Tựa ” Trích diễm thi tập “

TỰA “TRÍCH DIỄM THI TẬP”

(“Trích diễm thi tập” tự – Hoàng Đức Lương )

I – GỢI DẪN

– Tựa – nguyên văn là tự, là những bài viết đặt ở đầu các cuốn sách do tác giả hoặc người biên soạn, người chỉnh lí, người dịch, người giới thiệu viết. Nội dung của bài tự, thường nêu những quan điểm của người viết về nhiều vấn đề liên quan đến cuốn sách như lí do và phương pháp làm sách, đặc điểm của sách, nhận xét, đánh giá về giá trị cuốn sách,…

– Hoàng Đức Lương nguyên quán ở huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), trú quán ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), đỗ Tiến sĩ năm Mậu Tuất (1478) dưới đời Lê Thánh Tông.

Bài Tựa này nằm trong Trích diễm thi tập (1497) gồm sáu quyển, chia làm hai phần : phần chính tuyển chọn thơ ca của các tác giả từ thời Trần đến đương thời, phần phụ lục là thơ của chính tác giả. Trích diễm thi tập thể hiện niềm tự hào, lòng trân trọng và ý thức bảo tồn di sản văn học dân tộc. Với tấm lòng tha thiết với di sản tinh thần của dân tộc, tài năng và tâm huyết, Hoàng Đức Lương đã sưu tầm và tập hợp những sáng tác của các nhà thơ thời trước. Mong muốn của ông là truyền lại cho con cháu đời sau những di sản văn hoá tinh thần quý báu của cha ông.

Bài Tựa giới thiệu về lí do và phương pháp làm sách Trích diễm thi tập.

– Cách đọc: Đây là văn bản thiên về tính nghị luận nên đọc chậm, rõ, mạch lạc, chú ý đến sự chặt chẽ của hệ thống lập luận của tác giả.

II – KIẾN THỨC CƠ BẢN

Hoàng Đức Lương viết : “Đức Lương này học làm thơ, chỉ trông vào thơ bách gia đời nhà Đường, còn như thơ văn thời Lí – Trần, thì không khảo cứu vào đâu được. Mỗi khi nhặt nhạnh ở giấy tàn, vách nát được một vài câu, thường cầm sách than thở, có ý đổ lỗi bậy cho hiền nhân quân tử lúc bấy giờ.”. Thực tế ấy đã khiến cho những người có trách nhiệm với dân tộc và đầy lòng trắc ẩn như ông phải thốt lên lời than :

“Than ôi ! Một nước văn hiến, xây dựng đã mấy trăm năm, chẳng lẽ không có  quyển sách nào có thể làm căn bản, mà phải tìm xa xôi để học thơ văn đời nhà Đường. Như thế chả đáng thương xót lắm sao !”.

Nhắc đến truyền thống văn hiến không chỉ để tự hào mà còn để khẳng định rằng : không phải dân tộc ta không có tài, không đủ trí tuệ để làm nên những cuốn sách lớn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “không có một cuốn sách lớn để làm chứng tích” là do sự lưu truyền. Tác giả đã dẫn ra những nguyên nhân khiến cho thơ văn không lưu truyền hết ở đời. Và những lí do ấy được đưa ra ngay khi mở đầu bài Tựa. Hoàng Đức Lương đã tuân thủ theo nguyên tắc kết cấu thông thường của một bài giới thiệu. Bài Tựa thường hướng đến lí giải mục đích của việc soạn sách. Trích diễm thi tập là tập hợp những tác phẩm thơ văn của đời trước, vì thế ông muốn lí giải sự cần thiết của việc biên soạn, sưu tầm chọn lựa.

Rất rõ ràng, lôgíc và chặt chẽ, tác giả đưa ra bốn nguyên nhân khiến thơ văn không lưu truyền hết ở đời. Trong khi lí giải các nguyên nhân, tác giả dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh, lập luận chặt chẽ và lí lẽ gọn sắc.

Thơ văn lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác nhờ đội ngũ những người thưởng thức. Nhưng người biết thưởng thức văn chương không nhiều, nhất là trong thời kì phong kiến với trình độ dân trí thấp, thơ văn lại uyên bác sâu xa. Người biết thưởng thức và có ý thức, khả năng gìn giữ văn chương lại càng hiếm hoi. Tác giả đã dùng hình ảnh nem chả, gấm vóc để so sánh với văn chương rồi khẳng định : “Đến như văn thơ, thì lại là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được. Chỉ thi nhân là có thể xem mà biết được sắc đẹp, ăn mà biết được vị ngon ấy thôi”. Lí do thứ nhất vừa nêu ra nguyên nhân sự thất thoát tác phẩm thơ văn, vừa đề cao giá trị đích của thơ văn : Thơ văn là của quý ở đời, không phải ai cũng thấy được cái hay cái đẹp của văn chương.

Trước khi trình bày lí do thứ hai, tác giả đã dùng câu hỏi tu từ để khẳng định rằng nước ta chắc chắn có người có tài, có khả năng tạo nên những tác phẩm lớn, có giá trị : “Nước ta từ nhà Lí, nhà Trần dựng nước đến nay, vẫn có tiếng là nước văn hiến, những bậc thi nhân, tài tử đều đem sở trường của mình thổ lộ ra lời nói, lẽ nào không có người hay ?”. Câu hỏi tu từ vừa có ý khẳng định, vừa là nỗi trăn trở của một con người có tinh thần dân tộc sâu sắc. Và ông đã lí giải nguyên nhân tại sao nước ta có người tài mà không có tác phẩm thơ văn nào lớn để lại cho hậu thế. Nguyên nhân đó là: người có học, có chữ, có khả năng ghi lại thơ ca thì hoặc không có thời gian hoặc bận rộn mà không để ý đến. Lí do này vừa nêu lên được tầm quan trọng của việc biên soạn Trích diễm thi tập, vừa thể hiện niềm tin vào trí tuệ của nhân dân.

Nguyên nhân thứ ba được trình bày đơn giản và ngắn gọn hơn nhưng vẫn đầy sức thuyết phục : người có trách nhiệm, có ý thức, thích việc sưu tập thơ văn nhưng không có đủ tài mà đành bỏ dở sự nghiệp.

Nguyên nhân thứ tư được trình bày với cách lập luận sắc sảo của Hoàng Đức Lương. Tác giả đã mạnh dạn quy trách nhiệm cho người cầm quyền. Ông đã làm phép so sánh để tạo nên sức thuyết phục cho lập luận : so sánh văn học Phật giáo với văn học Nho giáo. Trên thực tế, sự phát triển của văn học Việt Nam thời Lí – Trần đã có sự đóng góp rất quan trọng của văn học Thiền. Thời ấy, các nhà sư làm thơ rất nhiều và họ đều đã để lại cho văn học những thi phẩm đạt đến đỉnh cao nghệ thuật và chiều sâu bề xa giá trị nhân sinh. Đó là các nhà sư như Mãn Giác, Không Lộ, Pháp Thuận… Dựa trên thực tế đó, tác giả đã khẳng định chính sách in ấn, kiểm duyệt quá ngặt của triều đình phong kiến khiến việc lưu truyền thơ văn bị hạn chế.

Cả bốn lí do chủ quan trên, tác giả đều có hàm ý than tiếc cho việc cả dân tộc trải qua bao nhiêu thời kì lịch sử mà không có người có trách nhiệm với nền văn học dân tộc. Thấu đáo và đầy đủ hơn, ông đưa ra hai nguyên nhân khách quan tác động đến sự mai một của văn thơ, đó là thời gian và binh lửa. Hai lí do ấy được trình bày dưới hình thức một câu hỏi tu từ, nó xoáy vào lòng người đọc một nỗi niềm trăn trở, một sự xót xa. Không chỉ có thơ văn mà cả những di sản văn hoá tinh thần khác, dù là văn hoá vật thể hay phi vật thể đều có thể bị bào mòn bởi thời gian và chiến tranh, biến động xã hội. Và nếu con người không có ý thức bảo vệ thì chẳng mấy chốc thơ văn và văn hoá dân tộc cứ nghèo nàn đi và lịch sử sẽ chẳng có gì làm chứng tích.

Trước sự mai một ấy, với tấm lòng tha thiết với đất nước, với dân tộc, Hoàng Đức Lương đã giãi bày mong muốn của mình. Ông còn nói cả đến cách làm sách, nội dung và kết cấu của cuốn sách : “Tôi không tự lượng sức mình, muốn sửa lại điều lỗi cũ, quên rằng sách cũ không còn bao nhiêu, trách nhiệm nặng nề mà tài hèn sức mọn, tìm quanh hỏi khắp nhưng số thơ thu lượm được cũng chỉ là một hai phần trong số muôn nghìn bài. Tôi còn thu lượm thêm thơ của các vị hiện đang làm quan trong triều, chọn lấy bài hay, chia xếp theo từng loại, được 6 quyển, đặt tên sách là Trích diễm“.

Bài Tựa của Hoàng Đức Lương vừa khẳng định được tầm quan trọng của việc sưu tầm thơ văn của người xưa, vừa đánh thức ý thức của mọi người đối với việc bảo tồn nền văn học dân tộc, đồng thời vẫn đảm bảo được nội dung giới thiệu về cuốn sách. Tác giả đã thể hiện được nhiều mục đích trong một bài Tựa không dài. Thành công của bài Tựa được tạo nên bởi ngôn ngữ sắc sảo, lối hành văn chân thực, lôgíc và những tình cảm chân thành của người viết. Đây là một bài văn tiêu biểu cho thể Tựa, vừa đảm bảo tính khoa học, vừa có tính văn học.

(Nguyễn Đức Nam)