Địa lý 9 – Địa lý tự nhiên Ninh Bình

ĐỊA LÝ ĐỊA PHƯƠNG – ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN NINH BÌNH

I. Vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ và sự phân chia hành chính

1. Vị trí địa lý – Phạm vi lãnh thổ

Ninh Bình là một tỉnh nhỏ nằm ở rìa phía nam và tây nam của Đồng bằng Sông Hồng.

– Phía bắc giáp huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam với chiều dài 15 km.

– Phía tây bắc giáp 2 huyện Yên Thuỷ và Lạc Thuỷ tỉnh Hoà Bình với chiều dài 66 km.

– Phía nam là vịnh Bắc bộ với chiều dài bờ biển là 16,5km.

– Phía đông giáp tỉnh Nam Định và Thanh Hóa.

Ninh Bình có diện tích tự nhiên là 1.405,04 km2, dân số năm 2014 là 927.000 người. So với các tỉnh thành trong cả nước, Ninh Bình thuộc loại tỉnh nhỏ.

2. Sự phân chia hành chính

Tỉnh Ninh Bình có 1 Thành phố Ninh Bình, 1 thị xã Tam Điệp, 6 huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh và Kim Sơn.

3. Ý nghĩa của vị trí địa lý đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Nhìn tổng thể, Ninh Bình nằm trên rìa cạnh tam giác châu Bắc bộ, phía đông là đồng bằng, phía nam là biển , dãy Tam Điệp là giới hạn cuối cùng về phía tây nam của Bắc bộ, là khởi đầu của Trung bộ.

Ninh Bình có một vị trí đặc biệt trong tuyến phòng thủ của quân dân liên khu 3. Đây là vị trí cửa ngõ từ các căn cứ của ta ở Tây Bắc xuống đồng bằng. Trong thế trận hiện nay, Ninh Bình là một mắt xích quan trọng bảo vệ đồng bằng sông Hồng và là giao điểm của quân khu 3 và quân khu 4.

Ninh Bình nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc bộ rộng lớn, giàu về tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, dân cư đông đúc, nguồn lao động dồi dào. Ninh Bình nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng Hà Nội -Hải phòng – Quảng Ninh, điều đó tác động không nhỏ tới việc phát triển kinh tế của tỉnh.

Ninh Bình nằm trên tuyến giao thông huyết mạch (quốc lộ 1A xuyên Nam-Bắc, và đầu mút của đại lộ phía tây: đường Hồ Chí Minh), nối liền vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội (Ninh Bình cách Hà Nội 90 km) với các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây nguyên, với thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu long. Ninh Bình còn liên lạc trực tiếp và là của ngõ giao lưu của các tỉnh phía nam với vùng Tây Bắc giàu tiềm năng về tài nguyên, nhưng thiếu nhân lực, thiếu vốn và kỹ thuật.

Ở vào vị trí cửa ngõ phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng, vừa có đường bộ, đường sắt và đường sông (toàn tỉnh có 284 km đường sông). Ninh Bình là một trong ba tỉnh, thành phố của Đồng bằng sông Hồng có điều kiện thuận lợi để mở rộng các mối liên hệ nội vùng, ngoại vùng, tạo nên động lực quan trọng  thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.