áp bức.

Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với  đế quốc xâm lược và tay sai phát triển vô cùng gay gắt. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt ra cấp thiết.

2. Chủ trương của Đảng

– Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11/1939:

+ Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc len hang đầu; tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao, lãi nặng; thay khẩu hiệu lập chính quyền Xô viết công – nông – binh bằng khẩu hiệu lập chính quyền dân chủ cộng hòa.

+ Phương pháp đấu tranh: chuyển từ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ  sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật, bất hợp pháp.

+ Thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương, nhằm tập hợp mọi lực lượng dân tộc chống đế quốc.

+ Ý nghĩa: Đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng, dương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đưa nhân dân bước vào giai đoạn trực tiếp vận động cứu nước.

– Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5/1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì:

+ Giải quyết mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ độc lập dân tộc và cách mạng ruộng đất, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và nhấn mạnh là nhiệm vụ “bức thiết nhất”; tiếp tục tạm gác khẩu hiệu “cách mạng ruộng đất”, chỉ thực hiện khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công.

+ Quyết định thành lập ở mỗi nước Đông Dương một mặt trận riêng. Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) là mặt trận đoàn kết dân tộc Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo tín ngưỡng.

+ Đề ra chủ trương khởi nghĩa vũ trang, coi chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng toàn dân; chỉ rõ một cuộc tổng khởi nghĩa bùng nổ và thắng lợi phải có đủ điều kiện chủ quan, khách quan và phải nổ ra đũng thời cơ; đi từ khởi nghĩa từng phần lên tổng khởi nghĩa.

– Ý nghĩa:

+ Hoàn chỉnh chủ trương chiến lược giải phóng dân tộc được đề ra tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1939.

+ Khẳng định lại đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đứng đắn trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đồng thời khắc phục triệt để những hạn chế của Luận cương Chính trị tháng 10 – 1930.

+ Là sự chuẩn bị về đường lối và phương pháp cách mạng cho thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

3. Chuẩn bị lực lượng tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền

Trên cơ sở lực lượng cách mạng được nuôi dưỡng từ trước, bước vào giai đoạn trực tiếp vận động cứu nước 1939 – 1945, việc chuẩn bị lực lượng mọi mặt được đẩy mạnh.

* Chuẩn bị lực lượng chính trị:

+ Gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của Việt Minh (bao gồm các đoàn thể quần chúng mang tên “cứu quốc”). Chương trình của Việt Minh đáp ứng nguyện vọng cứu nước của mọi giới đồng bào, nên phong trào Việt Minh ngày càng phát triển mạnh.

+ Cao Bằng là nơi thí  điểm cuộc vận động xây dựng các hội “Cứu quốc” trong mặt trận Việt Minh. Đến năm 1942 khắp các châu ở Cao Bằng đều có Hội cứu quốc trong đó có 3 châu “hoàn toàn” (Hoà An, Hà Quảng và Nguyên Bình). Trên cơ sở đó, Uỷ ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng và Uỷ ban Việt Minh lâm thời Liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng được thành lập.

+ Bắc Sơn – Võ Nhai cũng là một trung tâm chuẩn bị khởi nghĩa. Sự ra đời và hoạt động của lực lượng vũ trang Bắc Sơn làm cho các tổ chức cứu quốc được xây dựng rộng khắp.

+ Tháng 2 – 1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên), vạch ra kế hoạch cụ thể về công việc chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang. Ở hầu khắp các vùng nông thôn và thành thị, các đoàn thể Việt Minh, hội Cứu quốc được xây dựng và củng cố.

+ Năm 1943 bản Đề cương văn hoá Việt Nam ra đời. Năm 1944, Đảng dân chủ Việt Nam và Hội văn hoá cứu quốc Việt Nam được thành lập, đứng trong hàng ngũ Việt Minh.

+ Ngoài ra, Đảng cũng chú trọng công tác vận động binh lính người Việt trong quân đội Pháp, những ngoại kiều ở Đông Dương chống phát xít.

+ Báo chí của Đảng và của mặt trận Việt Minh đã góp phần vào việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, hướng dẫn quần chúng đấu tranh.

Lực lượng chính trị quần chúng là lực lượng đông đảo nhất, một lực lượng cơ bản, giữ vai trò quyết định trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Việt Minh là nơi tổ chức, giác ngộ và rèn luyện lực lượng chính trị, đồng thời tạo điều kiện để xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng.

* Chuẩn bị  lực lượng vũ  trang:

+ Cùng với quá trình chuẩn bị lực lượng chính trị, Đảng từng bước chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang.

+ Sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (11 – 1940), lực lượng vũ trang Bắc Sơn được duy trì để làm vốn quân sự cho cách mạng. Bước sang năm 1941 những đội du kích ở khu căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai lớn mạnh lên và thống nhất thành Trung đội cứu quốc quân I (14/2/1941). Cứu quốc quân phát động chiến tranh du kích trong 8 tháng (từ tháng 7/1941 đến tháng 2/1942). Ngày 15/9/1941, Trung đội cứu quốc quân II ra đời.

+ Ở Cao Bằng, trên cơ sở lực lượng chính trị phát triển mạnh, các đội tự vệ cứu quốc ra đời. Cuối năm 1941, Nguyễn Ái Quốc chỉ thị thành lập đội tự vệ gồm 12 chiến sĩ, làm các nhiệm vụ: bảo vệ cơ quan đầu não, giao thông liên lạc và huấn luyện tự vệ cứu quốc. Người biên soạn nhiều tài liệu để huấn luyện cán bộ quân sự như Cách đánh du kích, Kinh nghiệm du kích Nga, Kinh nghiệm du kích Tàu…

+ Ngày 22 – 12 – 1944,  thực hiện chỉ  thị của Nguyễn Ái Quốc, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, lúc đầu có 34 chiến sĩ, do Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Ba ngày sau, đội đánh thắng hai trận liên tiếp ở Phai Khắt và Nà Ngần.

+ Tháng 4 – 1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kì quyết định thống nhất lực lượng vũ trang, phát triển lực lượng bán vũ trang và xây dựng 7 chiến khu trong cả nước.

+ Ngày 15 – 5 – 1945, Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân.

+ Lực lượng bán vũ trang cũng được xây dựng rộng khắp, ở cả nông thôn và thành thị, gồm các đội du kích, tự vệ và tự vệ chiến đấu.

Lực lượng vũ trang tuy còn ít về số lượng, thiếu thốn về trang bị, non yếu về trình độ tác chiến, nhưng có vai trò rất quan trọng trong hoạt động vũ trang tuyên truyền, góp phần phát triển lực lượng chính trị; tiến công quân sự ở một số nơi gây thanh thế cho cách mạng, đồng thời là lực lượng xung kích, lực lượng nòng cốt, hỗ trợ quần chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

Cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang đều là cơ sở của bạo lực cách mạng, là điều kiện để kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang trong tổng khởi nghĩa toàn dân, đập tan chính quyền của đế quốc và tay sai, thiết lập chính quyền cách mạng.

*  Xây dựng căn cứ địa.

+ Để tiến hành khởi nghĩa phải xây dựng căn cứ địa. Đó là nơi giải quyết vấn đề tiềm lực của cách mạng.

+ Năm 1940, sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Vùng Bắc Sơn – Võ Nhai được xây dựng thành một trung tâm căn cứ địa, gắn liền với sự ra đơì và hoạt động của lực lượng vũ trang Bắc Sơn.

+ Năm 1941 Nguyển Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chọn Cao Bằng làm nơi đầu tiên để xây dựng căn cứ địa. Từ đó, căn cứ địa cách mạng ngày càng mở rộng, phát triển thành căn cứ Cao – Bắc – Lạng.

+ Năm 1943, Uỷ ban Việt Minh Liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng lập ra 19 ban “xung phong Nam tiến” để phát triển lực lượng xuống các tỉnh miền xuôi.

+ Trong những vùng căn cứ cách mạng diễn ra các hoạt  động sản xuất, xây dựng, chiến đấu, hoạt  động của các đoàn thể cứu quốc và lực lượng vũ trang. Ngày 16 – 4 – 1945, Tổng bộ  Việt Minh ra chỉ thị thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng các cấp.

+ Tháng 5 – 1945, Hồ Chí Minh rời Cao Bằng về Tuyên Quang. Người chọn Tân Trào làm trung tâm chỉ  đạo cách mạng.

+ Tháng 6 – 1945, Khu giải phóng Việt Bắc chính thức  được thành lập, thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đó là căn cứ địa chung của cách mạng cả nước, là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới trong tương lai. Tân Trào là thủ đô Khu giải phóng. Uỷ ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng được thành lập.

+ Công cuộc chuẩn bị lực lượng được tiến hành chu đáo. Toàn Đảng, toàn dân sẵn sàng đón chờ thời cơ vùng dậy Tổng khởi nghĩa.