HSG Môn Sử 12: Đề thi số 19

Câu 1. Từ năm 1930 đến năm 1945, qua các thời kỳ lịch sử, Đảng ta đã giải quyết hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ như thế nào? Phân tích sự sáng tạo của Đảng trong việc giải quyết hai nhiệm vụ đó.

a. Từ năm 1930 đến năm 1945, qua các thời kỳ lịch sử, Đảng ta đã giải quyết hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ:

– Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã khẳng định nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở nước ta là đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến, song nổi bật là nhiệm vụ chống đế quốc và tay sai phản động làm cho Việt Nam độc lập, dân Việt Nam tự do.

– Luận cương tháng 10 của Trần Phú khẳng định: nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền là phải đánh đổ các thế lực phong kiến, ách áp bức bóc lột theo lối tư bản thực hiện cách mạng ruộng đất và đánh đổ đế quốc Pháp làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Hai nhiệm vụ đó có mối quan hệ khăng khít vơi nhau. Đường lối này có hạn chế: chưa chỉ ra được mâu thuẫn chủ yếu của xã hội thuộc địa, không đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, nặng về đấu tranh giai cấp… Hạn chế đó đã được khắc phục trong thời kì 1936 – 1945.

– Giai đoạn 1936 – 1939, do tác động của tình hình thế giới, Đảng ta tạm gác khẩu hiệu “Độc lập dân tộc, ruộng đất dân cày”, chỉ đề ra nhiệm vụ chống phản động thuộc địa, chống đế quốc, chống nguy cơ chiến tranh đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Tuy nhiên, đường lối đó vẫn bao hàm hai nhiêm vụ dân tộc và dân chủ, vẫn gắn liền nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến.

– Giai đoạn 1939 – 1945, trên cơ sở tình hình thế giới và trong nước, các Hội nghị lần 6, 7, 8 của BCH Trung ương Đảng đã thực hiện chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, chỉ đề ra khẩu hiệu “tịch thu ruộng đất của đế quốc Việt gian chia cho dân cày nghèo”.

b. Sự sáng tạo của Đảng:

– Đảng đã vận dụng triêt để đường lối của Quốc tế cộng sản về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa.

– Mặc dù trong quá trình đề ra đường lối có lúc bị hạn chế, nhưng Đảng ta đã vận dụng sáng tạo đường lối của Quốc tế cộng sản vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trên cơ sở nắm vững tư tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã chỉ đạo chiến lược cách mạng đúng đắn và sáng tạo, biết giương cao ngọn cớ độc lập dân tộc, đưa nhiệm vụ chống đế quốc tay sai lên hàng đầu nhằm tập trung mọi lực lượng thực hiện cho kì được yêu cầu cấp bách hàng đầu của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, giành lấy chính quyền về tay nhân dân.

– Sự sáng tạo của Đảng phù hợp với thực tiễn khách quan của các nước thuộc địa và phụ thuộc trong việc giải quyết các mâu thuẫn xã hội. Trong hai mâu thuẫn cơ bản, thì mâu thuẫn dân tộc Việt Nam – thực dân Pháp là chủ yếu nhất. Giải quyết được mâu thuẫn này thì sẽ giải quyết được mâu thuẫn còn lại.

Câu 2. Nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ngày 2 – 3 – 1975 nêu rõ: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam…”. Nghị quyết đó đã đưa đến thắng lợi nào trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975?

– Nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ngày 2 – 3 – 1975 nêu rõ: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam… phải tập trung nhanh nhất lực lượng binh khí, kĩ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Chiến dịch Sài Gòn được Bộ Chính trị quyết định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh (11 – 4 – 1975).

Sau khi thất bại liên tiếp ở Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, địch lùi về lập tuyến phòng thủ từ xa (Phan Rang – Xuân Lộc – Tây Ninh) để bảo về Sài Gòn.

Trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình, ngày 25/3/1975, Bộ chính trị đã họp và nhận định: “Thời cơ cách mạng đã đến,… phải tập trung lực lượng giải phóng miền Nam trước mùa mưa” và quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Ngày 08/4/1975, Bộ chỉ huy “Chiến dịch Hồ Chí Minh” đã được thành lập, với 5 quân đoàn và chuẩn bị ra quân với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng”, “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Ngày 09/4/1975, quân ta bắt đầu tấn công vào Xuân Lộc – hệ thống phòng thủ quan trọng nhất bảo vệ Sài Gòn của địch.

Ngày 16/4/1975, quân ta phá tan tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang, tiếp đó là Bình Thuận, Bình Tuy.

Ngày 18/4/1975, Tổng thống Mĩ đã ra lệnh di tản toàn bộ người Mĩ ra khỏi Sài Gòn.

Ngày 21/4/1975, Xuân Lộc thất thủ, toàn bộ quân địch ở Xuân Lộc đã tháo chạy, quân ta từ các hướng nhanh chóng áp sát Sài Gòn. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố từ chức cùng ngày (21/4/1975).

Ngày 26/4/1975, quân ta được lệnh tấn công Sài Gòn, tất cả 5 cánh quân từ các hướng nhanh chóng vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào Sài Gòn.

Đêm 28 rạng sáng ngày 29/4/1975, quân ta tấn công vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.

Đến 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, quân ta tiến thẳng vào Dinh độc lập, bắt sống toàn bộ Ngụy quyền trung ương, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện vào lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày. Chiến dịch Hồ Chí Mính kết thúc hoàn toàn thắng lợi.

Thừa thắng, nhân dân các tỉnh còn lại trên khắp miền Nam đã đồng loạt nổi dậy tấn công địch. Đến ngày 02/ 5/1975, miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng.

Câu 3. Tại sao Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra đường lối kháng chiến toàn diện? Kháng chiến toàn diện đã thể hiện trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mĩ (1946 – 1954) như thế nào?

a. Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra đường lối kháng chiến toàn diện, vì:

– Mặc dù đã ký Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946), nhưng thực dân Pháp vẫn đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích ta. Ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng trong vòng 48 giờ.

– Tình thế khẩn cấp buôc Đảng và Chính phủ ta phải có những quyết định kịp thời trước vận nước đang lâm nguy. Ngày 18,19/12/1946, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định phát động kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp.

– Vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, cuộc khởi nghĩa bắt đầu nổ ra ở Hà Nội. Và ngay trong đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 22/12/1946, Trung ương Đảng ra chỉ thị toàn dân kháng chiến.

– Muốn làm cho chỉ thị “toàn dân kháng chiến” có nội dung thực sự thì kháng chiến phải có nhiều hình thức quân sự, chính trị, kinh tế,… Thông qua những hình thức kháng chiến toàn diện như thế thì toàn dân ta mới phát huy hết năng lực của mình trong cuộc kháng chiến…

– Thực dân Pháp không chỉ đánh ta về mặt quân sự mà còn phá ta về cả kinh tế, chính trị, văn hóa,… cho nên ta không những kháng chiến trên mặt trận quân sự mà phải đánh bại mọi âm mưu phá hoại về kinh tế và chính trị của chúng, phải kháng chiến toàn diện…

b. Kháng chiến toàn diện đã thể hiện trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mĩ (1946 – 1954):

– Chính trị: không ngừng nâng cao khối đoàn kết toàn dân, chống lại âm mưu chia rẽ của kẻ thù, củng cố và phát triển chính quyền cách mạng, chống âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của chúng. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng làm hạt nhân lãnh đạo đưa kháng chiến thắng lợi. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai và đổi tên Đảng, Đại hội thống nhất Mặt trân Việt Minh – Liên Việt đầu năm 1951,… Công tác vận động đồng bào miền núi, đồng bào công giáo, quần chúng trong vùng tạm chiếm, công tác vận động ngụy binh được Đảng coi trọng.

– Kinh tế:

+ Xây dựng nền kinh tế tự cấp, tự túc bảo đảm phục vụ kháng chiến, ổn định đời sống nhân dân, thực hiện chủ trương “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”.

+ Đấu tranh chống lại âm mưu phái hoại kinh tế của địch, bảo vệ mùa màng, thóc gạo.

+ Đặc biệt Đảng ta không ngừng thực hiện từng bước nhiệm vụ dân chủ cho nông dân (các chính sách giảm tô, giảm tức, chia ruộng công, thuế nông nghiệp nhất là triệt để giảm tô giảm tức và cải cách ruộng đất trong thời kì 1953 – 1954).

+ Nhờ đó đã động viên sức mạnh to lớn của hậu phương cho kháng chiến thắng lợi. Cơ sở công nghiệp quốc phòng được xây dựng khá nhiều với quy mô vừa và nhỏ ở khắp các vùng tự do và chiến khu.

– Ngoại giao: Đại hội thành lập liên minh chiến đấu ba nước Việt – Miên – Lào đầu năm 1951, Việt Nam cử quân tình nguyện sang giúp nhân dân Miên và Lào; năm 1950, Liên và các nước XHCN công nhận nước ta, cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán ở Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương năm 1954…

– Quân sự: Thắng lợi trên các mặt kháng chiến nói trên đã góp phần tạo ra và thúc đẩy thúc đẩy thắng lợi ngày càng to lớn của nhân dân ta trên các chiến trường.

+ Mở đầu kháng chiến, quân dân ta đã chặn đứng âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, tiêu hao và vây hãm chúng trong các thành phố và đô thị, tạo điều kiện cho cả nước đi vào kháng chiến lâu dài, lực lương vũ trang và ba thứ quân không ngừng trưởng thành về mọi mặt.

+ Cùng với tiến công đánh địch ngày càng mạnh mẽ ở vùng sau lưng địch, giải phóng đất đai, đẩy địch ngày càng rơi vào thế bị động; chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947, đập tan hoàn toàn âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của Pháp, đưa kháng chiến tiến lên một bước mới.

+ Chiến thắng Biên giới thu đông năm 1950, ta đã phá tan thế bao vây phong tỏa của địch, giành thế chủ động chính trên chiến trường chính Bắc bộ với một loạt chiến thắng: Trung du (1950), đường số 18 (1951), Hà Nam Ninh (1951), Hòa Bình đông – xuân (1951 – 1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) đã đẩy địch vào tình trạng lúng túng hơn nữa. Đỉnh cao của cuộc kháng chiến là cuộc tổng tiến công chiến lược Đông – xuân 1953 – 1954 và chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava, buộc thực dân Pháp phải kì Hiệp định Giơ-ne-vơ và rút quân về nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến.

– Nhờ kháng chiến toàn diện, ta đã đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, xây dựng chế đô dân chủ nhân dân, tạo tiền đề để đưa đất nước tiến lên CNXH sau này.