Kỹ năng phân tích thơ – Bài 2: Hai giai đoạn trong quá trình tiếp nhận thơ

III. Hai  giai đoạn trong quá trình tiếp nhận thơ :

1- Cảm thơ

Việc đánh giá, khen chê một tác phẩm thơ mà không có lý do (hay chưa tìm ra lý do) thì gọi là cảm thơ. Đây chính là bước khá quan trọng trong quá tình tiếp nhận thơ.

Mỗi tác phẩm thơ được xem như là một cơ thể sống. Nó có cảm xúc, tiếng nói, cái nhìn riêng về con người và đời sống. Như đã nói ở phần trên, thơ là tác phẩm trữ tình, do vậy mỗi bài thơ có một trường cảm xúc riêng (gọi là trường cảm xúc của bài thơ). Khi tiếp nhận tác phẩm thơ, người đọc chuẩn bị cho mình một tâm thế, một thái độ, một cảm xúc (gọi là trường cảm xúc của người đọc).

Một bài thơ, người khen hay, kẻ chê dở là chuyện thường tình, lắm khi có người không có cảm xúc hay chính kiến. Việc cảm thơ phụ thuộc rất lớn vào độ mẫn cảm của từng người

– Việc cảm thơ thường diễn ra theo sự mách bảo của con tim, chịu sự chi phối bởi tâm lý, thể trạng, hoàn cảnh của độc giả… Do vậy, nó mang tính chủ quan, cảm tính; nên việc cảm thơ không phải lúc nào cũng chính xác.

2. Phân tích Thơ

Việc khám phá và chiếm lĩnh một cách có cơ sở những giá trị thẩm mỹ của tác phẩm thơ là phân tích thơ. Tất cả quá trình ấy phải được  biểu hiện bằng ngôn ngữ của người đọc .

Khác với cảm thơ, phân tích thơ luôn tuân theo những nguyên tắc nhất định có tính khách quan, khoa học đối với nhiều người. Những nguyên tắc ấy là những công cụ đáng tin cậy để người làm văn có những nhận xét, đánh giá chuẩn xác về giá trị thẩm mỹ của tác phẩm thơ.

Năng lực phân tích thơ tuỳ thuộc rất lớn vào trình độ hiểu biết văn chương, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ diễn đạt cũng như các thao tác, phương pháp phân tích của độc giả.

Thành công bao giờ cũng dành cho người nào nắm phương pháp. Phân tích thơ mà không có phương pháp thì khó bề đặt chân đến bờ chân – thiện – mỹ của thi phẩm.

Riêng giai đoạn phân tích thì phải trải qua hai bước theo nghĩa từ nguyên của phép chiết tự từ “ phân tích ”. “ Phân” là bước một, là việc chia nhỏ, lựa chọn tác phẩm ra thành nhiều phần (hoặc nhiều đoạn, nhiều câu, nhiều ý…) để tìm hiểu. “ Tích ” là bước thứ hai, là việc tổng hợp kết quả tìm hiểu.

Mỗi tác phẩm thơ là một chỉnh thể nghệ thuật. Ở đó, ngôn ngữ được nhà nghệ sĩ tổ chức thành một hệ thống bởi những nguyên tắc và lôgic nhất định.

Việc phân chia tác phẩm ra thành nhiều phần nhỏ sẽ tạo nên những  đơn vị thơ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận tác phẩm thơ. Thường thấy, khi phân tích một bài thơ, người đọc thường hay chia nhỏ thành từng đoạn (gọi là bố cục). Và hơn thế nữa, người đọc còn phân đoạn ra thành các yếu tố nhỏ hơn, như: Câu, ngữ, tổ hợp từ, tập hợp từ, từ…

Vậy, đơn vị thơ là những tập hợp từ, tổ hợp từ ,… chứa đựng ít nhất giá trị nào đó về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thơ. Là đối tượng cụ thể cho việc phân tích thơ. Cụ thể hơn, nó là cái để chúng ta thẩm bình và đánh giá giá trị của thi phẩm .

– Đơn vị thơ ít nhất phải chứa đựng một giá trị nội dungnghệ thuật nào đó.

– Những giá trị của đơn vị thơ phải thống nhất, tô đậm chủ đề hoặc hình tượng của tác phẩm.

– Các đơn vị thơ phải có mối quan hệ và thống nhất với nhau trên mạch cảm xúc chính của tác phẩm.

– Xác định đơn vị thơ phải theo một trật tự nhất định, từ lớn đến nhỏ, từ khái quát đến cụ thể. Các đơn vị thơ phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để thẩm bình. Do đó, khi đi tìm đơn vị thơ, cần tránh các khuynh hướng sau đây:

+ “Chẻ sợi óc làm tư ”

+ Thụ động, máy móc

Vài ví dụ về cách xác định đơn vị thơ được trình bày từ cấp độ lớn đến nhỏ.

– Đơn vị thơ là một đoạn:

– Đơn vị thơ là một tổ hợp từ (ngữ):

“Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi

  Đất nước có từ cái “ngày xửa … ngày xưa “ mẹ thường hay kể ”

( Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm )

Câu thơ trên có nhiều tổ hợp từ. Song, tổ hợp từ có vị trí và vai trò quan trọng hơn cả là: “ngày xửa … ngày xưa”. Về mặt nghệ thuật, tác giả vận dụng cách kể của chuyện cổ tích để biểu đạt nội dung là đất nước có từ lâu đời

 “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”

(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)

Đoạn thơ có một tập hợp từ rất quan trọng: Đìu hiu/ tang/ buồn/ lệ. Bốn từ này tập hợp lại, gắn bó, cộng hưởng về nghĩa để biểu đạt nỗi buồn của tác giả  trong mùa thu chia ly.

– Đơn vị thơ là một từ: Bài thơ dĩ nhiên có nhiều từ, nhưng không phải từ nào cũng là đơn vị thơ (là cái để phân tích). Có khi cả bài thơ chỉ có một từ, nhưng đó là từ đóng vai trò hạt nhân của nguyên tử, chứa đựng phần lớn năng lượng của thi phẩm, hay của đoạn thơ, dòng thơ.

Ví dụ: Từ “đế” trong “Nam quốc sơn hà” (Lý Thường Kiệt), từ “hồng” trong bài “Mộ ” (Hồ Chí Minh), từ “Điền” trong (Hàn Mặc Tử), tháng giêng (Vội vàng), tràng giang (Tràng giang), mình, ta (Việt Bắc)…

<- Quay lại         Xem tiếp ->