Mười tay

MƯỜI TAY

I – GỢI DẪN

– Mười tay là bài ca dao của dân tộc Mường, thuộc vùng miền núi Thanh Hoá, Hoà Bình.

– Với một cấu tứ độc đáo, nghệ thuật tạo nhịp điệu, âm hưởng đặc sắc cùng biện pháp trùng điệp, bài ca dao Mười tay thể hiện nổi bật thân phận nhỏ mọn, nỗi khổ nhục trăm bề của người phụ nữ nông dân trong xã hội phong kiến, đồng thời biểu lộ tình yêu thương con vô bờ của người mẹ.

Cách đọc

Bài ca được thể hiện dưới dạng thức thơ lục bát. Tuy nhiên, các câu theo thứ tự chẵn đều biến thể, đều nhiều hơn tám âm tiết. Khi đọc, vẫn đọc theo khuôn lục bát nhưng mềm hơn, thể hiện nội dung trữ tình của bài ca.

II – KIẾN THỨC CƠ BẢN

Mười tay là dạng bài ca than thân. Trong xã hội phong kiến, thân phận người phụ nữ phải hứng chịu vô vàn khổ cực, tủi nhục. Bài ca dao là lời ru con đồng thời là lời thở than của người phụ nữ. Ở lời ru ấy, có cảm xúc thiết tha, yêu thương vô bờ của người mẹ đối với con, lại có cả nỗi buồn tủi, lo âu, cay đắng của thân phận nhỏ nhoi, chịu nhiều gánh nặng. Hình ảnh mười tay trong lời ước của mẹ thể hiện tập trung cấu tứ của bài ca dao, là hình ảnh ẩn dụ sâu sắc. Thực chất, con số “mười” chỉ mang tính ước lệ. Ước mà thực ra là kể. Hình ảnh mười tay vừa gợi ra nỗi khổ cực trăm bề của người phụ nữ, vừa khắc hoạ được nỗi lo lắng trĩu nặng, ngổn ngang, và còn là mong ước chăm bẵm, lo toan, vun vén cho con,… Cấu tứ được gợi ra từ sự đối lập giữa một bên là bao gánh nặng, trăm công nghìn việc, bao lo toan với một bên là sức lực yếu đuối, thân phận nhỏ nhoi của người phụ nữ : mười tay – hai tay.

Người phụ nữ nông dân trong xã hội cũ phải chịu bao bất công, tủi cực. Họ bị vắt kiệt sức lực bởi những công việc gia đình, đồng áng, từ những việc nhỏ mọn hàng ngày cho đến việc nặng nhọc mà vẫn phải sống trong lễ giáo hà khắc, khổ nhục với tư tưởng trọng nam khinh nữ. Bài ca dao như một bức tranh tả thực cuộc sống khổ nhục của người phụ nữ xưa.

Trong muôn bề khổ nhục, người mẹ vẫn dành cho con tình cảm yêu thương đặc biệt. Tình cảm ấy được thể hiện trong các câu thơ :

– Một tay ôm ấp con đau

Một tay đi vay gạo, một tay cầu cúng ma.

– Tay nào để giữ lấy con

Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay.

Như đã nói, ở đây ước có được “thêm tay” thực ra là kể sự tình, thổ lộ nỗi niềm cơ cực trong cuộc sống của người mẹ. Mỗi tay mẹ ước có đều gắn với một công việc làm lụng, gánh vác. Con đau ốm, gia cảnh đói kém, mẹ một tay chạy vạy, lo toan từ hạt gạo cho đến việc “cầu cúng”, trong khi mẹ vẫn luôn ở bên con, chăm sóc, ấp ôm con. Hình ảnh người mẹ tháo vát, tảo tần hiện ra trong những vần thơ chất chứa tủi cực. Một tay còn có thể hiểu là chỉ mình mẹ quán xuyến, một mình mẹ gánh vác. “Cúng ma” là phong tục của người miền núi, ở đây nó cho thấy sự lo lắng của người mẹ khi con ốm. Những nỗi vất vả chỉ càng làm tôn thêm tình yêu thương mẹ dành cho con. Ngay cả khi phải chịu những bất công, ngang trái, bị hành hạ, áp bức, người mẹ cũng không quên hướng đến chở che, dành tình thương cho con. Mọi sự cực nhục của đời mẹ vẫn hàng ngày diễn ra, nhưng tình cảm mẹ dành cho con thì không khi nào thiếu đi tha thiết, nâng niu :

Bồng bồng con ngủ con say

Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời.

Bài ca dao được tác giả dân gian sáng tác theo biến thể lục bát. Câu sáu xen lẫn câu chín, câu mười, với cách ngắt nhịp linh hoạt, đã tạo ra âm hưởng lúc thì tha thiết, dìu dặt, khi lại bời bời, ngổn ngang. Âm hưởng trữ tình tha thiết, giọng điệu đầy cảm thương của bài ca dao được thể hiện bởi hình thức lặp lại đầy ám ảnh :

– Lặp lại không hoàn toàn cặp câu mở đầu :

+ Bồng bồng con nín con ơi – Dưới sông cá lội, ở trên trời chim bay.

+ Bồng bồng con ngủ con say – Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời.

Mở đầu lời ru, người mẹ dỗ dành con khỏi khóc. Kết thúc lời ru, sau khi đã thổ lộ ước ao, cũng là gửi gắm nỗi niềm tâm sự nông sâu đầy xúc động về thân phận, về cuộc đời, lời ru của mẹ trở lại vỗ về, nâng giấc cho con.

– Cụm từ một tay được lặp lại chín lần tô đậm ước mơ của người mẹ, đồng thời tạo ra nhịp điệu miên man, đầy ám ảnh.

Phép liệt kê trùng điệp được sử dụng rất có hiệu quả : bắt cá, bắn chim, chuốt chỉ luồn kim, làm ruộng, hái rau, ôm ấp con đau, vay gạo, cầu cúng ma, lo bếp nước, lo cửa nhà, đi củi, muối dưa, van lạy, bẩm thưa, đỡ đòn,… Lời ru của mẹ cũng là lời kể về nỗi khổ nhục trăm bề. Trong lời ru ấy, biết bao công việc, biết bao nỗi niềm trong cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ được nói đến. Nỗi cực khổ chất chồng được khắc sâu nhờ hình thức nghệ thuật này.