Đã có quá nhiều bài bình, phân tích, giảng văn về bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu. Nhưng cho đến nay vẫn còn tồn tại không ít cách hiểu khác nhau. Một trong những nguyên nhân là do sự cảm nhận và lý giải mặt ngữ nghĩa của tác phẩm. Bài viết này xin nêu một cách hiểu đối với một số từ ngữ và hình tượng trong bài thơ.
Nhiều người cho rằng bài thơ mở đầu đã gợi một nỗi buồn sầu tang tóc đến độ héo hắt bi thương. ấn tượng đó có được tạo bởi các chữ "đìu hiu", "chịu tang", "lệ ngàn hàng"… trong hai câu thơ mở đầu :
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buôn xuống lệ ngàn hàng.
Song nếu hiểu hai câu thơ này chỉ có vậy thì sẽ không tránh khỏi mâu thuẫn với tiếng reo đầy vui sướng của nhà thơ – chủ thể cảm xúc trước toàn cảnh đất trời vào thu rực rỡ nắng vàng (và cả lá vàng nữa – lá vàng trong nắng chiều thu vàng rực) ở hai câu thơ tiếp liền sau đó :
Đây mùa thu tới ! Mùa thu tới !
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Cả bốn câu thơ mở đầu này gợi tả cảnh đất trời vào thu và tâm trạng con người lúc thu sang. Cũng cần phải nói rằng thi nhân ấy là một con người còn rất trẻ cả về tuổi tác lẫn cảm xúc. Xuân Diệu sáng tác Đây mùa thu tới khi ông mới 18 tuổi đời và hồn thơ Xuân Diệu lúc ấy đương ở vào độ non tơ rạo rực, sôi nổi và bồng bột nhất. Thi sĩ đã từng tự nói về những cảm xúc của mình hồi ấy: "Đây là lòng tôi đương thời sôi nổi, đây là hồn tôi đương lúc vang ngân, và đây là tuổi xuân của tôi, và đây là sự sống của tôi nữa" (1). Với một hồn thơ như thế nên khi bắt gặp những tín hiệu đầu tiên của mùa thu mới tới, thi sĩ đã mở hết lòng mình, hồ hởi vồ vập đón nhận tất cả những biến thái mong manh, huyền hiệu của thiên nhiên tạo vật lúc chuyển mùa. Câu thơ thứ ba với điệp ngữ "Đây mùa thu tới" và dấu chấm than lặp lại hai lần giống như một tiếng reo vui không kìm nén nổi, bất giác bật ra khi nhà thơ chợt nhận thấy tín hiệu báo thu sang đầu tiên trên những hàng liễu rủ.
Khác với thơ ca trung đại Phương đông thường dùng những hình ảnh ước lệ như sen tàn, cúc nở hoa, lá ngô đồng rụng… để làm biểu tượng chuyển mùa lúc thu sang, Xuân Diệu tả liễu. Những cây liễu rủ bên hồ được tác giả cảm nhận giống như các nàng thiếu nữ thướt tha, yểu điệu nghiêng mình buông những suối tóc dài. Trong gió thu lạnh đìu hiu, dáng liễu cũng giống như dáng người "đứng chịu tang, tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng". Một hình ảnh buồn nhưng cũng thật là gợi cảm, phảng phất đâu đây bóng dáng quen thuộc của các nàng thiếu nữ đài các, đẹp và buồn một cách lãng mạn trong thơ mới dạo ấy nói chung và thơ Xuân Diệu nói riêng. Đó là cách nhìn, cách cảm của một trào lưu thơ, một thế hệ các nhà thơ mới nên không thể nói hình ảnh đó thể hiện một nỗi buồn tang tóc, bi luỵ. Hai câu thơ thật ra chỉ nhằm gợi tả vẻ yểu điệu, thướt tha của liễu như một tín hiệu báo thu sang mà thôi. Khi cái hối hả của mùa hạ nóng nực đi qua, dấu hiệu báo thu sang thường là sự ngưng lại, vẻ chậm chạp "chùng chình" rất riêng của thời tiết:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió xe
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Sông được lúc dềnh dàng
Nắng bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
(Sang thu – Hữu Thỉnh).
Những cành liễu mềm mại, êm đềm rủ xuống chính là dấu hiệu mùa thu đầu tiên mà Xuân Diệu bất chợt nhận ra một cách ngạc nhiên thích thú. Đằng sau những tiếng reo hồ hởi của nhà thơ, người đọc có thể hình dung ra ánh mắt trẻ trung ngơ ngác của ông sững sờ trước vẻ đẹp bất ngờ của thiên nhiên tạo vật. Bốn câu thơ tả mùa thu mới chớm và tâm trạng của con người lúc thu sang thật gợi cảm, tươi sáng; tuy có buồn nhưng không hề ảm đạm, héo hắt; buồn mà vẫn đẹp, đẹp bởi sự cảm nhận tinh tế và mới mẻ những chuyển vận của thiên nhiên cùng bước đi của thời gian, đẹp bởi màu sắc đường nét tươi sáng, bởi vẻ yểu điệu thiết tha rất trẻ trung lãng mạn phù hợp với mùa thu mới chớm. ấn tượng và cảm giác chung trong bốn câu thơ mở đầu này đã chi phối không khí chung của cả bài thơ.
Hai khổ thơ tiếp theo tả cảnh đất trời đã vào thu. Cảm xúc tinh tế nồng nàn của Xuân Diệu thể hiện rõ nhất qua cách sử dụng ngôn ngữ ở đoạn thơ này. Tác giả Thi nhân Việt Nam – 1942, nhận xét: "Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rạo rực ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu say đắm cảnh trời (…) khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết"
Cho nên thi sĩ cảm nhận đất trời vào thu không phải chỉ bằng những giác quan thông thường vốn có mà bằng cả giác quan tâm linh của một hồn thơ yêu đời, luôn khát khao giao cảm mãnh liệt với sự sống. Cảm xúc mạnh mẽ, nồng nàn luôn ở trạng thái cực điểm ấy khiến thơ ông không chấp nhận những cách diễn đạt thông thường, những từ ngữ phẳng lặng. Xuân Diệu đã tìm đến cách diễn đạt của ngôn ngữ khác, của thơ tượng trưng Pháp và đổi mới chính ngôn ngữ, lối nói sẵn có của tiếng Việt: Hơn một loài hoa đã rụng cành Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh Những luồng run rẩy rung rinh lá, Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Có lẽ trước Xuân Diệu không mấy ai nói "Hơn một loài", "Sắc đỏ rũa", "Những luồng run rẩy"… Trong tư duy ngôn ngữ của người Việt, hơn một loài có thể hiểu là nhiều loài, dăm bảy loài…
"Sắc đỏ rũa màu xanh" có thể hiểu là màu đỏ, màu úa vàng của cây lá mùa thu ngày càng nhiều, lấn dần màu xanh, làm cho lá cây màu xanh bị rũa, rụng dần đi từng tí một. Còn "Những luồn run rẩy rung rinh lá" là một câu thơ chứa đựng nhiều biện pháp tu từ, vừa lặp phụ âm R, vừa dùng đảo ngữ, vừa trộn lẫn cảm giác do cách kết hợp trực tiếp loại từ "luồng" với đảo ngữ "run rẩy rung rinh lá" khiến cho người đọc thơ như có thể cảm giác được cả cái run rẩy rùng mình vì ớn lạnh của chính tâm hồn nhà thơ. Xuân Diệu có tài tả rét, trong Nguyệt cầm, trong Lời kỹ nữ… và đặc biệt trong Đây mùa thu tới. Đúng ra thi sĩ có tài cảm nhận cái rét mướt lạnh lẽo theo diệu tâm hồn riêng của mình. Cũng như ở những câu thơ trên, đây là một câu thơ mới mẻ, đầy ấn tượng.
Đã nghe rét mướt luồn trong gió. Với cách dùng từ ngữ thể hiện sự chuyển đổi tương giao của các hệ cảm giác, cái rét không chỉ được cảm nhận bằng xúc giác thông thường mà bằng cả thính giác (nghe) và thị giác và xúc giác (luồn) luôn "thức nhọn" của tâm hồn nhà thơ. Chữ "luồn" và "nghe" còn khiến cho cái rét được cụ thể hoá thành tiếng, thành hình, thành ảnh; diễn đạt được tinh tế cái rét đầu thu đã bắt đầu len lỏi, đột nhập, ẩn thân vào cảnh vật vào lòng người. Đây không còn chỉ là cách dùng từ thuần tuý nữa mà chính là cảm xúc tinh tế và mãnh liệt của một hồn thơ luôn khát khao giao cảm với cuộc đời và thiên nhiên tạo vật.
Xuân Diệu là một nhà thơ rất mới về nhiều phương diện nhưng trước hết là phương diện ngôn từ. Nhiều cách đặt câu dùng từ của ông nay đã trở thành quen thuộc và phổ biến đối với người Việt Nam nhưng hồi Xuân Diệu mới xuất hiện, đấy là một cuộc cách tân mạnh dạn. Hãy nghe một nhận xét khá thú vị của người cùng thời với ông cách đây hơn nửa thế kỷ: "Ngay lời văn của Xuân Diệu cũng có vẻ chơi vơi. Xuân diệu viết văn tựa trẻ con học nói hay như người ngoại quốc mới võ vẽ tiếng Nam. Câu văn tuồng bỡ ngỡ.
Nhưng cái bỡ ngỡ ấy chính là chỗ Xuân Diệu hơn người. Dòng tư tưởng quá sôi nổi không thể đi theo những đường có sẵn. Ý văn xô đẩy, khuôn khổ câu văn phải lung lay".
Xem thêm: