Câu 69. Trình bày và phân tích những sự kiện chứng tỏ xu thế hòa hoãn giữa hai siêu cường Liên Xô và Mĩ; giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong những thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX. Vì sao Liên Xô và Mĩ lại quyết định chấm dứt “Chiến tranh lạnh” ?
Hướng dẫn làm bài.
1) Những sự kiện chứng tỏ xu thế hòa hoãn giữa hai siêu cường Liên Xô và Mĩ; giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa :
– Từ đầu những năm 70 của thế kỉ XX, hai siêu cường Xô – Mĩ đã xuất hiện những cuộc gặp gỡ thương lượng … Xu hướng hòa hoãn
Đông – Tây đã xuất hiện.
– Năm 1972, hai siêu cường đã thỏa thuận về việc hạn chế vũ khí chiến lược. Ngày 26 – 5 – 1972, Liên Xô và Mĩ đã kí Hiệp ước về việc hạn chế hệ thống phòng chống tên lửa (ABM) và Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược…
– Ngày 9 – 11 – 1972, Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức đã kí Hiệp định về những cơ sở của quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức.
– Tháng 8 – 1975, Mĩ và Canađa cùng với 33 nước châu Âu kí Định ước Henxinki, nhằm đảm bảo an ninh châu Âu và sự hợp tác giữa các nước. Định ước đánh dấu sự chấm dứt tình trạng đối đầu giữa hai khối nước tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, tạo nên cơ chế giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh châu lục…
– Từ năm 1985, các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa nguyên thủ hai nước Xô – Mĩ diễn ra hàng năm với các văn kiện hợp tác mà trọng tâm là thỏa thuận về thủ tiêu tên lửa tầm trung ở châu Âu và cắt giảm vũ khí chiến lược.
– Tháng 12 – 1989, M.Goócbachốp và G.Busơ (cha) đã chính thức cùng tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh
– Chiến tranh lạnh chấm dứt đã mở ra khả năng giải quyết các tranh chấp, xung đột… trên thế giới theo những chiều hướng mới : Vấn đề Ápganixtan, Campuchia, Namibia…
– Sự kiện Liên bang Xô viết tan rã 25 – 12 – 1991, đánh dấu sự tan vỡ của một cực, một cường quốc thì Chiến tranh lạnh mới thực sự kết thúc, trật tự hai cực không còn nữa.
2. Sở dĩ hai siêu cường Xô – Mĩ lại chấm dứt “Chiến tranh lạnh” là vì :
– Cuộc “Chiến tranh lạnh” kéo dài hơn bốn thập kỉ đã làm cho hai nước tốn kém và bị suy giảm thế mạnh trên nhiều mặt so với các cường quốc khác, đang đứng trước thách thức của sự phát triển thế giới.
– Sự vươn lên mạnh mẽ của Nhật Bản và Tây Âu… Các nước nước này đã trở thành những đối thủ đáng gờm đối với Mĩ. Còn Liên Xô lúc này nền kinh tế ngày càng lâm vào tình trạng trì tệ, khủng hoảng.
– Cuộc khoa học – kĩ thuật và sự giao lưu quốc tế về kinh tế, thương mại, văn hoá ngày càng phát triển rộng rãi. Cuộc “chiến tranh kinh tế” mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có cục diện ổn định, đối thoại, hợp tác cùng phát triển.
-> Do vậy, hai siêu cường Liên Xô và Mĩ đều cần phải thoát khỏi thế đối đầu để ổn định và củng cố vị thế của mình.