Hiệp định Genève ( Ôn thi lịch sử Việt Nam)

Tiếp theo bài 12
4. Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương.
4.1. Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương.
Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, lập trường của ta là sẵn sàn thương lượng để giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam trên cơ sở độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng thực dân Pháp vẫn cố tình phát động và đẩy mạnh  chiến tranh xâm lược nước ta.

 
Đến cuối năm 1953 đầu năm 1954, khi đã thất bại nặng nề và liên tiếp gặp khó khăn, Pháp mới chịu chấp nhận giải pháp thương lượng để giải quyết vấn đề Việt Nam.
 
Tháng 01 năm 1954, Hội nghị ngọai trưởng bốn nước:
Liên Xô, Anh, Pháp, Mĩ tại Béc-lin đã thỏa thuận triệu tập một hội nghị quốc tế tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.
 
Ngày 26/4/1954, giữa lúc quân ta chuẩn bị mở đợt tấn công Điện Biên Phủ lần thứ 3, hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương khai mạc.
Ngày 8/5/1954, Phái đoàn của ta do đồng chí Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đã đến tham dự hội nghị với tư thế là đại biểu của một dân tộc chiến thắng.
lế ký hiệp điịnh Gioneva
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết Hiệp định Geneva. Ảnh tư liệu (SGGP)
 
Trong quá trình hội nghị, phái đoàn của ta đã kiên trì đấu tranh chống âm mưu phá họai của đế quốc Pháp-Mĩ và các thế lực phản động quốc tế. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết.
 
4.2. Nội dung cơ bản của Hiệp định Giơ-ne-vơ.
– Các bên tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản (độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ) của Việt Nam, Lào và Campuchia và không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước này.
 
– Hai bên ngừng bắn, tập kết chuyển quân và chuyển giao khu vực, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời cùng với một khu vực phi quân sự hai bên giới tuyến.
 
– Các nước Đông Dương không được gia nhập những khối liên minh quân sự và không được để các nước khác sử dụng lãnh thổ của mình để gây chiến tranh. Nước ngoài không được đặt căn cứ quân sự ở Đông Dương. 
 
Việt Nam sẽ thực hiện thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước vào tháng 7 năm 1957, dưới sự kiểm soát của một ủy ban quốc tế (Ấn Độ, Ba Lan và Canada).
 
Trách nhiệm thi hành hiệp định thuộc về những người kí kết hiệp định và những người kế tục họ.
 
4.3. Ý nghĩa của Hiệp định.
– Hiệp định Giơ-ne-vơ cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp (có sự giúp sức của Mĩ), buộc Pháp phải rút về nước. 
– Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và chuyển sang giai đoạn cách mạng XHCN, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
 
5. Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp.
5.1. Nguyên nhân thắng lợi. 
– Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam:
– Đề ra đường lối chính trị, quân sự đúng đắn: giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội; kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Nhờ đó, Đảng đã động viên được toàn dân tham gia kháng chiến.
– Xác định đường lối kháng chiến thích hợp: toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh. Nhờ vậy, Đảng đã tạo nên được thế trận cả nước đánh giặc.
– Do toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do, theo tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
– Nhờ có hậu phương vững chắc mà Đảng đã vận động được cao nhất sức người, sức của để phục vụ cho kháng chiến.
Nhờ có sự đoàn kết phối hợp giữa nhân dân ba nước Đông Dương, sự giúp đỡ, ủng hộ to lớn của các nước XHCN và nhân dân tiến bộ trên thế giới.
 
5.2. Ý nghĩa lịch sử.
– Thắng lợi của nhân dân ta đã buộc thực dân Pháp phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, làm thất bại âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của Pháp – Mĩ ở Đông Dương.
– Bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng tháng Tám, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo thuận lợi cho miền Bắc tiến hành cách mạng ruộng đất, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
– Giáng một đòn mạnh mẽ vào hệ thống thực dân, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đồng thời đánh tan âm mưu của đế quốc Mĩ muốn thay chân Pháp nô dịch nhân dân Đông Dương, ngăn chặn sự phát triển của phong trào cách mạng ở Đông Nam Á.
– Làm sáng tỏ chân lí: trong thời đại ngày nay, dù là một dân tộc đất không rộng, dân không đông nhưng nếu quyết tâm, biết đoàn kết chiến đấu với đường lối cách mạng đúng đắn, được sự ủng hộ của quốc tế thì hoàn toàn có khả năng chiến thắng bất cứ kẻ thù nào.
– Cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới mà trước hết là ở châu Á và châu Phi.