Ôn thi TN: Hãy phân tích những biến đổi mới về giai cấp trong xã hội Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ I?

Hãy phân tích những biến đổi mới về giai cấp trong xã hội Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ I ?

Chính sách khai thác thuộc địa sau chiến tranh thế giới thứ I của Pháp đã làm các giai cấp ở Việt Nam phân hoá nhanh chóng và sâu sắc hơn. 

1/ Giai cấp địa chủ

– Sau chiến tranh thế giới thứ I, giai cấp địa chủ đã tăng về số lượng và thế lực (chỉ có 5% dân số nhưng chiếm đến 50% ruộng đất). Đây là chỗ dựa vững chắc của Pháp, câu kết chặt chẽ với Pháp để cướp đoạt ruộng đất đàn áp nông dân.

– Chỉ có một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ có tinh thần yêu nước, tham gia phong trào yêu nước khi có điều kiện.

2/ Giai cấp nông dân

– Nông dân gánh chịu hậu quả nặng nề của chính sách cướp đoạt ruộng đất, sưu cao thuế nặng nên chiếm 90% dân số nhưng chỉ có khoảng 30% ruộng đất.

– Đa số nông dân trở thành cố nông làm thuê cho địa chủ, một số ít bỏ làng quê đi làm công nhân ở hầm mỏ, đồn điền.

– Vì ở nước ta, “bần cùng hoá” không đi đôi với “vô sản hoá” nên phần lớn nông dân bị đẩy đến bước đường cùng. Do đó, mâu thuẫn giữa nông dân với đế quốc, phong kiến rất gay gắt.

– Họ trở thành lực lượng cách mạng hăng hái, đông đảo nhất, người bạn đồng minh tin cậy của giai cấp công nhân.

3/ Giai cấp tiểu tư sản thành thị

– Sau chiến tranh phát triển nhanh (từ 1900 đến 1929, tăng từ 2% lên 10%), gồm có những người buôn bán, chủ xưởng nhỏ, các viên chức, trí thức, học sinh, sinh viên, dân nghèo thành thị… bị chèn ép, bạc đãi, đời sống bấp bênh.

– Đặc biệt, bộ phận trí thức, tiếp xúc với trào lưu tư tưởng văn hoá tiến bộ bên ngoài nên có tinh thần hăng hái hướng theo cách mạng, là lực lượng cách mạng quan trọng.

4/ Giai cấp tư sản

– Sau chiến tranh, xuất hiện một số tư sản như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu… một số công ty của tư sản như: Tiên Long thương đoàn (Huế), Hưng nghiệp hội xã (Hà Nội), xưởng nấu xà phòng của Trương Văn Bền (Sài Gòn).

– Họ bị Pháp chèn ép, số lượng không đông, thế lực kinh tế yếu (vốn bằng 5% vốn tư bản nước ngoài).

– Địa chủ và tư sản Nam Kì còn thành lập ngân hàng Việt Nam.

Trong quá trình phát triển đã phân hóa thành 2 bộ phận:

+ Một số ít tư sản mại bản câu kết chặt chẽ với đế quốc, đây là thế lực phản cách mạng.

+ Còn phần lớn tư sản dân tộc bị chèn ép, kìm hãm nên có tinh thần dân tộc dân chủ, muốn phát triển chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam, nhưng thái độ thiếu kiên định, dễ thoả hiệp.

5/ Giai cấp công nhân

– Ra đời ngay trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, phát triển nhanh về số lượng (trước chiến tranh chỉ có khoảng 10 vạn, đến năm 1929 lên tới 22 vạn) và chất lượng (tiếp thu chủ nghĩa Marx Lenin và Cách mạng tháng Mười Nga).

– Đặc điểm riêng của giai cấp công nhân Việt Nam:

   + Bị ba tầng áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến và tư sản Việt Nam.

   + Có quan hệ gần gũi với nông dân.

   + Kế thừa truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc.

   + Sống tập trung tại các trung tâm kinh tế quan trọng, dễ tổ chức đấu tranh, có ý thức tổ chức, kỷ luật cao.

   + Sớm tiếp thu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx Lenin.

   + Đời sống vật chất, tinh thần hết sức thấp kém và khổ cực nên có tinh thần đấu tranh cách mạng rất triệt để.

– Vì vậy giai cấp công nhân Việt Nam sớm trở thành lực lượng chính trị độc lập, nhanh chóng vươn lên nắm quyền lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa.