Địa lý tự nhiên Ninh Bình ( tiếp )

II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.

1. Địa hình

a. Đặc điểm của địa hình

Lãnh thổ Ninh Bình nằm ở vùng rìa đồng bằng Bắc Bộ, lại vừa nằm trong vùng chuyển tiếp Hoà Bình – Thanh Hóa nên nền địa chất và địa hình có cấu tạo không đồng nhất.

Địa hình Ninh Bình khá đa dạng, tuy nhiên đồng bằng chiếm trên 80% diện tích đất tự nhiên (1.405,04 km2), còn vùng đồi núi chỉ chiếm gần 20% diện tích toàn tỉnh.

Sự đa dạng của địa hình Ninh Bình đươc thể hiện ở một số dạng tiêu biểu:

Đồng bằng với 4 kiểu: đồng bằng gợn sóng nhẹ cấu tạo bới bậc thềm phù sa cổ; đồng bằng lòng chảo do phù sa chưa lấp đầy vũng, vịnh cữ; đồng bằng mấp mô gợn sóng và đồng bằng thấp ven biển.

Địa hình đồi gò đá phiến với trắc diện hình thái đơn điệu dạng bát úp, có độ cao không lớn và độ dốc nhỏ, sườn lồi.

Địa hình núi đá vôi hiểm tr với rất nhiều kiểu carxtơ phong phú: carxtơ dạng vòm, carxtơ dạng nón và dạng tháp; carxtơ trọc, carxtơ phủ, carxtơ kín, hang động carxtơ, thung carxtơ, phễu carxtơ, cánh đồng carxtơ …).

b. Các kiểu địa hình chủ yếu:

Lãnh thổ Ninh Bình tới 3/4 nằm trong miền đồng bằng sụt võng, lại tiếp cận với vùng ven rìa đồi núi phái tây thuộc khu hệ núi Tây Bắc Việt Nam nên ở Ninh Bình có 3 kiểu địa hình cơ bản sau đây:

– Kiểu địa hình đồng bằng bồi tụ trên vịnh biển nông, được cấu tạo chủ yếu bởi trầm tích Đệ tứ.

– Kiểu địa hình đồi gò dạng bát úp và bậc thang, cấu tạo bởi đá trầm tích (tuổi Triat và Đệ tứ), thuộc tây bắc Nho Quan, Gia Viễn và dọc đường 12B, với địa hình đồi thấp, sườn thoải hoặc rất thoải, đỉnh tròn, độ sâu chia cắt chỉ vài chục mét đến 100 mét, mật độ chia cắt ngang khá lớn (3-5km/km2) do tác động xâm thực của dòng chảy mặt, có nhiều khe rãng, mương xói, sườn tích, nón phóng vật.

– Kiểu địa hình carxtơ phát triển trên đá vôi (tuổi Trung sinh) với rất nhiều dạng phong phú, xen lẫn nhau.

c. Ảnh hưởng của địa hình:

– Đối với các tài nguyên khác: một số tài nguyên có liên hệ mật thiết với điều kiện địa hình:

+ Sinh vật: hệ sinh thái rừng ngập mặn ở vùng đồng bằng ven biển huyện Kim Sơn; hệ sinh thái ngập nước (Vân Long huyện Gia Viễn) gắn với kiểu đồng bằng vùng trũng dạng lòng chảo; hệ rừng nguyên sinh phát triển mạnh trên lớp phủ carxtơ (Cúc phương huyện Nho Quan).

+ Khoáng sản: nguyên liệu phân bón, hoá chất gắn với địa hình núi đá vôi (phốtphorit trong một số hang đá vôi, Đôlômit, đá vôi sạch, đá vôi ximăng …), các mỏ sét, cao lanh, sét phụ gia xi măng thường liên quan đến địa hình đồi gò dạng bát úp (Xich Thổ, huyện Nho Quan), cát xây dựng gắn với thung lũng sông; các mỏ than bùn thường gắn với khu vực đầm lầy, hoặc ở trên diện tích lúa 1 vụ…

+ Nguồn nước ngầm, nước mặt liên quan với cấu trúc địa tầng và địa hình bề mặt. Vùng đồng bằng thấp, nguồn nước mặt phong phú, nhưng nước ngầm thường sâu và khó khai thác; một số nơi địa hình carxtơ phủ (ở Cúc Phương, Nho Quan) lại rất ít nước mặt…

+ Tài nguyên đất đai: đồng bằng châu thổ gắn với đất mặn ven biển, đất phù sa, các bậc thêm cổ có các loại đất phong hoá (đất tầng mỏng, đất xám) …

– Đối với sự phân bố dân cư và phát triển kinh tế xã hội: dân cư Ninh Bình hiện nay chủ yếu vẫn là nông dân nên phân bố dân cư gắn bó chặt chẽ với điều kiện địa hình và điều kiện đất đai nêu trên. Vùng đồng bằng phù sa mầu mỡ dân cư tập trung đông đúc (trên dưới 1000người.km2), vùng núi đá vôi, địa hình hiểm trở, đất canh tác ít nên dân cư thưa thớt (dưới 200 người/km2). Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang đẩy nhanh việc tập trung dân cư vào các khu đô thị, khu trung tâm hành chính, văn hoá, khu công nghiệp … Các lợi thế, tiềm năng về điều kiện địa hình, đất đai, giao thông … đang được khai thác để phát triển kinh tế xã hội (xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên khoáng sản, xây dựng khu công nghiệp, phát triển du lịch, dịch vụ …).

2. Tài nguyên khoáng sản

Do đặc điểm địa chất, kiến tạo, tài nguyên khoáng sản Ninh Bình khá đa dạng, từ các khoáng sản làm nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, tới các khoáng sản cho công nghiệp năng lượng và cho một số ngành khác.  Trong số đó có một số loại khoáng sản có giá trị: Các núi đá vôi, nguồn đất sét làm gạch ngói, Than dùng làm nguyên liệu cháy, Nước khoáng nóng.

3. Khí hậu

Là một bộ phận của đồng bằng Sông Hồng, nên Ninh Bình nằm trong đới gió mùa chí tuyến á đới có một mùa đông lạnh khô

Ninh Bình có chế độ nhiệt phân ra 2 mùa rõ rệt: mùa đông kéo dài từ tháng XI đến tháng IV năm sau, mùa hạ từ tháng V đến tháng X

Ảnh hưởng của khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống

Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều và có một mùa đông lạnh của Ninh Bình  thuận lợi cho sự phá triển sản xuất nông nghiệp cây trồng

Trở ngại lớn nhất của khí hậu Ninh Binh đối với sản xuất là vào mùa mưa bão. Vào mùa này hầu như năm nào cũng xảy ra úng lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải và sinh hoạt của nhân dân.

4. Thuỷ văn

Mạng lưới sông ngòi

Một số con sông chính trong mạng lưới sông ngòi ở Ninh Bình là sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Bôi, sông Nho Quan, sông Vạc.

Hồ

Ngoài hệ thống sông, Ninh Bình còn có nhiều hồ, đầm như: đầm Cút (Gia Viễn), hồ Thường Sung, hồ Đồng Liêm (Nho Quan), hồ Đồng Thái, hồ Yên Thắng( Yên Mô). Các hồ này đều có cảnh quan đẹp, nằm trong quần thể các núi đá vôi, có tiềm năng để phát triển du lịch.

Nguồn nước ngầm

– Tiềm năng, chất lượng nước, phân bố

– Ý nghĩa đối với sản xuất và đời sống

5. Thổ nhưỡng

Đất  đai (thổ nhưỡng) ở Ninh Bình được thành 7 nhóm chính và giá trị sử dụng của chúng như sau: Nhóm đất mặn,  Nhóm đất phù sa, Nhóm đất glây, Nhóm đất than bùn, Nhóm đất đen, Nhóm đất xám, Nhóm đất tầng mỏng.