Kỹ năng phân tích thơ ( bài 6)

NHỮNG KIẾN THỨC BỔ SUNG ĐỂ PHÂN TÍCH THƠ

1. Kiến thức văn học sử :

Văn học là một hiện tượng lịch sử ra đời và phát triển theo thời gian. Tiếp nhận một tác phẩm văn học nói chung, tác phẩm thơ nói riêng không nên tách nó ra khỏi phạm trù lịch sử, không nên xem nó như một cá thể độc lập, thoát li hẳn mối quan hệ, ràng buộc của xã hội.

Kiến thức về văn học sử bao gồm là những hiểu biết về các trào lưu văn học, giai đoạn văn học, thời kì văn học ; nó còn là những hiểu biết có hệ thống về từng tác gia cụ thể. Đứng trước một tác phẩm thơ, người làm văn phải biết huy động sở biết của mình về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, nó thuộc thời kì, giai đoạn và trào lưu văn học nào ?…, cuộc đời và quá trình sáng tác của tác giả ra sao ? … để từ đó nhận xét và đánh giá các vấn đề về phương diện lịch sử cũng như nghệ thuật trong thi phẩm.

2. Kiến thức lí luận văn học :

Lí luận văn học là một bộ môn công cụ, giúp độc giả có cơ sở thâm nhập vào thi phẩm. Loại kiến thức này khá nhiều và tương đối phức tạp. Việc vận dụng kiến thức này vào bài làm khá linh hoạt và tuỳ theo từng trường hợp mà có yêu cầu khác nhau.

Trước hết, trong bài làm văn, người viết thường xuyên sử dụng các thuật ngữ, khái niệm của lí luận văn học, như: hư cấu, điển hình, hình ảnh, hình tượng… Nếu không có sự hiểu biết đầy đủ, người viết sẽ dùng sai khái niệm.

Ở mức độ phức tạp hơn, khi làm bài người viết phải có kiến thức lí luận để lí giải một vấn đề nào đó trong tác phẩm thơ , ví như: cái tâm và cái tài của nhà thơ, , bản chất của thơ ca, cá tính sáng tạo của nhà thơ … Để làm được những vấn đề đó, ta phải hiểu căn bản về các vấn đề lí luận như nguồn gốc thơ ca, đối tượng phản ánh, đặc trưng ngôn ngữ thơ .. .

3. Kiến thức và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ :

+ Dùng từ:

Dùng từ độc đáo. Sẽ rất chán nản cho người đọc khi một bài viết không dùng được một từ cho hay, cho độc đáo. Dùng từ hay thì mới có đoạn hay rồi bài hay.Từ hay là từ dùng đúng lúc, đúng chỗ, lột tả được cái thần thái của vấn đề nào đó trong bài thơ, làm cho câu văn có hồn, có sinh khí, làm cho người đọc  sung sướng thán phục. Hạ được từ có ” thần “, giá trị của bài viết được nâng lên đáng kể.

+ Viết câu :

Muốn cách diễn đạt khỏi đơn điệu nhàm chán người viết phải biết cách sử dụng nhiều kiểu câu. Khi người viết muốn biểu đạt tình cảm của mình thì dùng câu cảm thán; lúc muốn gây sự chú ý cho người đọc ta có thể dùng câu nghi vấn để đặt vấn đề và tự trả lời để giải quyết vấn đề; khi muốn nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ theo nhiều mối quan hệ ta dùng câu có cặp quan hệ từ : tuy – nhưng, càng – thì càng, không những – mà còn, nếu – thì …, khi muốn khái quát vấn tổng hợp đề ta dùng kiểu câu có tính chất quy nạp toàn thể với các từ mở đầu : nhìn chung, đại thể, về cơ bản, phần lớn …

+ Ngôn ngữ làm văn phân tích thơ cũng phải có tính tạo hình và gợi cảm:

Ví dụ :

” Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời thi ca Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình.” ( Chế Lan Viên )

4. Kiến thức về các bộ môn liên quan :

Sóng Hồng định nghĩa ” Thơ là nhạc là hoạ là điêu khắc theo một phong cách riêng”. Định nghĩa này cho thấy thơ ca liên quan đến các ngành nghệ thuật khác. Hơn thế, thơ ca luôn chứa đựng nhiều vấn đề, phạm trù xã hội khác nhau. Do vậy, để có thể xâm nhập trọn vẹn vào tác phẩm thơ, chúng ta cần phải có hiểu biết về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, như : Lịch sử, Địa lý, Triết học, Đạo đức học … Những kiến thức này là những luận cứ góp phần soi sáng các hiện tượng thơ ca.

– Hết –