Những nét cơ bản về sự nghiệp văn học của Nam Cao

Những nét cơ bản về sự nghiệp văn học của Nam Cao

I. Khái quát

Nam Cao ( 1917 -1951) là một trong những cây bút xuất sắc nhất của văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn 1930 -1945 đồng thời là một nhà văn chiến sĩ tiêu biểu của nền văn hoc cách mạng. Nam Cao đã để lại cho nền văn học dân tộc một sự nghiệp sáng tác đồ sộ với những tác phẩm thấm đượm ý nghĩa hiện thực sâu sắc, tư tưởng nhân đạo lớn lao và vẻ đẹp nghệ thuật độc đáo.

II. Sự nghiệp văn học của Nam Cao

Trong suốt cuộc đời cầm bút Nam Cao luôn xác định đúng đắn mối quan hệ giữa sống và viết. Mấy năm đầu, nhà văn chịu ảnh hưởng của khuynh hướng lãng mạn thoát ly hiện thực, nhưng cũng nhanh chóng nhận ra đó là thứ văn chương xa lạ với đời sống khốn cùng của nhân dân và đã quyết định từ bỏ để đến với con đường nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa.

1. Trước cách mạng

Nam Cao bắt đầu có sáng tác đăng báo từ 1936, nhưng tên tuổi của ông chỉ thực sự biết đến cùng với sự xuất hiện của kiệt tác Chí Phèo (1941). Sự nghiệp văn học của Nam Cao chia làm 2 giai đoạn: trước và sau CMT8. Trước cách mạng, Nam Cao là một nhà văn hiện thực xuất sắc. Các sáng tác của ông tập trùn vào hai đề tài chính, người trí thức tiểu tư sản nghèo và người nông dân nghèo.

a. Đề tài người trí thức tiêu biểu có:

“ Trăng sáng”, “Đời thừa”, “Sống mòn”, “ Mua nhà”, “ Cười”, “ Nước mắt”…

Qua những tác phẩm này, Nam Cao phản ánh chân thực và sâu sắc tấn bi kịch tinh thần đau đớn của những người trí thức nghèo trong xã hội cũ. Các sáng tác mang tầm triết luận sâu sắc và ý nghĩa xã hội lớn lao. Họ là những tri thức có ý thức sâu sắc về giá trị sự sống, về nhân phẩm, hoài bão, tài năng, có tâm huyết và có khát vọng lớn lao, nhưng lại bị gánh nặng cơm áo và xã hội bất công làm cho “chết mòn” về tinh thần, phải sống một cuộc sống vô ích, một cuộc “đời thừa” .

Từ đó, Nam Cao đã tố cáo gay gắt xã hội vô nhân đạo đã bóp nghẹt sự sống, hủy hoại tài năng, hủy diệt tâm hồn, đồng thời nhà văn ca ngợi cuộc đấu tranh trung thực, dũng cảm của người trí thức để vươn tới một cuộc sống thực sự có ý nghĩa, xứng đáng với con người.

b. Đề tài người nông dân: tác phẩm tiêu biểu:

Chí phèo, Lão Hạc, Dì Hảo, Tư Cách Mõ, Một đám cưới, Một Bữa No…

Qua các tác phẩm này, Nam Cao phản ánh chân thực cuộc sống thê thảm ở nông thôn Việt Nam và số phận bi thảm của người nông dân trước cách mạng. Nam Cao đặc biệt đi sâu vào tình cảnh và số phận của những người dân thấp cổ bé họng, bị đầy đọa vào cảnh nghèo đói cùng đường, bị xúc phạm, hắt hủi một cách bất công tàn nhần, bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa không lối thoát.

Qua đó, Nam Cao đã kết an đanh thép xã hội tàn bạo đã hủy diệt nhân hình, hủy hoại nhân tính của con người; đồng thời, nhà văn phát hiện và khẳng định  bản chất lương thiện tốt đẹp của người nông dân ngay cả khi học bị vùi dập tàn nhẫn nhất, đây chính là chiều sâu mới mẻ của ngòi bút hiện thực và nhân đạo của  Nam Cao.

c. Nhận xét:

Dù ở đề tài nào, sáng tác của Nam Cao cũng chứa đựng nội dung triết học sâu sắc, khái quát được bản chất cuộc sống thông qua các mối quan hệ: vật chât – ý thức, hoàn cảnh – tính cách, hiện tượng – bản chất. Đồng thời ta thấy ở đó niềm trăn trở, sự day dứt, trước tình trạng nhân cách, nhân phẩm của con người bị biến đổi dưới tác động của hoàn cảnh sống khắc nghiệt, nỗi đau đớn trước thực trạng con người bị “chết mòn” về tinh thần, lẽ sống, bị hủy hoại cả nhân hình, nhân tính trong cái xã hội ngột ngạt, vô nhân đạo đương thời (hạn chế không nhin thấy khả năng đổi đời của con người và chiều hướng phát triển tất yếu của hiện thực – hạn chế chung của văn học hiện thực giai đoạn này)

2. Sau cách mạng:

Nam Cao nhanh chóng hòa nhập vào cuộc kháng chiến của dân tộc và trở thành một trong những cây bút tiên phong của văn học cách mạng. Đề tài chủ yếu là viết về cuộc sống kháng chiến. Tác phẩm “Đôi Mắt”, Nhật kí “Ở rừng”, “Chuyện biên giới” .Đó là những thành tựu đầu tiên của nền văn xuôi kháng chiến, trong đó “Đôi Mắt” là 1 tác phẩm xuất sắc, được coi như một tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao và lớp nhà văn cũ trong quá trình “tìm đường” “nhận đường”.

III. Kết luận

Nam Cao là một nhà văn hiện thực lớn, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Với những sáng tác văn chương xuất sắc và một hệ thống quan điểm nghệ thuật sâu sắc tiến bộ, Nam Cao đã đóng góp quan trọng cho tiến trình hiện đại hóa văn học nước nhà.

Trần Quỳnh Anh