Nghệ thuật thơ văn Nguyễn Khuyến

NGHỆ THUẬT THƠ VĂN NGUYỄN KHUYẾN

1. Ngôn ngữ
1.1. Ðặc điểm chung:
Ngôn ngữ thơ Nguyễn Khuyến rất phong phú không những trong cách nói mà còn rất mỹ lệ, gợi cảm trong cách miêu tả.
Nguyễn Khuyến còn có biệt tài khai thác khả năng diễn tả của từ ghép rất độc đáo:Thấp le te, đóm lập lòe, tẻo teo, ve ve, tênh nghếch, làng nhàng, khỏe khoe…

Năm gian nhà cỏ thấp le te 
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe 

(Thu ẩm)

Nhiều danh từ, những cách nói, những thành ngữ, tục ngữ được dùng ở nông thôn được ông sử dụng khá thành thạo: xôi bánh trâu heo, anh em làng xóm,văn dai như chão, người ba đấng, của ba loài.

Ông có làm một bài thơ cùng tên với câu tục ngữ dân gian Nhất vợ nhì trời để lý giải vì sao như vậy:

Trời dẫu yêu nhưng vì có phận 
Vợ mà vụng dại đếch ăn ai. 
Cớ sao vợ lại hơn trời nhỉ? 
Vợ chỉ hơn trời có cái chai! 

Ông tiếp tục truyền thống học tập ca dao, tục ngữ của những nhà thơ Nôm các thế kỷ trước, nhưng ông có lối sáng tạo riêng.

Ca dao có câu Gái có chồng như gông đeo cổ thì nhà thơ làm bài thơ Muốn lấy chồng phát triển cái tứ ngược lại:

Mới biết có chồng như có cánh 
Giang sơn gánh vác nhẹ bằng lông. 

1.2. Ngôn ngữ trào phúng:

Ngôn ngữ trào phúng của Nguyễn Khuyến nhẹ nhàng hóm hỉnh, nhiều cung bậc. Trào phúng của Nguyễn Khuyến có nét riêng không giống như Hồ Xuân Hương hay Tú Xương là đánh một cái cho biết. Cái cười của ông đối với kẻ thù tuy có cay nhưng không độc địa bốp chát, mặc dù ông ông có so sánh cờ nước Pháp với váy phụ nữ:

Ba vuông phất phới cờ bay dọc 
Một bức tung hoành váy xắn ngang 

(Lấy Tây)

Ông có biệt tài, cường điệu và chơi chữ rất tài tình:

Văn hay chữ tốt ra tuồng 
Văn dai như chão chữ vuông như hòm 
Vẽ thầy như vẽ con tôm 
Vẽ tay ngoái cám, vẽ mồm húp tương. 

(Ðùa chế ông Ðồ Cự Lộc)

Hoặc cái dí dỏm của câu đối tết viết dùm người hàng thịt:

Tứ thời bát tiết canh chung thủy 
Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang

Các bài thơ tiêu biểu: Than già, Bác đến chơi nhà, Tự trào, Bóng đè cô đầu, Tạ lại gnười cho hoa trà, Lấy tây, Ðùa chế ông đồ Cự Lộc, Câu đối tết… đều là những vần thơ trào phúng độc đáo của Nguyễn Khuyến.

1.3. Ngôn ngữ tả cảnh: 
Nguyễn Khuyến rất thành công trong việc miêu tả cảnh sắc thiên nhiên. Thơ du vịnh và thơ bốn mùa không chỉ tả cảnh mà còn miêu tả tâm trạng của nhà thơ.
Ngôn ngữ tả cảnh rất chính xác, cách chọn chữ , dùng từ thích hợp, từ ngữ thường lấp láy giàu nhạc điệu, có khả năng gợi tả cao.
Sử dụng vốn ngôn ngữ bình dân nhưng không hề rơi vào sự thông tục hóa, cảnh nào cũng được vẽ, được chạm khắc thần tình đạt đến mức nghệ thuật.
2. Hình ảnh:
Hình ảnh sử dụng thường đơn sơ, khêu gợi thể hiện qua những chi tiết thật bình dị, sống động. Nó có giá trị nâng các câu thơ làm tăng sức biểu cảm. Hình ảnh hoa nở, trăng trôi, chiếc thuyền thấp thoáng, bé tẻo teo, ngõ trúc quanh co, thấp le te, đóm lập lòe… đầy sức sống.
Thơ ông có sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh và màu sắc gợi cảm giác vừa xem tranh thủy mặc vừa nghe thơ Ðường.
Aâm thanh của tiếng muỗi, tiếng dế, tiếng gnỗng, tiếng trâu thở, tiếng hạc bay, tiếng chó sủa, tiếng sóng vỗ đã lột tả được đặc điểm của ngoại cảnh và tâm lý:

Bóng thuyền thấp thoáng dờn trên vách 
Tiếng sóng long bong vỗ trước nhà

(Vịnh lụt)

Màu sắc tuyệt diệu có khả năng gợi tả cao: Màu xanh của nước, màu xanh của trời, xanh, xanh của ngọc, xanh của tre, xanh của bèo, màu đỏ hoe của mắt, màu sương chiều, màu sáng của trăng đã tạo nên màu sắc đậm nhạt, mờ ảo thanh đạm, lặng lẽ. Làn ao lóng lánh bóng trăng loe dễ gây ấn tượng thị giác.
Nguyễn Khuyến là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh nhất là trong việc tả cảnh sắc thiên nhiên. Ông được mệnh danh là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam vì những cảnh, người, vật qua cảm nhận của ông đều đậm đà phong vị của quê hương đất nước. Nguyễn Khuyến đã có những cống hiến quan trọng làm cho ngôn ngữ đi sát với đời sống và ông đã thành công trong việc chuyển cái tinh túy của đời thường thành thơ.