Ôn tập Sử 11 – Bài 9: Cách mạng tháng 10 Nga

Bài 9: CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA NĂM 1917  VÀ CUỘC ĐẤU TRANH BẢO VỆ CÁCH MẠNG (1917 – 1921)

1. Tình hình nước Nga trước CMT10 Nga:

 * Về chính trị:

+ Đầu thế kỷ XX (sau cách mạng 1905 – 1907) Nga vẫn là một nước quân chủ chuyên chế đứng đầu là Nga Hoàng Nicôlai II. Mọi quyền lực trong nước nằm trong tay Nga hoàng (Một chế độ chính trị lạc hậu nhất châu Âu – kìm hãm sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga).

+ Không những chế độ chính trị lạc hậu, Nga hoàng còn thực hiện những chính sách bảo thủ, phản động, đẩy nước Nga vào cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất gây nên những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội cho đất nước.

* Về kinh tế:

+  Nga vốn chỉ là nước tư bản chủ nghĩa phát triển trung bình, chủ nghĩa tư bản Nga phát triển muộn hơn, ngày càng lạc hậu và lệ thuộc vào phương Tây, lại bị chiến tranh tàn phá làm cho nền kinh tế suy sụp.

+ Sau 3 năm theo đuổi chiến tranh, đầu 1917 nền kinh tế quốc dân hoàn toàn kiệt quệ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đình đốn, nạn đói trầm trọng.

* Về xã hội:

+ Đời sống của nông dân, công nhân, các dân tộc trong đế quốc Nga vô cùng cực khổ.

+ Phong trào phản đối chiến tranh đòi lật đổ Nga hoàng diễn ra khắp nơi.

-> Mâu thuẫn giữa mọi tầng lớp nhân dân với chính phủ Nga hoàng càng trở nên gay gắt

-> Nước Nga đã tiến sát tới một cuộc cách mạng

2. Cách mạng Tháng Mười Nga:

Hoàn cảnh: sau cách mạng tháng Hai cục diện hai chính quyền song song tồn tại với mục tiêu đường lối chính trị khác nhau: Chính phủ lâm thời (tư sản) ; Chính phủ Xô Viết (vô sản)

-> Cục diện chính trị này không  thể kéo dài vì hai chính quyền đại diện cho hai giai cấp đối lập trong xã hội không thể cùng song song tồn tại.

* Diễn biến:

+ Đêm 24 – 10 – 1917 khởi nghĩa bắt đầu, các đơn vị cận vệ đỏ đã chiếm được những vị trí then chốt của thủ đô và bao vây cung điện Mùa Đông, nơi ẩn náu cuối cùng của Chính phủ tư sản.

+ Đêm 25 – 10 (7 – 11) quân khởi nghĩa đã tấn công cung điện Mùa Đông. bắt giữ các bộ trưởng của Chính phủ tư sản.

->  Khởi nghĩa Pêtơrôgrát giành thắng lợi.

+ Sau Pêtơrôgrát là thắng lợi ở Mátxcơva, đầu 1918 cách mạng giành được thắng lợi hoàn toàn trên đất nước Nga rộng lớn. Cách mạng tháng Mười giành thắng lợi, chính quyền đã thuộc về tay nhân dân.

* Ý nghĩa lịch sử:

 – Đối với nước Nga:

+ CMTM đã làm thay đổi hoàn toàn tình hình đất nước và số phận của hàng triệu con người Nga

+ Mở ra một kỉ nguyên mới: giai cấp công nhân,nhân dân lao động và các dân tộc được giải phóng khỏi mọi ách áp bức,bóc lột đứng lên làm chủ đất nước và vận mệnh của mình.

 –  Đối với thế giới:

+ Làm thay đổi cục diện thế giới (chủ nghĩa tư bản không còn nữa là hệ thống duy nhất nữa).

+ Cổ vũ và để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cách mạng thế giới.