Câu I (2,0 điểm)
Những cuộc khởi nghĩa và kháng chiến nào in đậm dấu ấn Việt Nam trong thế kỷ XX? Trình bày những suy nghĩ về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Câu II (3,0 điểm)
Hãy làm sáng tỏ biện pháp hòa bình của Việt Nam trong quan hệ với Pháp từ ngày 6-3-1946 đến trước ngày 19-12-1946 và nêu tác dụng của biện pháp ấy
Câu III (2,0 điểm)
Trình bày hoàn cảnh lịch sử của việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước ở Việt Nam (1975-1976)
Câu IV (3,0 điểm)
Từ những dữ liệu trong bảng dưới đây, hãy xác định những biến đổi to lớn ở Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ hai. Hiện nay, hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cần làm gì để bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực?
Thời gian | Nội dung |
1945 -1959 | Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; Inđônêxia, Lào tuyên bố độc lập (1945). Các nước được công nhận độc lập: Philippin (1946), Miến Điện (1948), Inđônêxia (1949), Mã Lai (1957). Xingapo được công nhận quyền tự trị (1959). |
1967 | Thái Lan, Philippin, Inđônêxia, Malaixia, Singapo thành lập hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế, văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung trên tinh thần duy trì hòa bình, ổn định khu vực. |
1973 | Singapo là “con rồng” nổi trội nhất trong 4 “con rồng” kinh tế của Châu Á |
1975 | Việt Nam, Lào, Campuchia kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ. |
1976 | Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á được ký kết tại Bali, xác định những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước ASEAN. |
1984 | Brunây tuyên bố độc lập; gia nhập ASEAN. |
1991 | Hiệp định hòa bình về Campuchia được ký kết tại Pari. |
1985– 1995 | Tăng trưởng kinh tế của Malaixia là 7,8%, Thái Lan là 9%… |
1992 | Việt Nam, Lào tham gia Hiệp ước Bali. |
1995-1999 | Gia nhập ASEAN: Việt Nam (1995); Lào, Mianma (1997); Campuchia (1999). |
2007 | Hiến chương ASEAN được ký kết nhằm xây dựng ASEAN thành một cộng đồng vững mạnh. |
(Nguồn: Lịch sử 12, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu I :
Những cuộc khởi nghĩa và công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân ta đã làm nên tên tuổi của Việt Nam trên trường quốc tế trong thế kỷ XX.
- Trong kháng chiến chống Pháp, trước hết đó là cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 của Việt Nam Quốc dân đảng dù thất bại nhanh chóng, nhưng đã cổ vũ lòng yêu nước và chí căm thù của nhân dân ta đối với thực dân Pháp và tay sai. Đảng Cộng sản Đông Dương, sau khi thành lập từ năm 1930, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp và phát xít Nhật. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940), khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940) và cuộc binh biến Đô Lương (1/1941), với ý nghĩa là những cuộc vận động chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8/1945, đồng thời là nguồn động lực cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1954), với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu”.
- Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân ta đã làm nên nhiều cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu là phong trào “Đồng khởi” Bến Tre (1959-1960). Có thể coi những cuộc khởi nghĩa của nhân dân là những tiền đề cơ bản dẫn đến những thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) ở miền Nam, hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
- Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thông qua các cuộc khởi nghĩa đã thể hiện vai trò to lớn và quan trọng của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, trước khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân mang tính bộc phát, thiếu tổ chức tập hợp hoặc do chỉ đáp ứng lợi ích của một tầng lớp, đảng phái đã nhanh chóng tàn lụi hoặc bị dìm trong biển máu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò của nhân dân luôn được đề cao thông qua nhiều cuộc vận động kiên trì, giác ngộ cách mạng và đoàn kết tập hợp lực lượng thông qua các phong trào, đã dẫn dắt nhân dân ta đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Câu II:
- Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời mong muốn được công nhận quyền tự do độc lập . Pháp âm mưu chia cắt và thôn tính Việt Nam một lần nữa.
- Pháp kí hiệp ước với Tưởng (28/2/1946) đặt Việt Nam trước một cuộc chiến tranh với Pháp trên quy mô cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khai thác mọi khả năng, chủ động đàm phán để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, tiếp tục phát triển thực lực cách mạng mọi mặt làm cơ sở cho đấu tranh ngoại giao.
- Ngày 6/3/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí với Pháp Hiệp định Sơ bộ. Theo đó, Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do có chính phủ nghị viện, quân đội và tài chính riêng nằm trong khối Liên hiệp Pháp; Chính phủ Việt Nam thỏa thuận cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc thay quân Tưởng; hai bên ngừng bắn, tạo không khí thuận lợi cho việc mở cuộc đàm phán chính thức ở Pa-ri.
- Tiếp tục hòa hoãn, Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở thăm nước Pháp, đàm phán và kí với đại diện Chính phủ Pháp Tạm ước 14/9/1946, tiếp tục nhân nhượng Pháp một số quyền lợi kinh tế – văn hóa nhằm kéo dài thời gian hòa hoãn.
- Sau khi kí kết các Hiệp định và Tạm ước nhân nhượng cho Pháp một số quyền lợi, thậm chí chấp nhận tham gia khối Liên hiệp Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ tiếp tục lãnh đạo nhân dân kiên trì đấu tranh, tích cực chuẩn bị lực lượng, đề phòng tình thế bất đắc dĩ do Pháp gây ra.
- Kiên trì giải quyết quan hệ Việt – Pháp bằng biện pháp đám phán, thương lượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện thiện chí hòa bình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đẩy nhanh quân Tưởng về nước và phá tan âm mưu Pháp câu kết với Tưởng chống lại nhân dân ta, kéo dài thời gian hòa bình để củng cố xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến mà ta biết trước là không thể nào tránh khỏi.
Câu III: Hoàn cảnh lịch sử của việc thống nhất đất nước về mặt nhà nước
*Miền Bắc:
- Trải qua hơn 20 năm (1954-1975) tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Bắc đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện, đã xây dựng được những cơ sở vật chất – kĩ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội. Nhưng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ hết sức ác liệt, đã tàn phá nặng nề, gây hậu quả lâu dài đối với miền Bắc.
- Đến gữa năm 1976, miền Bắc mới căn bản hoàn thành nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế.
- Miền Bắc còn làm nghĩa vụ của căn cứ địa cách mạng cả nước và nghĩa vụ quốc tế đối với Lào, Cam-pu-chia trong thời kì mới.
*Miền Nam:
- Đã hoàn toàn giải phóng, cuộc chiến tranh của Mỹ đã gây ra hậu quả nặng nề. Nhiều làng mạc, đồng ruộng bị tàn phá. Nửa triệu héc-ta ruộng đất bị bỏ hoang. Một triệu héc-ta rừng bị chất độc hóa học và bom đạn cày xới. Vô số bom mìn bị vùi lấp. Đội ngũ thất nghiệp lên tới hàng triệu người. Số người mù chữ chiếm tỉ lệ lớn trong dân cư.
- Miền Nam có nền kinh tế chừng mực nhất định phát triển theo hướng tư bản, song cơ bản vẫn mang tính chất của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ và phân tán phổ biến, phát triển mất cân đối, lệ thuộc nặng nề vào viện trợ từ bên ngoài.
- Công việc tiếp quản vùng mới giải phóng được tiến hành khẩn trương.
- Việc thành lập chính quyền cách mạng và đoàn thể quần chúng các cấp nhanh chóng được thực hiện. Tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng… chính quyền cách mạng tuyên bố thành lập ngay sau khi được giải phóng hoàn toàn.
- Chính quyền cách mạng chú trọng khôi phục sản xuất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu cấp bách và lâu dài của nhân dân về lương thực. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp, cả những cơ sở bị gián đoạn quan hệ với nước ngoài đều trở lại hoạt động. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế… được tiến hành khẩn trương từ những ngày đầu mới giải phóng.
- Sau đại thắng mùa xuân 1975, Tổ quốc Việt Nam được thống nhất về mặt lãnh thổ, song ở mỗi miền lại tồn tại một hình thức tổ chức nhà nước khác nhau. Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (09/1975) để ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
- Từ ngày 15 đến ngày 21/11/1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn. Hai đoàn đại biểu đại diện cho hai miền tham dự. Hội nghị nhất trí hoàn toàn các vấn đề về chủ trương, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
- Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tiến hành trong cả nước. Hơn 23 triệu cử tri (chiếm 98,8% tổng số cử tri) đi bỏ phiếu và bầu ra 492 đại biểu.
- Từ ngày 24/6 đến ngày 03/7/1976, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam thống nhất họp kì đầu tiên tại Hà Nội.
- Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước đã tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy sức mạnh toàn diện của đất nước, những điều kiện thuận lợi để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, những khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
- Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa thành lập (02/7/1976) đã có 94 nước chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao (đến cuối năm 1980 có 106 nước). Nước ta là thành viên của hơn 20 tổ chức quốc tế khác (vào cuối năm 1989) và trở thành hội viên thứ 149 của Liên hợp quốc ngày 20/9/1977.
Câu IV:
Những biến đổi của Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ hai:
- Sau chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước trong khu vực đề giành được độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; Lào tuyên bố độc lập (1945). Các nước được công nhận độc lập: Philippin (1946), Miến Điện (1948), Inđônêxia (1949), Mã Lai (1957). Xingapo được công nhận quyền tự trị (1959).
Tuy nhiên, Việt Nam và Lào còn phải tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài chống Pháp, sau đó là Mĩ, tới năm 1975 mới giành được độc lập, thống nhất trọn vẹn…
- Sau khi giành độc lập, các nước trong khu vực tiến hành xây dựng, củng cố nền độc lập, ra sức phát triển kinh tế, văn hóa và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Singapo là “con rồng” nổi trội nhất trong 4 “con rồng” kinh tế của Châu Á. Tăng trưởng kinh tế của Malaixia và Thái Lan là 9%.
- Năm 1967, tổ chức ASEAN ra đời với mục tiêu là phát triển kinh tế, văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung trên tinh thần duy trì hòa bình, ổn định khu vực.
- Tổ chức ASEAN được củng cố và phát triển từ sau việc ký hiệp ước Bali (2-1976) và nhất là từ sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết.
- Tổ chức ASEAN không ngừng mở rộng các thành viên tham gia, nhất là trong thập kỉ 90. Năm 1984, Brunây gia nhập ASEAN, năm 1995 – Việt Nam , năm 1997- Lào và Mianma, năm 1999 – Campuchia gia nhập tổ chức này. Từ 5 nước sáng lập ban đầu, đến năm 1999, ASEAN đã phát triển thành 10 nước thành viên.
- Năm 2007, hiến chương ASEAN được kí kết nhằm xây dựng ASEAN thành một cộng đồng vững mạnh năm 2015.
Những việc các quốc gia Đông Nam Á cần làm để đảm bảo hòa bình trong khu vực:
- ASEAN là tổ chức liên kết khu vực với thành viên là hầu hết các nước Đông Nam Á, điều đó chứng tỏ các nước Đông Nam Á muốn làm chủ vận mệnh của mình, không muốn lệ thuộc vào sự can thiệp của nước ngoài.
- Hiệp ước Bali ( 2/1976 ) đã xác định nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước thành viên, nhằm củng cố hòa bình an ninh khu vực, cùng nhau giải quyết những tranh chấp lãnh thổ. Thực hiện nghiêm túc những nguyên tắc được đưa ra trong Hiệp ước Bali và tiến hành đẩy mạnh hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các nước thành viên.
- Là tổ chức khu vực thành công nhất trong các nước đang phát triển. Sự hợp tác về an ninh, phát triển về kinh tế đã lôi cuốn các nước ngoài khu vực tham gia như Trung Quốc, Nhật, Nga, Mĩ…uy tín của ASEAN ngày càng được nâng cao. Thông qua đó thực hiện cơ chế đối thoại giữa các nước thành viên ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước lớn để giải quyết các tranh chấp cũng như xung đột nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển cho khu vực.
- Nhiệm vụ quan trọng nhất của ASEAN : Thực hiện bản Hiến chương được thông qua năm 2007 nhằm khẳng định nền tảng pháp lí của ASEAN, tiến tới xây dựng cộng đồng ASEAN về kinh tế, an ninh và văn hóa vào năm 2015.