ĐỊA LÝ 9 – BÀI 3: PHÂN BỐ DÂN CƯ VÀ CÁC LOẠI HÌNH QUẦN CƯ ( PHẦN TRẢ LỜI CÂU HỎI SGK)
BẠN MUỐN XEM LẠI PHẦN BÀI HỌC ?
Xem tại đây !
PHẦN TRẢ LỜI CÂU HỎI SGK
1. (trang 10 SGK Địa lý 9)Quan sát hình 3.1 (trang 11 SGK Địa lý 9), hãy cho biết dân cư tập trung đông đúc ở những vùng nào. Thưa thớt ở những vùng nào. Vì sao ?
– Dân cư nước ta phân bố không đều trên lãnh thổ:
+ Những vùng có mật độ trung bình trên 1000 người/km2 là: Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ.
+ Những vùng có mật độ dân số thấp là: Tây Bắc, Tây Nguyên, Trường Sơn Bắc…
+ Có sự chênh lệch trong phân bố dân cư giữa thành thị (26%) và nông thôn (74%).
– Nguyên nhân: Những vùng đồng bằng có điều kiện sống thuận lợi hơn: đi lại dễ dàng, sản xuất phát triển, đời sống văn hóa cao….Vùng núi đi lại khó khăn, đời sống khó khăn.
2. (trang 12 SGK Địa lý 9)Hãy nêu những thay đổi của quần cư nông thôn mà em biết.
– Diện mạo làng quê có nhiều thay đổi như đường làng ngõ xóm, cấu trúc nhà ở, thói quen sinh hoạt, lối sống…
– Tỉ lệ phi nông nghiệp ngày càng tăng.
– Đã diễn ra quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn…
3. (trang 12 SGK Địa lý 9)Quan sát hình 3.1 (trang 11 SGK Địa lý 9), hãy nêu nhận xét về sự phân bố các đô thị của nước ta. Giải thích.
* Nhận xét:
– Phân bố đô thị không đều giữa các vùng.
– Trung du miền núi Bắc Bộ có số lượng đô thị nhiều nhất nước ta (15 đô thị), tuy nhiên ở đây chủ yếu là các đô thị vừa và nhỏ.
– Vùng có đô thị nhiều thứ 3 và thứ 2 cả nước là Đồng bằng sông Hồng (10 đô thị) và Đồng bằng sông Cửu Long (12 đô thị).
– Đông Nam Bộ là vùng có quy mô đô thị lớn nhất nước ta.
– Các vùng còn lại có ít đô thị và mật độ đô thị thưa thớt (Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên)
* Giải thích:
– Dân cư nước ta phân bố không đồng đều, những vùng có nhiều đô thị và có quy mô đô thị lớn là những vùng đông dân và có mật độ dân số cao.
– Sự phát triển kinh tế-xã hội khác nhau giữa các vùng miền.
– Quy mô diện tích giữa các vùng miền có sự khác nhau rõ rệt.
4. (trang 12 SGK Địa lý 9) Dựa vào bảng 3.1 (trang 13 SGK Địa lý 9),hãy:
– Nhận xét về số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị của nước ta.
– Cho biết sự thay đổi tỉ lệ dân thành thị đã phản ánh quá trình đô thị hoá ở nước ta như thế nào.
Bảng 3.1. SỐ DÂN THÀNH THỊ VÀ TỈ LỆ DÂN THÀNH THỊ NƯỚC TA THỜI KÌ 1985-2003
* Nhận xét:
– Số dân thành thị của nước ta tăng lên liên tục trong GĐ 1985-2003, tăng 1,84 lần.
– Tỉ lệ dân thành thị cũng tăng lên tương ứng từ 18,97 % ( 1985) lên 20,75% (1995) và lên 25,80%( 2003).
– Trong đó giai đoạn 1995-2003 số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị có tốc độ tăng nhanh hơn giai đoạn 1985-1995.
* Phản ánh quá trình đô thị hoá của nước ta đang diễn ra nhanh, quy mô các đô thị ngày càng được mở rộng.
5. (trang 12 SGK Địa lý 9) Hãy lấy ví dụ minh họa về việc mở rộng quy mô các thành phố.
(trích: Quyết định số: 1181/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025”)
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:
5.1. Phạm vi, ranh giới quy hoạch
Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng trong ranh giới hành chính của toàn thành phố, với tổng diện tích tự nhiên 37.718 ha.
5.2. Tính chất của thành phố Buôn Ma Thuột
– Là đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng; là trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, dịch vụ, du lịch, thể dục thể thao cấp vùng;
– Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đắk Lắk;
– Là đầu mối giao thông liên vùng, tạo điều kiện phát triển giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội giữa Tây nguyên với các vùng trong cả nước và quốc tế;
– Có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng.
5.3. Quy mô
a) Quy mô dân số
– Quy mô dân số đến năm 2015 khoảng 420.000 người; trong đó dân số nội thành khoảng 280.000người;
– Đến năm 2025 khoảng 550.000 người; trong đó dân số nội thành khoảng 400.000người.
b) Quy mô đất đai
Đất xây dựng đô thị đến năm 2015 khoảng 6130 ha; đến năm 2025 khoảng 8.000 ha.
6. (trang 14 SGK Địa lý 9)Dựa vào hình 3.1 (trang 11 SGK Địa lý 9), hãy trình bày đặc điểm phân bố dân cư của nước ta.
+ Phân bố dân cư nước ta rất không đồng đều trên lãnh thổ:
– Dân cư tập trung đông ở vùng đồng bằng, ven biển và các đô thị. Đồng bằng sông Hồng là nơi có mật độ dân số cao nhất cả nước.
– Miền núi và trung du dân cư thưa thớt. Tây Nguyên và Tây Bắc là các vùng có mật độ thấp hơn các vùng khác.
– Trong cùng một vùng, phân bố dân cư cũng rất chênh lệch giữa các địa phương. Ví dụ: ở đồng bằng Sông Hồng, vùng trung tâm của đồng bằng dân cư tập trung đông hơn các vùng rìa.
+ Các đô thị của nước ta cũng phân bố tập trung ở vùng đồng bằng và ven biển. Đồng bằng sông Hồng là vùng có mạng lưới đô thị dày đặc và có nhiều đô thị lớn hơn các vùng khác.
7. (trang 14 SGK Địa lý 9) Nêu đặc điểm của các loại hình quần cư ở nước ta.
+ Quần cư nông thôn
Ở nông thôn, người dân thường sống tập trung thành các điểm dân cư với quy mô dân số khác nhau. Các điểm dân cư có tên gọi khác nhau tùy theo dân tộc và địa bàn cư trú như làng, ấp… Do hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, phụ thuộc vào đất đai mà các điểm dân cư nông thôn thường được phân bố trải rộng theo lãnh thổ.
+ Quần cư thành thị
Các đô thị, nhất là các đô thị lớn của nước ta có mật độ dân số rất cao. Ở nhiều đô thị, kiểu “nhà ống” san sát nhau khá phổ biến, ở các thành phố lớn, những chung cư cao tầng đang được xây dựng ngày càng nhiều. Nhìn chung, các đô thị của nước ta đều có nhiều chức năng.
8. (trang 14 SGK Địa lý 9)Quan sát bảng 3.2 (trang 14 SGK Địa lý 9), nêu nhận xét về sự phân bố dân cư và sự thay đổi mật độ dân số ở các vùng của nước ta.
Bảng 3.2. MẬT ĐỘ DÂN SỐ CỦA CÁC VÙNG LÃNH THỔ
(Đơn vị: người/km2)
– Dân cư nước ta có sự phân bố không đồng đều giữa các vùng trong nước.
+ Tập trung đông ở các vùng đồng bằng, là những vùng có mật độ dân số cao hơn mức trung bình của cả nước. Cao nhất là Đồng bằng sông Hồng năm 2003: 1192 người/km2 , Đông Nam Bộ – 476 người/km2, Đồng bằng sông Cửu Long – 425 người/km2.
+ Thưa thớt ở các vùng miền núi và cao nguyên : Tây Bắc 67 người/km2 , Tây Nguyên 84 người/km2 , Đông Bắc 141 người/km2 .
– Ngay trong một vùng thì mật độ dân số cũng không giống nhau giữa các khu vực và các địa phương. ở Trung du miền núi Bắc Bộ tiểu vùng Đông Bắc có mật độ dân số 141 người/ km2 cao hơn tiểu vùng Tây Bắc 67 người/km2.
– Mật độ dân số trung bình ở các địa phương giai đoạn 1989 – 2003 đều tăng lên, nhưng mức độ tăng có sự khác nhau giữa các khu vực:
+ Tây Nguyên là khu vực có mật độ dân số trung bình tăng nhiều nhất từ 45 lên 84 người/km2 , tăng 1,87 lần (do các chương trình di dân của Đảng và Nhà nước lên Tây Nguyên để xây dựng và phát triển các vùng kinh tế mới).
+ Trung du miền núi Bắc Bộ là vùng có mật độ dân số tăng ít nhất: 103 lên 115 người/km2, tăng 1,1 lần.