Bài văn tham khảo về Tài năng và lòng tốt

Ôn thi THPT môn Ngữ Văn- Phần II: NLXH

PHẦN III: MỘT SỐ CHỦ ĐỀ VÀ BÀI VIẾT THAM KHẢO

CHỦ ĐỀ 2 : TÀI NĂNG VÀ LÒNG TỐT

Bài văn tham khảo về Tài năng và lòng tốt

Nhắc đến văn hào V.Huygo, bạn đọc toàn thế giới không thể nào quên thiên tiểu thuyết nổi tiếng “Những người khốn khổ” – tác phẩm không chỉ làm nên tên tuổi của nhà văn mà còn làm rạng danh nền văn học Pháp. Nhưng nhắc đến V.Huy- gô, người ta còn nhớ tới con người điển hình về tài năng và đức độ, người mà sau bao trải nghiệm gian khó của cuộc đời đã đúc kết và để lại một câu nói bất hủ : “Trên đời này, chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt”.

Trong rất nhiều những giá trị làm người, “tài năng” và “lòng tốt” luôn là những chuẩn mực được xếp lên hàng đầu. Đó là tổng hợp của những gì là tinh hoa, tinh túy nhất làm nên sự vĩ đại và tầm vóc của một con người mà cộng đồng, nhân loại đã, đang và sẽ còn ngợi ca. Nếu “tài năng” là khả năng đặc biệt, hơn người (về trí tuệ, thể chất…), nhờ đó con người có thể thực hiện thành công công việc nào đấy thì lòng tốt là tấm lòng đẹp đẽ, cao cả, thánh thiện thể hiện ở những tình cảm, hành động, cách ứng xử đầy tinh thần nhân văn và nhân ái. Với V.Huy-gô, cả “tài năng” và “lòng tốt” đều rất đáng được trân trọng, ngợi ca như chính cách nói giàu hình ảnh của ông : “cúi đầu thán phục”, “quỳ gối tôn trọng”. Bằng câu nói đúc kết những chiêm nghiệm trong đời sống, nhà văn thể hiện thái độ đánh giá rất cao của mình đối với những phẩm chất quý giá của con người. Và có lẽ, đó không chỉ là một thái độ mà còn là một lối sống, một lí tưởng cao đẹp mà suốt đời nhà văn theo đuổi.

Là một nhà văn lớn, V.Huygo hiểu rõ giá trị của “tài năng” trong mỗi con người. Không “cúi đầu thán phục” sao được khi tài năng là “của hiếm” không phải ai cũng có. Nói cách khác, tài năng là vẻ đẹp hiếm có của cuộc đời. Đó là những vì sao tỏa ánh sáng lung linh giữa thiên hà hàng triệu ngôi sao đang nhấp nháy. Đó là “ngọc” trong hàng triệu viên đá thô phác đang sống kiếp trung thường. Chính vì “hiếm” nên “tài năng” là phần rất đáng quý và cần được trân trọng, nâng niu. Giữa hàng trăm người biết viết chữ (chữ Nho), Huấn Cao nổi lên là một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp. Chữ của ông Huấn “đẹp lắm”, “vuông lắm”, có được chữ ông Huấn mà treo trong nhà là như có “vật báu trên đời”. Tài năng của Huấn Cao chẳng phải đã khiến viên quản ngục phải bỏ rất nhiều tâm sức, bất chấp cả việc mất chức và mất mạng để đánh đổi ! Hay trong biển người chơi môn thể thao vua, Pele, Maradona, và nay là Ronaldo, Messi là những tài năng xuất chúng mà bất cứ CLB nào cũng muốn có. Tài năng chơi bóng của họ chẳng những khiến người hâm mộ phải thán phục mà còn khiến những đối thủ của họ phải kiêng nể và sợ hãi mỗi khi đối đầu. Trong vật lý học hiện đại, Stephen Hawking là một tài năng hiếm có. Vượt lên trên những đau đớn và kém may mắn vì bị tật nguyền ông vẫn được cả giới vật lý và khoa học thế giới ngưỡng mộ bởi những công trình nghiên cứu nổi tiếng của mình về vật lý lý thuyết và vũ trụ học. Nhờ có những phát kiến của ông mà chúng ta đã lý giải được nhiều vấn đề hóc búa về sự hình thành của trái đất cũng như các vì sao…

Những tài năng như thế thật đáng trân trọng. Nhưng còn đáng trọng hơn nữa nếu ta biết rằng tài năng chính là cơ sở, là tiền đề quan trọng để con người tạo nên những thành tích đáng nể, những cống hiến lớn lao, vĩ đại cho cộng đồng, đất nước, nhân loại. Đứng trước những tài năng, ta vừa được chiêm ngưỡng những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời khoa học, nghệ thuật, thể thao… của nhân loại, vừa được tiếp thêm sức mạnh để vươn tới những tầm cao, đồng thời mở rộng hiểu biết, học hỏi, nâng cao trình độ để hoàn thiện bản thân, như cách nói của nhà thơ Tố Hữu khi sống và làm việc bên Bác : “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta. Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”. Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến biến bao tài năng trên các lĩnh vực, và chính họ bằng tài năng của mình đã tạo nên những công trình, những sản phẩm để đời mà đến hàng trăm, vạn năm sau con người còn nhắc tới. Đó là nhà bác học Ê-đi-sơn với phát minh ra bóng đèn điện, là Đác-uyn với thuyết tiến hóa, là Men-đê-lê-ép với bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố, là Niu-tơn với định luật về vạn vật hấp dẫn, là Lê-ô-na đờ Vanh-xi với bức họa nàng Môn-na Li-da nổi tiếng, là Mô-da, Trai-cốp-xki với những bản nhạc tuyệt diệu… Đến với những con người này, ta đâu chỉ có cơ hội được lớn lên nhờ việc tiếp thu vốn liếng tri thức văn hóa ở họ mà còn học được từ họ tinh thần lao động hăng say, hết mình với nghề. Đó mãi là những tấm gương để ta không ngừng rèn luyện, phấn đấu.

Song song với sự ngưỡng mộ trước tài năng, V.Huy-gô cũng dành sự trân trọng rất cao của mình đối với lòng tốt. Là cha đẻ tinh thần của Giăng Văn Giăng – nhân vật nổi tiếng về tấm lòng cao cả trong Những người khốn khổ, hơn ai hết, nhà văn thấm thía giá trị to lớn của lòng tốt trong đời sống con người. Có lòng tốt tức là con người biết yêu thương, cảm thông, chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, nhất là sẻ chia nỗi đau, sự vất vả trong khó khăn, hoạn nạn. Có lòng tốt cũng tức là con người đã bước qua những ích kỉ, yếu hèn cá nhân để dâng hiến, thậm chí hi sinh cho đồng loại, để cuộc sống này trở nên nhân văn, nhân ái hơn, tràn ngập niềm vui và rộn rã tiếng cười. Lòng tốt chính là cơ sở để mỗi người có thể đem lại hạnh phúc cho người khác, đem lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội. Cuộc sống của chúng ta chắc chắc sẽ tốt đẹp và hạnh phúc biết bao nếu có hàng triệu những con người như mẹ Teresa, như chị Mai Anh (Hà Nội). Một người đã dành cả cuộc đời của mình chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối và sẵn sàng thực hiện bất cứ việc gì để có thể xoa dịu “cơn khát” hòa bình, tình yêu và tiếng cười trên thế giới. Còn người kia chính là người phụ nữ đã được bao người Việt Nam ngưỡng mộ, được chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư khen ngợi về tấm lòng nhân ái bao la. Chị là người đã cứu mang và phục sinh đứa trẻ bị bỏ rơi trong vườn hoang, bị súc vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục (bé Thiện Nhân), để giờ đây sau bao vất vả cứu chữa khắp nơi cậu “đã có thể trở thành người đàn ông bình thường như bao người” và tự tin sống trong cộng đồng. Hãy một lần lắng nghe họ nói : “Nếu tôi được trở thành một vị thánh, chắc chắn tôi sẽ là vị thánh của “bóng tối”. Tôi sẽ tiếp tục ở xa thiên đàng để thắp sáng cho những con người đang sống trong bóng tối trên trái đất này.” (Mẹ Teresa); “Lúc đó tôi đón Nhân về với tình yêu của một người mẹ, chỉ muốn giúp đỡ và chăm sóc bé. Không ai nghĩ và tin được có thể tái tạo bộ phận sinh dục đã mất cho một đứa trẻ. Tuy nhiên, đi đến bất cứ đâu, có cơ hội nào là tôi lại chia sẻ, tìm kiếm hy vọng” (Chị Mai Anh). Đúng như Khổng Tử đã dạy: “Có lòng nhân là người vậy” (Nhân giả, nhân dã) và Đức Phật khẳng định : “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh”, nếu chúng ta biết sử dụng lòng tốt, khai thác nó, thể hiện nó thì chúng ta sẽ biến cuộc đời chúng ta và những người xung quanh thành một môi trường hạnh phúc, an vui.

Không chỉ có thế, lòng tốt còn có sức mạnh cảm hóa con người, chinh phục trái tim con người khiến cho ngay cả những kẻ đã từng phạm tỗi cũng tìm đường trở lại với cuộc sống. Ai đó đã từng nói : Có một thứ mà khi càng cho đi thì càng có thêm nhiều; có một loại năng lượng càng sử dụng càng có nhiều thêm, đó chính là lòng tốt. Năng lượng của tấm lòng tốt đẹp, cao cả là cái có thể biến cải tâm hồn con người – điều mà tất cả những năng lượng vật chất khác không thể nào làm được – biến thế giới này thành một thế giới đáng sống, biến con người thành những nhân cách muốn được sống cùng, đó là lòng tốt. Đây là một cuộc cách mạng không đòi hỏi gì (vũ khí, nguồn vốn tư bản, nguồn vốn tri thức…), nó chỉ nằm nơi quyết định và hành động của mỗi chúng ta.

Là người kinh qua những thăng trầm, sóng gió trong cuộc đời, đồng thời là người hội tụ cả tài năng và lòng tốt, câu nói chí lý của tác giả Những người khốn khổ dễ giành được sự đồng tình của nhiều người. Tuy nhiên, ta cũng không nên tuyệt đối hóa các yếu tố này vì trong thực tế con người vẫn còn nhiều phẩm chất khác rất đáng và cần được coi trọng. Chẳng hạn như sự trung thực, lòng tự trọng, ý chí, nghị lực… Thêm nữa, ta cũng không nên tách bạch “tài năng” và “lòng tốt” dù biết rằng mỗi cái có những giá trị riêng. Sở dĩ như vậy là vì nếu chỉ có tài năng mà không có lòng tốt anh sẽ như một cái máy vô cảm, lạnh lùng, thậm chí sa chân vào cái ác, gây ra những tai họa khôn lường. Hit-le là một ví dụ. Hắn là một kẻ có tài, chí ít là tài năng quân sự. Nhưng cái tài ấy đã được hắn sử dụng vào mục đích tiêu diệt nhân loại tiến bộ để thống trị toàn cầu. Những kẻ như thế, thời nào cũng có. Chẳng phải ngẫu nhiên, trước khi chết nhà bác học Nô-ben đã dành hầu hết tài sản của mình (94%) để thành lập các giải thưởng trong đó có giải Nô-ben Hòa bình vì ông nghĩ rằng : rất có thể những phát minh của ông (nhất là thuốc nổ) sẽ bị kẻ xấu lợi dụng. Ở chiều ngược lại, có lòng tốt mà không có tài năng, chúng ta rất khó có cơ hội, điều kiện thực thi những tư tưởng, tình cảm tốt đẹp của mình. Thậm chí, chúng ta phải bất lực chứng kiến cái ác, cái xấu hoành hành. Chính vì thế, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy : “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Cho nên, “tài” và “tâm” phải đi liền với nhau. Cái tài nhờ có cái tâm để mà “cháy lên” còn cái tâm nhờ có cái tài để mà “tỏa sáng” – “cháy lên để mà tỏa sáng” như R.Gam-da-tốp đã từng nói.

  Sinh thời, “thánh Quát” (Cao Bá Quát) – một tâm hồn nghệ sĩ, một bản lĩnh cứng cỏi – chỉ cúi đầu trước hoa mai : “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Đấy là cái cúi đầu của người nghệ sĩ trước cái Đẹp thánh thiện, chân chính và cao cả, đồng thời cũng là thái độ trân trọng, ngợi ca những vẻ đẹp phẩm giá làm người. Giữa V.Huy-gô và Cao Bá Quát, từ Tây sang Đông, đó là sự gặp gỡ của những tâm hồn lớn và lý tưởng sống đẹp đẽ về tài năng và đạo đức ở đời. Quan niệm sống của họ là bài học để mỗi chúng ta hôm nay ra sức tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao phẩm chất, hoàn thiện bản thân, cả về tài và đức.