TRƯỜNG HỌC, THI CỬ THỜI HẬU LÊ
Ngay từ thời Lý, nhà vua đã cho xây dựng Văn Miếu Quốc Tử Giám làm trường đào tạo nhân tài. Qua thời Trần, việc tổ chức dạy học bắt đầu có quy củ. Đến thời Hậu Lê, giáo dục được phát triển và chế độ đào tạo mới được quy định chặt chẽ.
Nhà Hậu Lê cho dựng nhà Thái học, dựng lại Quốc tử giám. Tại đây có lớp học, có chỗ ở cho học sinh và có cả kho sách. Trường không chỉ thu nhận con cháu vua và quan lại, mà còn thu nhận cả con em gia đình thường dân nếu học giỏi. Ở địa phương nhà nước cũng mở trường công bên cạnh các lớp học tư của thầy đồ.
Nội dung học tập để thi cử là Nho giáo( còn gọi là Khổng giáo, do Khổng Tử sáng lập, là hệ thống các quy định về chính trị, đạo đức, về cách ứng xử trong đời sống, …nhằm duy trì và bảo vệ trật tự của xã hội phong kiến). Học sinh phải học thuộc lòng những điều Nho giáo dạy để thành người biết suy nghĩ và hành động theo quy định của Nho giáo.
Cứ ba năm có một kỳ thi Hương ( Kỳ thi được tổ chức trong phạm vi một tỉnh hoặc một số tỉnh) và thi Hội( kỳ thi do triều đình tổ chức ở kinh thành cho những người đỗ cao nhất ở kỳ thi hương). Những người đỗ kỳ thi Hội sẽ dự kỳ thi Đình để chọn tiến sĩ. Ngoài ra theo định kỳ có kiểm tra trình độ của quan lại. Nhà Hậu Lê đặt ra lễ Xứng danh, lễ Vinh Quy và khắc tên người đỗ đạt tiến sĩ vào bia đá dựng ở Văn Miếu nhằm tôn vinh những người có tài.
VĂN HỌC VÀ KHOA HỌC
Ở thời Hậu Lê, văn học chữ Hán chiếm ưu thế. Tuy vậy văn học chữ Nôm( là một dạng chữ viết do người Việt sáng tạo dựa trên hình dạng chữ Hán) vẫn không ngừng phát triển. Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi là những người có nhiều sáng tác bằng chữ Nôm nhất. Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi và Hồng Đức Quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông là hai trong số những tập thơ Nôm xưa nhất và có giá trị còn lưu truyền đến ngày nay.
Nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh khí phách anh hùng và niềm tự hào chân chính của dân tộc, như Bình Ngô đại cáo (xem tại đây) của Nguyễn Trãi, hoặc các bài thơ của Nguyễn Mộng Tuân, Lê Thánh Tông…
Ngoài ra còn có các tác phẩm ca ngợi nhà Hậu Lê, đề cao và ca ngợi công đức của nhà vua. Tiêu biểu trong số này là các tác phẩm của hội Tao đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập.
Tuy nhiên, còn phải kể đến nhiều tác phẩm của một số tác giả nói lên tâm tư của những người muốn đem tài năng, trí tuệ ra giúp nước nhưng lại bị một sô quan lại ghen ghét, vùi dập. Ức trai thi tập của Nguyễn Trãi là một trong số đó.
Khoa học thời Hậu Lê cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên là bộ sách ghi lại lịch sử nước ta từ thời vua Hùng Vương đến thòi Hậu Lê. Đây là bộ sử lâu nhất của nước ta còn lưu truyền đến tận ngày nay. Nguyễn Trãi cũng là một nhà sử học. Bộ Lam sơn thực lục, tương truyền là của ông, đã ghi lại một cách rỏ ràng, đầy đủ toàn bộ diễn biến của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Về địa lý, tác phẩm Dư địa chí của Nguyễn Trãi đã xá định rỏ lãnh thổ quốc gia, nêu lên những tài nguyên phong phú của đất nước và một số phong tục tập quán của dân ta.
Ở các lĩnh vực khoa học khác như y học, toán học cũng đạt được những thành tựu nhất định. Lương Thế Vinh đã tập hợp những kiến thức toán học để soạn cuốn Đại thành toán pháp.