Kỹ năng phân tích thơ – Bài 4: Phân tích thơ từ mặt nội dung

B.II. PHÂN TÍCH THƠ TỪ MẶT NỘI DUNG

1. Tìm hiểu chủ đề của tác phẩm thơ:

Chủ đề tác phẩm thơ là tâm trạng của nhân vật trữ tình trước một vấn đề nào đó trong hiện thực đời sống.

Muốn tìm hiểu chủ đề của một thi phẩm, ta cần làm các bước sau:

a- Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ:

b- Xác định tứ thơ:

Tứ thơ là một sự việc hay hiện tượng nào đó trong đời sống được đề cập trong bài thơ và nhờ các sự việc, hiện tượng ấy mà nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc. Nhiêu khi tứ thơ chỉ là cái cớ nghệ thuật, là giả định nhưng có lúc nó là một sự kiện, sự việc có thật trong cuộc sống.

Người làm thơ muốn diễn đạt tốt cảm xúc (ý) thì phải chọn tứ. Tứ hay là tứ mới lạ, diễn tả trọn vẹn, độc đáo, sâu sắc cảm xúc của nhà thơ.

c. Xác định mạch tâm trạng chính của bài thơ (Cảm nhận sơ bộ nội dung cảm xúc của bài thơ):

Nội dung cảm xúc trong thơ luôn được thể hiện một trong hai hình thức sau: Trực tiếp và gián tiếp trên ngôn ngữ thơ.

+ Thể hiện  trực tiếp bởi các từ ngữ chỉ tâm trạng.

Ví dụ: “Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng”

(Tràng Giang – Huy Cận)

Khổ thơ có hai từ “buồn”, “sầu” trực tiếp thể hiện  tâm trạng nhân vật trữ tình. Nỗi buồn sầu ấy là mạch cảm xúc của khổ thơ này nói riêng và bài Tràng Giang nói chung.

+ Nhân vật trữ tình: tác giả (Một người khách tha phương).

+ Tứ thơ: Không gian mênh mông của dòng Tràng giang, của vũ trụ.

+ Cảm xúc chính: Nỗi buồn sầu, sự cô đơn.

Vậy chủ đề của bài Tràng giang là: Bài thơ thể hiện  nỗi buồn sầu, sự cô đơn của tác giả trước không gian mênh mông.

Hay

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Đây mùa thu tới mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng”

(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)

Tuy nhiên, để phân tích, tìm hiểu đầy đủ giá trị nội dung và nghệ thuật của một thi phẩm ta cần đi sâu vào việc phân tích hình tượng ngôn ngữ thơ.

2. Hình tượng ngôn ngữ thơ:

 Khái niệm:

Hình tượng thơ là một hình ảnh vừa có khả năng thể hiện cái cụ thể sinh  động của đời sống, vừa mang ý nghĩa biểu trưng về cuộc sống thông qua sự sử dụng ngôn ngữ tài tình, trí tưởng tượng, óc sáng tạo và cách đánh giá của người nghệ sĩ.

Chất liệu thơ (thi liệu):

Là hệ thống hình ảnh, sự vật được ngôn ngữ gọi tên có cùng một đặc điểm tính chất và có mối quan hệ tương cận với nhau.

Thơ Hàn Mặc Tử thường sử dụng cụm 3 thực thể: Trăng – Hồn – Máu.

– Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa.

Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô.

Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy

Sáng dậy cuồng điên mửa máu ra.

– Kìa ai gánh máu đi trên tuyết

Manh áo da cừu ngắm nở nang

Với Tử, trăng đồng nghĩa với thế giới cái đẹp, cái vĩnh hằng, thế giới huyền ảo, hồn – máu là nỗi ám ảnh về cái chết từ thực tại nỗi đau bệnh tật. Trăng – hồn – máu làm nên sự cân bằng tâm trạng, cảm xúc trong thơ Hàn Mặc Tử.

Ví dụ :

Chất liệu thơ của Nguyễn Bính thường là các hình ảnh, sự vật gắn liền với đời sống làng quê Việt Nam. Đó là thi liệu dân gian: Trầu, cau, đền, đò, chè, mẹ già, thầy u, hoa xoan, luỹ tre, cây bàng, đầu đình, hội làng, …

Chương “Đất nước” (Trích trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm) sử dụng thi liệu là văn hoá dân gian, như: các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, … giúp tác giả thể hiện thành công hình tượng đất nước.

3. Không gian và thời gian trong thơ:

Không gian và thời gian là hai phạm trù luôn có mặt trong mọi hoạt động, sinh hoạt của con người. Đó là sự miêu tả, trần thuật xuất phát từ một điểm nhìn :Xa –gần, cao-thấp, rộng dài,…

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật(Vội vàng)

Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu(Thơ duyên)

Nắng xuống trời lên sâu chót vót(Tràng giang)

Mơ khách đường xa, khách đường xa ( Đây mùa thu tới)

MỞ RỘNG VĂN XUÔI: Không gian phố huyện rộng->chật (Không gian thu nhỏ:Ngọn đèn con chị Tí, gánh phở Bác Siêu.

Không gian cho chữ (Chữ người tử tù)

Không gian nghệ thuật dùng để mô hình hóa các phạm trù như: Con đường cách mạng, bước đường đời

Trong thơ, hai phạm trù này thường xuyên xuất hiện, nhưng hẳn đó không phải là sự ngẫu nhiên của việc miêu tả hiện thực, cảm xúc.

Huy Cận  được mệnh danh là nhà thơ không gian, thơ ông luôn thể hiện nỗi khắc khoải về không gian, cụ thể là: sầu vũ trụ, buồn sông núi, buồn tràng giang, nhớ quê hương… Bài thơ Tràng giang là một ví dụ:

Không gian trong bài “Tràng giang” trước hết là một không gian tự nhiên, cụ thể là không gian nông thôn được xác định từ các chất liệu: cồn, bãi, bến, … Cồn thì lơ thơ, bãi thì lặng lẽ, bến thì cô liêu. Nét độc đáo là không gian ấy được khắc hoạ ở trạng thái tĩnh, gần với cách sống hướng nội, suy tư, buồn lặng của nhà thơ. Thứ hai quan trọng hơn cả, nhà thơ miêu tả không gian mênh mông của Tràng giang bằng các tính từ: sâu, rộng, cao, dài, các động từ mở rộng biên độ không gian: xuống, lên, gợn, dạt, và bằng những vật thể bé nhỏ như: củi, cồn, bèo tạo nên sự đối lập giữa con người và không gian làm hiện lên cảm giác rợn ngợp cô đơn của tác giả.

Và cuối cùng, người đọc còn nhận ra không gian Tràng giang là một không gian chết, thiếu vắng hơi ấm của sự sống. Tất cả những hình ảnh về con người, liên quan đến con người và sự sống đều không thấy:

– Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

– Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

– Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Cái mênh mông kết hợp với băng giá càng đẩy người thơ vào tình trạng cô đơn tột độ. Hồn thơ không còn nơi nương tựa nào ngoài một nỗi nhớ quê.

Không gian trong bài Tây Tiến (Quang Dũng) là vùng núi rừng thượng nguồn sông Mã. Một trong những chất liệu để xây dựng hình tượng không gian ấy là những địa danh có khả năng gợi lên những vùng đất xa lạ hoang vu và đầy nguy hiểm : Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu,…Những địa danh ấy còn gợi lên địa bàn hoạt động rộng lớn của binh đoàn . Cho nên hình tượng không gian trong bài Tây Tiến trước hết mang tính đối nghịch, uy hiếp con người. Xây dựng hình tượng không gian này, Quang Dũng  muốn đề cập đến những khó khăn, thử thách, hiểm nguy mà lính Tây Tiến thường xuyên phải đối mặt, phải vượt qua và từ đó nhấn mạnh vẻ đẹp bi tráng của người lính.

-Xuân Quỳnh dùng thời gian làm thước đo nỗi nhớ người yêu, nỗi nhớ thường trực đến mức vô thức, nên nó tự nhiên thấm vào ý tứ, câu chữ:

– “Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

(Sóng)

Hình tượng thời gian vận động phi lôgic trong thơ Hàn Mặc Tử đa dạng: sáng, tối

Trong chương trình trung học, bài thơ “Tảo giải ”(Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Hình tượng không gian và thời gian trong bài thơ được tác giả nhận thức, miêu tả theo sự vận động tích cực từ đêm sang ngày, từ u ám sang tươi sáng .Sự vận động ấy thể hiện niềm tin, lạc quan của người tù Hồ Chí Minh vào tương lai tươi đẹp. Và nó cũng chính là nguồn thi hứng của bài thơ.

<- Trước          Tiếp ->