Pháp đã thực hiện chương trình khai thác thuộc địa lần hai tại Việt Nam như thế nào ?
1. Bối cảnh quốc tế và trong nước
– Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tuy là nước thắng trận nhưng kinh tế Pháp bị kiệt quệ, các ngành như: công, nông, thương nghiệp đều bị tàn phá nặng nề, nợ nước ngoài tăng, các khoản đầu tư ở Nga mất trắng…Vì thế tư bản độc quyền vừa bóc lột nhân dân Pháp, vừa ráo riết đẩy mạnh khai thác bóc lột các thuộc địa.
– Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai thực hiện ở Đông Dương nhằm khôi phục lại địa vị kinh tế, chính trị của Pháp trong thế giới tư bản.
2. Chương trình khai thác
Pháp đầu tư với tốc độ nhanh, quy mô lớn vào các ngành kinh tế. Trong vòng 6 năm (1924 – 1929 ) lên 4 tỉ phrăng, vào các ngành kinh tế nhiều nhất là nông nghiệp:
– Nông nghiệp: được đầu tư mạnh, chủ yếu cho đồn điền, nhất là cao su. Diện tích trồng cao su tăng, nhiều công ty cao su ra đời. Mười năm sau chiến tranh, diện tích ruộng đất mà Pháp cướp đoạt bằng 25 % tổng số diện tích bấy giờ.
– Công nghiệp: khai thác mỏ, trước hết là mỏ than và các mỏ thiếc, kẽm, sắt…Các nhà máy chế biến rượu, đường, diêm, dệt, muối xay xát ….
– Thương nghiệp: ngoại thương có bước phát triển mới. Buôn bán nội địa được đẩy mạnh.
– Giao thông vận tải: được phát triển, các đô thị được mở rộng, nhiều đoạn đường sắt xuyên Đông Dương được xây dựng. Đường bộ, đường sắt phát triển mạnh. Cảng Sài Gòn và Hải Phòng được mở rộng. Các cảng Hồng Gai, Cẩm Phả, Bến Thủy, Đà Nẵng được xây dựng… dân cư đông hơn.
– Ngân hàng Đông Dương nắm quyền chỉ huy nền kinh tế, phát hành tiền giấy và cho vay lãi.
– Tăng thuế nên ngân sách Đông Dương năm 1930 tăng gấp 3 lần so với năm 1912.
– Pháp du nhập vào Việt Nam quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đồng thời vẫn duy trì quan hệ sản xuất phong kiến, làm cho nền kinh tế ở Việt Nam có bước biến đổi mới, nhưng vẫn bị kiềm hãm và lệ thuộc vào kinh tế Pháp: hạn chế phát triển công nghiệp nặng.
– Việt Nam thành một thị trường độc chiếm và phụ thuộc vào Pháp.
– Xã hội Việt Nam ngày càng phân hoá sâu sắc hơn. Bên cạnh giai cấp cũ (địa chủ phong kiến, nông dân) xuất hiện những tầng lớp, giai cấp mới (công nhân, tư sản, tiểu tư sản) với những lợi ích riêng và thái độ chính trị khác nhau.