Kỹ năng phân tích thơ – Bài 3: Phân tích thơ từ mặt hình thức

B. Kĩ năng phân tích thơ:

I. Phân tích thơ từ mặt hình thức.

1. Phân tích về mặt tiết tấu (Nhạc thơ):

– Tiết tấu là do sự luân phiên những mặt đối lập của các thuộc tính âm thanh ngôn ngữ. Nghĩa là một trong hai mặt đối lập của chúng (cao- thấp, dài- ngắn, mạnh- nhẹ) luân phiên trong một khoảng thời gian nào đấy tạo nên nhạc thơ.

– Nhạc thơ là gì? Ngôn ngữ thơ ca luôn được độc giả tiếp nhận ở ba mặt (âm thanh, ý nghĩa, hình thức trình bày). Nhạc thơ là do âm thanh của ngôn ngữ tạo ra, khi chúng được nhà nghệ sĩ sắp xếp, tổ chức theo những nguyên tắc, trật tự nhất định. Vậy bàn đến nhạc thơ là bàn đến việc tổ chức ngữ âm trong thơ.

“ Thơ là sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa ” ( Valéry)

 “Ý nghĩa của bài thơ đi bộ, còn nhạc điệu bay cao”. R.D.Tagor

 2. Số “tiếng” trong một dòng thơ( Loại thể thơ):

Ví dụ: Bài thơ “ Đất nước “(Nguyễn Đình Thi) chủ yếu 7 tiếng/dòng, nhưng khổ cuối  có sáu tiếng/ dòng. Do vậy, nhạc thơ ở khổ cuối trở nên nhanh, mạnh hơn các khổ trên. Điều này giúp nhà thơ thể hiện sức mạnh, tư thế hùng tráng của đất nước Việt Nam ở thời điểm quật khởi đứng lên chống Pháp.

“ Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa ”

3. Phép điệp:

Là hiện tượng lặp lại một hay nhiều đơn vị âm thanh của ngôn ngữ. Có hai trường hợp lặp lại một cách đặc biệt là  từ láy và hiện tượng gieo vần.

* Điệp phụ âm đầu: Là hiện tượng lặp lại phụ âm đầu.

Ví dụ :  Đi lang thang về miền đơn độc

(Đàn ghita của Lor-ca)

* Điệp cấu trúc:

Ví dụ 2:

“ Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta ”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Điệp ngữ “của chúng ta” tạo nên âm hưởng chủ đạo của đoạn thơ là niềm tự hào của tác giả về thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam. Nghĩa của ngữ này chỉ sự sở hữu (đây là một hình thức sở hữu cách trong tiếng Việt ). Do đó, đoạn thơ còn diễn tả niềm vui sướng của tác giả khi thức nhận tinh thần làm chủ đất nước.

* Điệp đoạn (còn gọi là  điệp khúc):

Ví dụ 1: Bài thơ “Tâm tư trong tù” của Tố Hữu có một điệp đoạn 4 dòng thơ:

“Cô đơn thay là cảnh thân tù

Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực

Tôi lắng nghe  tiếng đời lăn náo nức

Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu”

4. Phép đối:

* Khái niệm: Là hiện tượng bố trí song hành về mặt âm thanh và ý nghĩa ở 2 vế của một dòng thơ hay hai dòng thơ trong một bài thơ. Tần số xuất hiện nhiều hay ít, cố định hay không cố định của phép đối tuỳ thuộc vào đặc trưng của từng thể thơ. Ở thể thất ngôn bát cú thì luôn có hai cặp câu đối với nhau: Cặp câu thực và cặp câu luận. Ở thể song thất lục bát thường xuất hiện cặp câu đối ở cặp câu thất. Ở thể lục bát thỉnh thoảng có phép đối trên một dòng.

+ Tiểu đối: là phép đối xảy ra trong nội bộ một dòng thơ.

Ví dụ: “Gió theo lối gió mây đường mây “

(Đây thôn Vĩ dạ))

+ Bình đối: là phép đối xảy ra giữa hai dòng thơ với nhau.

Ví dụ:

“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng bến cô liêu”

(Tràng giang)

* Chức năng: Phép đối góp phần làm nên tính hài hoà của tiết tấu.

 5. Ngắt nhịp:

Nhịp là hiện tượng được tạo nên do những “dấu lặng” trên chuỗi âm thanh của dòng thơ.

Thường nhịp thơ là do thể thơ quy định.

Thơ tự do có cách ngắt nhịp tự do hơn cả, ngắt nhịp theo mạch cảm xúc.

Xác định đúng nhịp thơ sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phân tích thơ. Ngắt nhịp sai thì cảm, hiểu sai.

Ví dụ:

“ Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy ”

Nếu ngắt nhịp “Sau lưng / thềm nắng lá rơi đầy” thì sẽ hiểu sai ý đồ của tác giả. Phải ngắt nhịp: “Sau lưng thềm / nắng lá rơi đầy” thì mới hiểu đúng tinh thần câu thơ.

Ví dụ 2: “Ngàn thước lên cao/ngàn thước xuống”

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Câu thơ như bị bẻ đôi bởi nhịp thơ ở sau âm tiết thứ tư, tạo nên biểu tượng như một ngọn núi, nhằm mục đích gợi tả tính chất hiểm trở của địa hình vùng thượng nguồn sông Mã và những gian lao trên bước đường hành quân của binh đoàn Tây Tiến.

6. Phối thanh:

Là hiện tượng luân phiên các thanh bằng – trắc trong một hay nhiều dòng thơ, tạo nên tính du dương trầm bổng, đồng thời góp phần tạo nên nội dung cảm xúc

Tây Tiến của Quang Dũng là một bài thơ thành công về sự phối hợp giữa câu thơ bình thanh và câu thơ trúc trắc.

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên, cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

(T B T T T B T

B T B B T T B

B T B B B T T

B B B B B B B )

Ba câu đầu trúc trắc về mặt thanh điệu,dùng để gợi tả tính chất hiểm trở của vùng thượng nguồn sông Mã và những khó khăn trên bước đường hành quân của binh đoàn. Ngược lại, câu cuối toàn bằng, phù hợp cho việc dùng để tả cảm giác thi vị và những phút giây lãng mạn của người linh trước thiên nhiên rất huyền ảo, nên thơ. Từ đó bài thơ thể hiện được hai nét đặc trưng của thiên nhiên Tây Bắc: Hùng vĩ – Thơ mộng, hai nét đặc trưng của lính Tây Tiến: Bi hùng – Lãng mạn.

7. Vần:

 Khái niệm : Là hiện tượng lặp lại khuôn vần trên một hay nhiều dòng thơ ( cấu tạo của vần gồm hai phần: Nguyên âm và phụ âm cuối).

Chức năng: Vần trong thơ tiếng Việt có biểu tượng âm thanh. Nghĩa là, mỗi khuôn vần có khả năng thể hiện một loại cảm xúc, tâm trạng, … nào đó.

<- Quay lại          Xem tiếp ->