Từ giữa thế kỷ XIV tình hình đất nước ngày càng xấu đi. Vua quan ăn chơi sa đọa.
Trần Dụ Tông bắt dân đào hố trong hoàng thành , chất đá giữa hồ làm núi, chở nước mặn từ biển đổ vào hồ để nuôi hải sản.
Những kẻ có quyền thế ngang nhiên vơ vét của dân làm của riêng. Đê điều không ai quan tâm nên nhiều năm liền xảy ra lụt lội, mất mùa, cuộc sống của nhân dân càng thêm cơ cực.
Không chịu nổi cuộc sống cơ cực và ách áp bức bóc lột của kẻ thống trị. Nông dân, nô tì đã nổi dậy đấu tranh. Trong triều đã có một số quan lại bất bình, trong đó có Chu Văn An, ông đã dâng sớ xin chém đầu 7 tên quan tham, lấn át quyền vua, coi thường phép nước nhưng Vua không nghe nên ông xin từ quan.
Vua Hồ Quý Ly
Trong tình hình khó khăn phức tạp đó, đã xuất hiện một nhân vật- một vị quan đại thần có tài đó là Hồ Quý Ly. Thoát chết sau một vụ mưu sát, năm 1400 Hồ Quý Ly phế truất ngôi vua Trần và tự xưng làm vua, lập nên nhà Hồ, dời kinh thành về Tây Đô( Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) và đổi tên nước thành Đại Ngu ( nghĩa là An Vui Lớn). Ngay từ khi còn là một đại thần, đặc biệt là sau khi lên ngôi Vua, Hồ Quý Ly đã thực hiện nhiều cải cách.
Hồ Quý Ly thay thế các quan cao cấp của dòng họ Trần bằng những người thực sự tài giỏi, đặt lệ các quan phải thường xuyên xuống thăm dân; quy định lại số ruộng cho quan lại, quý tộc, nếu thừa phải trả lại cho nhà nước. Quy định lại số nô tì phục vụ trong một nhà quý tộc, số thừa ra phải trả lại cho triều đình. Những năm có nạn đói, các nhà giàu buộc phải bán thóc cho dân và tổ chức nơi chữa bệnh cho dân.
Năm 1406 quân Minh sang xâm lược nước ta, Hồ Quý Ly không đoàn kết được toàn dân tham gia kháng chiến , mà chỉ dựa vào sức mạnh của quân đội nên đã thất bại. Nước ta bị nhà Minh đô hộ từ đó.
Tham khảo thêm: Chuyện tình kỳ lạ của Hồ Quý Ly