Câu 1. Hãy chứng tỏ rằng trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước 1986 – 2010, Việt Nam ngày càng “tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng quốc tế và hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới hiện đại”.
– Tại Đại hội VI (12 – 1986), Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đường lối đối ngoại độc lập, mở rộng, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm: “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.
– Tháng 7 – 1995, Việt Nam và Mĩ bình thường hóa quan hệ; Việt Nam trở thành thành viên của Asean (28 – 7 – 1995). Việt Nam có những đóng góp quan trọng vào sự củng cố của khối Asean. Năm 2010, Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch Asean.
– Việt Nam nằm trong lộ trình thực hiện cam kết của AFTA (khu vực mậu dịch tự do Asean), tham gia diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), đẩy mạnh quan hệ song phương và đa phương… Sau 11 năm chuẩn bị và đàm phán, Việt Nam trở thành thành viên của WTO (7 – 1 – 2006).
– Năm 1995, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 160 quốc gia, năm 2000 có quan hệ buôn bán với trên 140 quốc gia… nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay để phát triển…
– 16 – 10 – 2007, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (nhiệm kì 2008 – 2009), Việt Nam luôn coi trọng hòa bình và lên án khủng bố.
– Trong 25 năm, thực hiện cuộc đổi mới đất nước (1986 – 2010), Việt Nam ngày càng “tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng quốc tế và hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới hiện đại”. Những đóng góp của Việt Nam vào các hoạt động của các tổ chức, diễn đàn quốc tế đã góp phần từng bước nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Câu 2. Nêu vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với quá trình vận động chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc vừa tiếp tục học tập, vừa tìm cách truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước, cuẩn bị về chính trị, tư tưởng, cán bộ và tổ chức cho sự thành lập Đảng ta. Quá trình này trải qua các giai đoạn sau:
– Từ năm 1920 đến năm 1923 (ở Pháp):
+ Người tích cực hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, tranh thủ sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp và nhân dân Pháp đối với cách mạng Việt Nam.
+ Tham gia các hoạt động của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, vận động đồng bào hướng về Tổ quốc.
+ Năm 1921, cùng với một số người yêu nước Angiêri, Tuynidi,… thành lập “Hội liên hiệp thuộc địa” để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, đoàn kết các dân tộc đấu tranh.
+ Viết nhiều bài đăng trên báo “Người cùng khổ”, “Nhân đạo” của Đảng cộng sản Pháp; “Đời sống công nhân” của giai cấp công nhân Pháp; viết kịch “Con rồng tre”, tiêu biểu là “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Nội dung cơ bản là tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở thuộc địa, truyền bá tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, thức tỉnh đồng bào trong nước.
– Từ giữa 1923 đến 1924 (ở Liên Xô):
+ Tháng 6 – 1923, bí mật rời khỏi nước Pháp đi Liên Xô, dự Hội nghị Quốc tế nông dân lần thứ nhất (10 – 1923), Đại hội lần thứ V của Quốc tế cộng sản (7 – 1924) và Đại hội quốc tế thanh niên, Quốc tế phụ nữ…
+ Viết nhiều bài đăng báo “Sự thật” của Đảng cộng sản Liên Xô, tạp chí “Thư tín quốc tế” của Quốc tế cộng sản. Đồng thời, tích cực học tập, chủ yếu đi sâu nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Đây là thời kì Nguyễn Ái Quốc tiếp tục phát triển và hoàn thiện tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc thông qua hoạt động và nghiên cứu sách báo Macxit. Người có công lớn trong việc xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giói; nêu rõ những quan điểm về vị trí chiến lược của cách mạng thuộc địa, về mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng chính quốc… Đây là bước chuẩn bị quan trọng về chính trị, tư tưởng cho sự thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
– Tại Trung Quốc từ cuối 1924 đến giữa 1927:
+ Tháng 11 – 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Quảng Châu – Trung Quốc nhằm tập hợp nhng74 người yêu nước Việt Nam đang hoạt động ở đây, giáo dục, truyền bá cho họ chủ nghĩa Mác – Lênin.
+ Người tìm hiểu và cải tổ “Tâm tâm xã” thành “Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên” (6 – 1925), hướng tổ chức này hoạt động theo xu hướng cộng sản. Đồng thời, lập báo “Thanh niên” – cơ quan ngôn luận của Hội.
+ Tháng 7 – 1925, Người cùng một số nhà cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Indonexi thành lập “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông” nhằm đoàn kết nhân dân các thuộc địa đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân.
+ Tại Quảng Châu (1925 – 1927) Nguyễn Ái Quốc mở khóa huấn luyện chính trị nhằm đào tạo thanh niên yêu nước Việt Nam trở thành những người cộng sản; sau đó, đưa về nước hoạt động trong phong trào công nông, một số khác tiếp tục sang Liên Xô học tại trường Đại học Cộng sản phương Đông.
+ Năm 1927, những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc được tập hợp lại và in thành tác phẩm “Đường kách mệnh”.
Những hoạt động trong thời gian này có tác dụng quyết định trong việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam.
– Từ giữa năm 1928 đến 1930:
+ Năm 1928, “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” chủ trương thực hiện phong trào vô sản hóa nhằm truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước. Đến năm 1929, Hội viên của Hội có khoàng 1700 người, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam theo xu hướng cách mạng vô sản.
+ Hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc và những người cách mạng Việt Nam tạo ra các điều kiện chín muồi cho sự thành lập đảng cộng sản ở Việt Nam. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên không đủ sức đáp ứng. Cuộc đấu tranh thành lập đảng mác xít diễn ra gay gắt trong nội bộ những người cách mạng, dẫn đến sự ra đời của ba tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sàn đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn).
+ Sự ra đời và hoạt động của các tổ chức cộng sản đánh dấu bước phát triển vượt bậc của phong trào công nhân. Tuy nhiên, các tổ chức hoạt động riêng rẽ, công kích lẫn nhau, ảnh hưởng đến phong trào. Yêu cầu cấp thiết là phải thống nhất ba tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất.
+ Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm về Trung Quốc với danh nghĩa đại diện Quốc tế cộng sản, triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản. Từ ngày 3 đến 7/2/1930 tại Cửu Long – Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, các đại biểu tham dự đã nhất trí hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ, Chương trình vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Những văn kiện này trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam,thể hiện đóng góp to lớn của Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập Đảng, tiếp sau việc xác định con đường cứu nước đúng và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam.
Câu 3. Nêu vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5 – 1941).
– Là người trực tiếp chủ trì Hội nghị lần 8, Nguyễn Ái Quốc cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng có những quyết định đúng đắn, sáng suốt:
+ Khẳng định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc.
+ Đề xuất việc chuẩn bị về lực lượng chính trị : thành lập Mặt trận Việt Minh, đoàn kết toàn dân tiến hành đấu tranh chống Pháp – Nhật giành độc lập tự do. Chủ trương thành lập mặt trận riêng cho từng nước ở Đông Dương.
+ Xác định hình thái của khởi nghĩa là đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa nên phải chuẩn bị lực lượng vũ trang.
– Sau Hội nghị lần 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực triển khai lãnh đạo thực hiện Nghị quyết của Hội nghị , góp phần vào quá trình chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám.