Nghệ thuật đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxay
Đoạn trích: “Chiến thắng Mtao Mxây” thể hiện khá rõ nét những đặc sắc của nghệ thuật sử thi:
– Trước hết, đó là nghệ thuật tổ chức ngôn ngữ :
+ Ngôn ngữ người kể chuyện biến hoá linh hoạt. Khi chậm rãi khoan thai, khi ào ạt mạnh mẽ,… trong các đoạn miêu tả nhà Mtao Mxây, tả chân dung Mtao Mxây, tả cuộc giao tranh giữa Đăm Săn và Mtao Mxây, nhất là những đoạn miêu tả cảnh ăn mừng sau chiến thắng của Đăm Săn.
+ Ngôn ngữ đối thoại trong đoạn trích được khai thác triệt để từ nhiều góc độ, đã góp phần khắc hoạ rõ nét hình tượng nhân vật (trong các lời đối thoại giữa Đăm Săn với Mtao Mxây, lời của Đăm Săn nói với tôi tớ và dân làng của Mtao Mxây, đối thoại giữa Đăm Săn với dân làng của mình sau chiến thắng). Đặc biệt, trong ngôn ngữ của nhân vật có nhiều chỗ sử dụng các câu mệnh lệnh mang âm hưởng hiệu triệu, vang vọng (ơ các con, ơ các con, hãy đi lấy rượu bắt trâu ! ; Hãy đánh lên các tiếng chiêng… ; Hãy đánh lên tất cả…) thấm đẫm chất sử thi anh hùng.
+ Mặt khác, trong ngôn ngữ của người kể chuyện, tác giả thường xen lẫn những lời trực tiếp hướng đến người nghe (Bà con xem… ; Thế là, bà con xem…). Dạng lời này có tác dụng lôi cuốn người nghe nhập cuộc đồng thời góp phần bộc lộ trực tiếp thái độ, sự phấn khích mang sắc thái diễn xướng của sử thi anh hùng, nó tạo ra sự giao tiếp sử thi, khơi gợi mối đồng cảm cộng đồng, giao hoà sử thi.
– Thứ hai: Việc sử dụng biện pháp tu từ so sánh và phóng đại đã tạo cho đoạn trích những hiệu quả diễn đạt ấn tượng. Chẳng hạn, miêu tả Mtao Mxây : “khiên hắn tròn như đầu cú, gươm hắn óng ánh như cái cầu vồng. Trông hắn dữ tợn như một vị thần… giữa một đám đông mịt mù như trong sương sớm” ; “Khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô”. Hoặc miêu tả Đăm Săn : “Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây” ; “Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc” ; “Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung” ; “đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre” ; “Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy, chàng nằm sấp thì gãy rầm sàn, chàng nằm ngửa thì gãy xà dọc”…
Bên cạnh đó, các phép so sánh, phóng đại trong ngôn ngữ nhân vật cũng được huy động tối đa : với Mtao Mxây “Ta như gà làng mới mọc cựa kliê, như gà rừng mới mọc cựa êchăm”,… với Đăm Săn : “Cầu cho ta được bình yên vô sự, nạn khỏi tai qua, lớn lên như sông nước, cao lên như cây rừng, không còn ai bì kịp ; Hãy đánh lên tất cả cho ở dưới vỡ toác các cây đòn ngạch… để nghe tiếng chiêng ăn đông uống vui như mừng mùa khô năm mới của ta vậy”…Biện pháp so sánh, phóng đại tạo ra sức hấp dẫn cho sử thi, đó là cách diễn đạt, mô tả bằng hình ảnh sinh động, tạo ấn tượng về sức mạnh, vẻ đẹp thần thánh, siêu phàm đúng với tính chất hùng tráng, mang tầm vũ trụ của nhân vật và hành động của sử thi anh hùng.
Đoạn trích đã đem lại cho ta những cách nhìn độc đáo về người anh hùng Đam Săn trong chiến công bảo vệ buôn làng, đem lại bình yên cho bộ tộc. Lời kể chuyện hấp dẫn cùng ngôn ngữ miêu tả khoa trương tạo được dấu ấn đặc sắc, chứa đựng những giá trị nhân văn đặc trưng của sử thi. Sử thi anh hùng Đăm Săn quả thật đã hình thành ý thức và tình cảm cộng đồng vững bền của dân tộc Ê-Đê, thành di sản quí báu của Tây Nguyên và dân tộc Việt Nam, đánh dấu thời đại sử thi rực rỡ với vẻ đẹp “một đi không trở lại”.
Xem thêm: Soạn bài Chiến thắng Mtao Mxay