Nghị luận đạo lý Tôn sư trọng đạo

NGHỊ LUẬN ĐẠO LÝ: TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO

Dân tộc ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Thời phong kiến, trong bậc thang giá trị, nhà giáo xếp sau vua nhưng trước cha mẹ:  “Quân – Sư – Phụ”.

Với vinh dự và trọng trách ấy, nhiều nhà giáo đã làm rạng rỡ non sông đất nước như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Tất Thành, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến của chúng ta.

Dưới chế độ mới, nhà giáo được vinh danh “kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Lớp lớp nhà giáo đã đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp “trồng người” và khi Tổ quốc cần họ cũng sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do.

Tuy nhiên, do đất nước trải qua chiến tranh, qua nhiều thời kỳ với nhiều khó khăn, thử thách, nhà giáo VN cũng trải qua nhiều bước thăng trầm. Thời bao cấp, cũng như các nghề khác, nhà giáo không thể sống được bằng nghề, phải làm thêm nhiều công việc khác không liên quan gì đến dạy học để kiếm sống.

Xã hội không mặn mà với sự học, sinh viên  thi vào trường sư phạm chỉ là “chuột chạy cùng sào”. Nền kinh tế khủng hoảng kéo theo đạo học suy vi, nhiều nhà giáo bỏ dạy về nhà nuôi heo gà, vá xe đạp, đạp xích lô… Hình ảnh người thầy có phần bị mai một.

Đất nước đổi mới, kinh tế phát triển, nghề dạy học được trả lại đúng vị trí. Đời sống nhà giáo ngày càng khá giả, sinh viên sư phạm được miễn học phí, trường sư phạm thu hút tài năng do đó chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng cao. Nhà nước, xã hội lấy ngày 20/11 hằng năm làm Ngày nhà giáo VN để tôn vinh nhà giáo.

Là nhà giáo dù giảng dạy ở cấp học nào thì cũng đã từng là học trò trước khi bước lên bục giảng. Nhờ có công lao của bao thế hệ thầy cô giáo mới có thế hệ nhà giáo hôm nay. “Trọng thầy mới được làm thầy”. Nếu để mất đi sự kính trọng đó thì phải tự trách mình trước.

Trong cơ chế thị trường, không ít nhà giáo đánh mất nhân cách, lòng tự trọng, tự biến mình thành “người bán chữ” lạnh lùng, sòng phẳng có khi đến mức tàn nhẫn. Có giáo viên coi học sinh như cái máy ATM để thoả sức rút tiền; họ bán điểm, bán đề thi, đáp án, bán danh hiệu thi đua, gạ tình đối với học sinh…

Có người nói đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Là người trong ngành, tôi thấy không phải chỉ là một con sâu nữa mà có nhiều con sâu. Vì thế,  một số học sinh, cha mẹ học sinh nhìn nhà giáo với con mắt khác, truyền thống “tôn sư trọng đạo” bị tổn thương. Nguyên nhân do đâu? Rõ ràng phải tìm nguyên nhân chủ quan từ phía nhà giáo.

Nhưng theo tôi, cũng phải kể đến nguyên nhân khách quan từ phía học sinh và cha mẹ học sinh đã góp phần làm hư hỏng thầy cô giáo. Có người coi dạy học cũng như nghề đi buôn, cũng mặc cả, trả treo, thêm bớt.

Có người đặt giá với thầy cô giáo: “Thầy làm sao cho con tôi đậu tốt nghiệp loại giỏi, tôi xin gửi thầy 5 vé”. Họ dùng tiền tài, vật chất để mua điểm, mua bằng.  Có “cầu” ắt có  “cung”, nhiều nhà giáo đã “bán linh hồn cho quỷ”…

Sự quý mến thầy cô vì thế cũng khác xưa, ngày 20/11 học sinh chỉ tặng quà cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy các môn chính còn giáo viên thể dục, quân sự không ai nhớ tới.

Quà tặng không chỉ hoa mà rất thực dụng:  Ấm chén, xoong nồi, bếp ga, mỹ phẩm, cả áo dài, quần lót… Có học sinh nọ thấy mọi người đối xử không công bằng với thầy cô, nên đã đến thăm và tặng quà cho thầy giáo dạy thể dục.

Lần đầu tiên được nhận quà, thầy giáo rất xúc động coi đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Tình cảm chân thành như em học sinh nọ không phải là ít nhưng tính thực dụng, vụ lợi khi tặng quà cho thầy cô cũng không phải là cá biệt. Vì thế, có giáo viên đã phải cầu xin trên báo chí: Ngày 20/11 xin đừng tặng quà cho chúng tôi.

Mong muốn của những người thầy chúng tôi là trả lại môi trường trong sáng, vô tư cho nhà trường và thầy cô giáo. Điều đó đòi hỏi sự phấn đấu của nhà giáo và sự hưởng ứng của học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.

Chúng ta đang chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục bằng nhiều biện pháp như chấn chỉnh dạy thêm, học thêm, ngăn chặn “phao” trong các kỳ thi… nhưng đó chỉ mới là chống cái ngọn.

Xin hãy chống tiêu cực ngay trong tư tưởng giáo viên, trong tư tưởng học sinh, cha mẹ học sinh, trả lại tình cảm thầy – trò đúng nghĩa của nó.

Chú thích:

– Tôn sư: (tôn: là tôn trọng, kính trọng và đề cao; sư: là thầy dạy học, dạy người, dạy chữ). Vậy tôn sư là người học trò thì phải biết tôn trọng, kính trọng và đề cao vai trò của người thầy trong quá trình học tập và trong cuộc sống.

– Trọng đạo: (trọng: coi trọng, tôn trọng; đạo: đạo lí, con đường làm người, đạo đức, đạo lí truyền thống tốt đẹp của con người): Vậy trọng đạo: là người học trò phải biết tôn trọng, lễ phép, kính trọng người thầy, vì người thầy đã giảng dạy, truyền dạy cho chúng ta biết thế nào là đạo nghĩa, đạo đức, đạo học làm người và những tri thức khác về mọi mặt của đời sống tự nhiên, đời sống xã hội,…