Truyện: Người không mang họ- Chương 2, phần 3

3
Như vậy là ý đồ trả đũa của toán cướp rất rõ. Không chỉ cuỗm hết tài sản trong nhà mà còn cố tình không cho ông Cống tiếp tục chạy xe nữa. Lãm bước ra khỏi nhà ông Cống trong một nỗi buồn tê tái.

 Có chen chút ân hận. Giá như đêm đó anh đừng ra cảng. Anh có thể làm được gì nếu có mặt anh ở nhà lúc sự việc xảy ra? Chẳng phải anh cũng đã chạm trán một lần và chuốc lấy sự đau đớn đến ê ẩm thân xác đó sao? Tuy vậy, thà thế còn hơn.
 
Lãm không nỡ lấy tiền công tháng ấy. Anh lang thang ra chợ. Chẳng còn một nơi nào bấu víu. Nhưng anh không thể đi xin. Nhục nhã quá. Lại càng không thể móc túi. Tàn ác bất lương quá. Dầu sao mình cũng là thằng thanh niên miền Bắc vào, chết gục vì đói thì chớ cũng không bắt chước đám bụi đời ở đây được.

 

Nhưng đói là một thực tế không cách chi lẩn tránh nổi. Cái đói làm đôi chân Lãm không lang thang được mãi. Lãm ngồi bệt xuống một góc chợ, lòng tan nát trong bao nỗi u uất và cô quạnh. Ừ, có lẽ mình là người cô quạnh nhất trên đời. Chưa bao giờ lại thấy cồn cào thèm khát một quê hương, một gia đình như những ngày hôm nay.

Trên đời này có mấy kẻ phiêu diêu, cô độc như anh? Họ sẽ sống bằng gì trong những ngày đầu tiên? Lãm cố nghĩ. Chuyện chàng Rô – bin – xơn thì không thể học được. Chuyện vợ chồng An Tiêm ra đảo cũng không thể noi theo. Bởi Rô – bin – xơn hay An Tiêm sống được trước hết nhờ có được một mảnh đất riêng. Có đất mới tính đến chuyện gieo lúa, trồng dưa chứ. Còn chuyện ông Phù Ái? Mười phần thì nói phét hết chín. Ờ, nhưng cái phần còn lại vẫn có thể tin được. Phải lắm. Một con người bơ vơ có thể bắt đầu từ bên lề chợ. Công việc là gánh thuê. Có lý lắm. Lãm chợt vùng dậy đảo mắt nhìn quanh. Chợ tan rồi. Hôm nay đành nhịn đói. Nhưng ngày mai… ngày mai ta sẽ là một Phù Ái.

Chỗ nào có quang gánh nặng, có thùng hòm to, có những bì tải lấm láp bùn đất là chỗ đó có mặt Lãm. Lúc đầu còn e dè, Lãm thường kiên trì đứng cho đến khi nào có một lời nhờ cậy chính thức mới ghé vai vào. Nhưng những lời tử tế thì hiếm mà tiếng quát mắng đầy quyền thế lại nhiều. Thôi, cũng được. Miễn là người ta vẫn cần mình. Dầu sao họ vẫn cần thì mới nhắc đến mình, còn quát mắng là tính nết đương nhiên của những người có tiền bạc. Dần dần Lãm mất hết sĩ diện, coi thường tất cả. Không đợi lời mời, cũng không chờ quát mắng, anh cứ xông bừa vào. Cứ làm, cứ đòi tiền. Có xua đuổi cũng bâu vào. Rồi mỗi kẻ một đường, ai biết mình là ai. Lãm tự an ủi vậy.

Một buổi tối – những biến cố trong cuộc đời Lãm hay bắt đầu bằng những buổi tối – khi các gian hàng xén đã phủ kín vải nhựa, những chủ hàng nằm đủ kiểu vất vưởng gối đầu, kê chân lên hàng, vừa nhai cái gì đó trong mồm vừa lim dim ngủ thì Lãm cũng lúi húi tìm cho mình một góc nhà khô ráo nhất trong cái đình chợ nhão nhoẹt nước ấy để ngả lưng. Bất ngờ có tiếng gọi:

– Này anh…

Rõ ràng có tiếng gọi. Lãm nghe sát bên tai nhưng vẫn tảng lờ. Bởi đã chắc gì người ta gọi mình. Lúc này không còn là lúc mà bất kỳ tiếng gọi nào cũng làm anh hớt hải chạy đến.

– Anh chi đó ơi… giúp cho tay nè…

Bất đắc dĩ Lãm quay lại. Một cô gái đang nhìn anh, ánh mắt vừa có vẻ cầu van lại vừa đầy lưỡng lự, thăm dò.

– Mệt rồi.

– Gắng chút xíu. Em cũng mệt phờ ra đây.

Cô gái vừa nói vừa quệt tay áo lên mặt. Có lẽ cô cũng không ít tuổi hơn Lãm. Nhưng dáng bộ hình hài Lãm trong những ngày này ai cũng phải đoán anh trên dưới hăm lăm, hăm sáu. Lãm biết vậy và anh thường cố tình cau mày lại cho có vẻ già hơn

– Răng chừ mới dọn hàng?

– Không. Em không phải dọn ở chợ mà cất hàng từ Huế ra. Xe chót mà.

– Hàng chi?

– Sắt.

Lãm chần chừ một tý rồi cất bước. Cô gái chạy trước, vừa chạy vừa kể lể nỗi vất vả của việc chạy hàng. Lãm đi nước sải, đầu cúi thấp, không nói không rằng. Nhưng anh vẫn để tai nghe. Nghe mà chẳng hiểu gì cả. Anh chỉ nhận thấy một điều, cô gái nói chuyện rất dễ ưa.

Hai bì tải sắt vụ được chất vào hai chiếc gióng sắt. Đòn gánh là một đoạn tre già. Lãm ướm thử lên vai, nặng đến mức muốn đùn các đốt cột sống lại. Tuy vậy, anh vẫn bước đi. Cô gái vẫn ở phía trước nhưng bước có chậm hơn. Họ đi men phía dưới chợ, tắt ngang qua hai ngõ phố tối om rồi rẽ lên theo hướng đường 9. Đau vai quá. Cái gộc tre như cưa, như xé vào vai Lãm. Rất nhiều lần bước hụt chân vì một ổ gà trên ngõ tối, cả người Lãm ngã chúi về phía trước, gánh sắt được thể dồn tới như muốn đè bẹp anh. Lãm định đặt xuống nghỉ một tý, nhưng máu sĩ diện nổi lên, anh cắn răng bước tiếp.

– Đây rồi, rẽ vô đây anh. May quá, đặt xuống đi! Mạ ơi. Ba ơi! Mở cửa…

– Con Hòa phải không? Răng về tối rứa?

Tiếng cửa kẹt mở. Một người đàn ông ốm yếu bước ra tay bê chiếc đèn dầu.

– Có hàng à? Mấy yến?

Cô gái vừa thở vừa bước vào nhà:

– Tạ mốt. Nặng hết hồn. May mà… à, vô đây đã anh!

Lãm đang sửng sốt vì số lượng hàng vừa đặt trên vai, nghe tiếng gọi anh bỗng lúng túng:

– Dạ… thôi. Tôi phải về.

Người đàn ông cầm đèn đưa cao lên soi ánh sáng vào mặt Lãm:

– Anh về đâu? Nhà ở chỗ nào?

Lãm cúi đầu không nói. Một nỗi đau nhói lên trong ngực anh, còn đau hơn nhiều lần vết xước trên vai.

– Anh ấy thường ngủ ở chợ ba ạ-cô gái đã bê ra một cốc to nước. Anh uống nước đi. May mà có anh chứ không thì em chịu chết.

Lãm hơi ngờ vực trước những lời đầy ơn nghĩa đó. Có gì mà ơn huệ kia chứ. Kẻ có tiền bỏ ra thuê, đời nào lại đi cám ơn nhưng thằng vai u thịt bắp. Hay họ định lấy lời ngọt mát ấy để bớt tiền? Đúng là dại, mình không hỏi giá trước.. Ừ, sao ngốc thế!

– Anh vào nhà tí đã.

Người đàn ông nói vậy rồi bước ra ướm thử tay vào bì tải.

– Chết thật, thế này thì… ái chà.

Ông ngần ngừ nhìn cậu thanh niên, lúng túng như người có lỗi.

– Chà, phiền quá, nhưng có lẽ nhờ anh gắng cho một đoạn vô trong kia…

Lãm khẽ thở dài. Đúng là đã đa mang thì phải đèo bòng. Anh khom người xuống, đặt gộc tre lên vai. Lần này thì quá nặng. Lãm đã mấy lần liền mới nhấc nổi hai bì sắt lên khỏi mặt đất. Lãm bước đi chếnh choáng. Người đàn ông hấp tấp đi trước soi đường chúi qua chiếc máng hứng nước, họ bước vào nhà trong. Một gian lều bừa bộn những sắt thép, than củi.

– Thôi được rồi, may quá! Cứ vứt đó đã. Anh lên trên ni uống nước…

Người đàn ông cầm đèn đi trước, Lãm lặng lẽ theo sau. Cô con gái lúc này đã thay bộ đồ mới. Khuôn mặt vẫn hừng đỏ và lấm tấm mồ hôi. Bà mẹ đang lúi húi dọn cơm cũng ngẩng dậy chào anh. Một không khí thân mật có vẻ như không dối trá. Lãm bình tâm trở lại. Anh đỡ cốc nước trên tay cô gái đưa lên uống và sửng sốt nhận ra, cốc nước có pha bột xi – rô.

– Chà, anh khỏe dễ sợ. Ngày tôi còn trẻ cũng khỏe lắm, nhưng chắc chắn không bì được anh. Rứa nhà ở đâu?

Người bố lại vô tình nhắc câu hỏi cũ.

– Dạ… cháu không có nhà. Cháu gánh thuê ở chợ để kiếm sống…

Lãm quyết định gạt mọi sĩ diện để nói thẳng ra như vậy, cốt là ngăn ngừa cái trò ăn quỵt nếu sự tử tế kia có động cơ ấy. Nhưng hình như cả nhà không ai bận tâm đến dụng ý của anh. Họ vẫn niềm nở thực sự.

– Anh ngồi ăn cơm rau với em nó.

Đến lượt bà mẹ nhìn anh.

– Dạ không, cháu ăn no rồi mà…

– No gì. Cơm hàng cháo chợ… Bà chợt thở dài – cái sức vóc ấy mà ăn uống vất vưởng thì chả mấy chốc rồi cũng tàn tạ. Tui coi bộ anh cũng hiền, sao không kiếm việc gì mà làm, lại lăn ra giữa chợ?

Cực chẳng đã Lãm phải tiếp chuyện:

Trước đây cháu cũng có việc… nhưng chừ thì…

– Bị đuổi à?

– Dạ không. Nhà chủ tốt lắm. Nhưng hoàn cảnh khó quá không thuê nổi người làm nữa.

Bà mẹ gặt gù có vẻ am hiểu:

– Chắc là vỡ nợ? Buôn bán thời này nó thế đó…

– Dạ không. Nhà bị nạn chứ không phải vỡ nợ.

Câu chuyện khiến cả nhà tò mò hơn:

– Nạn chi? Cháy à?

– Không ạ. Bị cướp

Cô gái bất ngờ reo lên:

– A, hay là nhà ông Cống?

– Cô có biết à?

– Thôi đúng rồi. Hèn chi em cứ ngờ ngợ. Ba ơi, anh đây là "ét" xe nhà ông Cống đó. Con đã hai lần đi xe nhà đó mà.

Người bố rướn to mắt lên, gật gù:

– Ra thế. Nhà ấy cũng là một nhà tử tế. Tội nghiệp…

Không ngờ câu chuyện lại trở nên thân mật thật sự, Lãm thấy yên tâm hẳn. Và thật là quái quỷ, khi sự ngờ vực lắng xuống thì cơn đói lại trỗi dậy cấu xé. Thế nên đến khi cô gái đích thân so đũa đưa lên mời thì Lãm chỉ lắc đầu một cách yếu ớt, rồi ngần ngừ đưa tay đỡ lấy. Cả nhà bỗng vui hơn:

– Ăn đi anh. Cơm dưa thôi, cũng là nhà nghèo mà. Nhưng cứ ăn cho no bụng.

Để lấy lại sự tự chủ và cố tình không để người ta coi khinh mình, Lãm ăn một cách dè dặt và chủ động kể lại câu chuyện cướp giật ở nhà ông Cống. Sự căm phẫn của anh đã truyền sang mọi người. Ông bố lầu bầu chửi. Còn cô Hòa – Lãm cố nhớ cái tên đó – thì nhìn như dán mắt vào anh suốt bữa cơm. Lần đầu tiên sau bao ngày long đong, vất vưởng, Lãm lại được sống trong một khung cảnh đầm ấm và cảm thương. Anh ăn ít, đặt đũa xuống trước. Khánh Hòa cũng bỏ bát bê vội cả mâm ra rửa. Lãm tự thấy không nên ngồi lâu, câu chuyện sẽ nhạt, niềm cảm mến sẽ vơi đi, anh muốn rút nhanh khỏi căn nhà để được mang nguyên vẹn không gian ấm áp ở đây mà bước tiếp những đêm dài cô độc.

– Thôi, chừ cháu chào hai bác và … cô, cháu phải về.

Bà mẹ nhíu nhanh đôi mày lại:

– Về đâu? Về chợ ư? Tội gì phải hấp tấp vậy. Cứ ngủ lại đây cũng được.

– Cảm ơn bác. Cháu ngủ chợ quen rồi…

Người bố quay vào trong một tí rồi chạy ra hấp tấp giúi vào tay Lãm mấy tờ giấy bạc, Lãm gạt đi.

– Thôi… cháu giúp cô một lát thôi…

– Đừng. Làm công thì phải có tiền công. Đêm tối, hàng nặng mà anh tận tình cho thế là may lắm rồi. Cầm lấy.

Dĩ nhiên Lãm không từ chối thêm lần nữa, bởi anh biết đêm nay, ngày mai nữa, tiền đối với anh là sự sống còn.

Khánh Hòa bước ra đến cửa nhưng không nói gì. Người bố bê chiếc đèn giơ cao lên soi lối, Lãm chào cả nhà một nữa rồi bước ra. Người bố cầm đèn đi theo. Đến cuối sân Lãm quay lại:

– Thôi, bác vô đi. Cháu đi đêm quen rồi.

– Thiệt khổ… toàn quen với cái cực. Này cháu… hay là…

Lãm hơi dừng chân lại. Người bố cũng tần ngần xoay xoay ngọn đèn dầu:

– Hay là… bỏ chợ đi, đến làm giúp cho bác. Việc ở đây thì hơi nặng, toàn búa với đe thôi. Được cái không đến nỗi vất vưởng…

Lãm biết ông nói một cách thực tâm. Anh ngước nhìn lên. Cả bà mẹ lẫn cô gái vẫn đứng trên thềm cửa. Chao, làm sao lại có một ngôi nhà ấm áp như thế lọt vào giữa cái ngõ hẻm mịt mùng này? Có cái gì đó vẫn còn chập chờn trong óc Lãm như bóng tối lung lay phía ngoài ngõ.

– Cháu… cảm ơn bác. Dạ… để cháu coi coi thử đã.

– Ừ, tùy cháu. Ở với bác thì vui nhưng cũng chẳng sung sướng bằng nhà người ta đâu.

– Dạ.

Lãm quay người đi. Vầng sáng ở lại trong sân ngõ nhà lợp nứa. Bóng tối vẫn hun hút phố hẻm. Lãm lần dò từng bước trong màn đen mung lung đó, lòng rối bời bao hy vọng lẫn ngờ vực lo âu.

Gia đình ông Trương Phú là một trong những căn hộ gốc gác lâu đời ở đây. Nhưng về nghề rèn, nguội thì mới. Thuở trước, Trương Phú là dân Vạn Nôốc. Cuộc sống trôi giạt theo ngọn triều, lúc lênh đênh ở ngả ba sông phía hạ lưu Cửa Việt, khi lại vật vờ như đám lá súng bên mép chợ Đông Hà. Sông không nuôi nổi người. Dần dần đám dân Vạn Nôốc bỏ thuyền lên đất. Cái nghề đầu tiên trên đất của vợ chồng Trương Phú là nhặt nhạnh vỏ hộp, vỏ chai đem về bán cho người buôn Huế. Dạo đó hàng giải khát ở Huế bắt đầu phát triển, mà vỏ hộp, vỏ chai ở ngoài vùng chiến thuật I này lại nhiều vô kể. Sau một thời gian, Trương Phú bắt đầu học được cách gò các mảnh hộp thành cây đèn dầu hỏa. Từ gò đèn dầu chuyển lên gò thùng, gò chậu. Cứ đà ấy ông thành thợ nguội. Còn việc mở lò rèn than có muộn hơn một chút. Đó là thời kỳ hàng sắt của quân lực ngập tràn ra khu vực này nhiều vô tội vạ. Không khí chung là sắp sửa đánh nhau, sắp sửa "Bắc tiến". Hệ thống công sự được triển khai xô bồ từ Cửa Việt lên tận Khe Sanh, Lao Bảo. Sắt theo từ dưới tàu chở lên, quá nửa bay ra chợ trời. Những nhà giàu bắt đầu đổ móng xây lầu. Thợ rèn cũng được đà mà phất.

Thế là, mặc dù đã sống trên đất, nhưng cuộc sống của những gia đình kiểu Trương Phú cũng rập rình, trôi giạt chẳng khác gì lúc còn ở dưới sông…

Có lẽ trong đời mình, những ngày ở với gia đình Trương Phú là hạnh phúc và thanh thản nhất đối với Lãm. Việc quai búa, kéo bễ tuy có nặng nhưng không quay cuồng gấp gáp như nghề sửa xe hay phụ lái. Hơn nữa không khí trong gia đình thực dễ chịu. Cô Khánh Hòa ngày hai buổi dọn hàng ra mặt trước cửa nhà. Hàng gồm dao, kéo, thùng, xô châu, và nhiều nhất là bản lề. Nhà ở Đông Hà dạo này sinh ra lắm cửa. Cửa tiếp khách, cửa vào chỗ làm, cửa tuồn hàng lậu, chưa kể hòm xiểng tủ sập… Bản lề sản xuất bao nhiêu bán cũng chạy. Công việc ở trong lò chủ yếu là ông Phú và Lãm. Còn có cậu em trai chừng mười hai tuổi giúp việc. Hồi Lãm chưa vào làm, cậu ta phải giữ chân quai búa. Tội nghiệp, cái dáng gầy mảnh khảnh giống bố của nó cứ dướn lên, khom xuống bởi chiếc búa quá nặng. Quần tuột xuống ngang xương mông. Tóc tai dính bết mồ hôi, mắt sâu hóp lại. Bây giờ mọi việc nặng nhọc ấy Lãm cáng đáng hết. Nó được cầm búa nhẹ gò bản lề, hoặc gạt than, thay nước tôi.

Điều làm cho Lãm dễ chịu nhất là từ ngày về ở nhà này, tâm trí anh tự nhiên không còn vướng vất gì hành ảnh Kim Chi nữa. Một cái gì đó mát lành đã len lỏi và trong tâm khảm anh, thấm dịu vết đau của cái tát sỉ nhục. Sau đêm ở bến cảng, rồi tiếp theo là sự tan nát trong gia đình ông Cống, Lãm luôn sống trong dằn vặt và ám ảnh. Những đêm không ngủ được. Lãm trợn trừng mắt lên, muốn lao đi tìm Kim Chi. Tìm để trả thù, để vặn cổ, để nhiếc móc… Anh tự mường tượng ra muôn ngàn hình thức rửa hận và bỗng thấy cay đắng bởi không hiểu vì sao ngay sau cái tát ấy mình không nghĩ được ra cách trả thù như bây giờ. Hầu như không một đêm nào anh không sùng sục nghĩ đến Kim Chi. Có lần anh đã hằm hằm bước đi gần quá nửa đường thì dừng lại. Vẫn có cái gì đó thật khó gọi tên trong anh. Anh tự lục vấn mình. Vì sao mình không dứt ra khỏi sự ám ảnh của "con rắn độc" ấy? Phải chăng chỉ vì uất ức, muốn trả thù? Hay còn có nỗi khát khao thèm muốn? Không! Lãm như muốn kêu to lên. Sao lại thế được? Đốn mạt quá Lãm ơi! Nhục nhã quá mày ơi!

Khánh Hòa cũng có cái tật là hay nhìn trộm Lãm. Những buổi đầu Lãm cũng thấy ớn lạnh. Lẽ nào "ngài rắn" lại ám cả vào nhà này? Nhưng dần dà anh nhận ra cái nhìn Khánh Hòa khác hẳn Kim Chi. Cái nhìn có nét ngạc nhiên, có tia vui thích và rồi cuối cùng là một cái gì đó rất chan chứa. Cái nhìn như thầm đoán, cân nhắc, đánh giá. Dĩ nhiên Lãm cố tránh tất cả. Anh muốn yên ổn.

Tuy vậy không phải không có lúc hai người nói chuyện riêng với nhau. Đấy là những khi ông Phú thay con đi chạy hàng. Bà Phú ra chợ.

– Quê anh Lãm ở đâu hè?

– Ở đây chứ đâu.

– Bịa

– Bịa thì thôi.

– Răng em trông lúc nào anh cũng ngơ ngơ ngác ngác. Có lần ba em bảo đi đến một ngõ phố rất quen mà anh cũng chẳng biết hướng nào…

– À, tại vì anh sinh ở đây nhưng lớn lên chủ yếu ở Cần Thơ…

– Răng không nói tiếng đằng trong?

"Chết thật, cô ta để ý mình tỉ mỉ quá! Mà để ý làm chi hè?". Lãm bỗng thấy nổi gai khắp người. Không thể kéo dài cách trả lời thụ động như thế được. Lãm tấn công trả lại:

– Khánh Hòa dò xét tôi ghê quá. Trông tôi có vẻ gian xảo lắm à?

Khánh Hòa bật cười. Cái cười quá hiền hậu:

– Tại vì trông anh hiền quá, chẳng giống con trai quanh chợ này.

Lãm cười ngượng nghịu:

– Tại vì… tôi vốn đần độn… chẳng có chút khôn ngoan nào…

Khánh Hòa trìa dài chiếc môi dưới, nguýt dài:

– Điêu… Đần như anh cho thiên hạ nhờ.

Nói chuyện với Khánh Hòa thật dễ sợ. Khó mà bịa đặt, giấu giếm được điều gì trước những câu hỏi bất chợt, những nhận xét tinh tường của cô ấy. Nhưng Lãm vẫn thích được nói chuyện, ít nhất là mỗi ngày một lần. Hình như Khánh Hòa cũng vậy.

Rồi có lần Khánh Hòa lại chạy hàng vào trong Huế. Những chuyến vào Huế thường mất hai ngày, có khi chậm đến ba ngày. Những ngày đó Lãm thấy căn nhà trống tráng hẳn. Có chuyện gì thế nhỉ? Nhớ ư? Lãm giật mình như giẫm phải hòn than nóng. Buổi chiều Lãm ra bến xe đứng đợi. Anh làm việc đó theo lời cậy nhờ của ông Phú hoặc bà Phú. Nhưng anh thường ra sớm hơn thời điểm bình thường của chuyến xe chót chạy từ Huế ra. Đợi và buồn. Chẳng rõ vì đâu nữa.

Nhiều lần thành lệ quen. Khánh Hòa nhảy xuống xe là đảo mắt một lượt rồi reo to: "Anh Lãm! Nhanh lên!". Họ xúm lại khiêng những bao tải sắt cho vào gióng. Lãm rán sức gánh lên. Khánh Hòa đi trước thỉnh thoảng ngoảnh lại, mồm liến thoắng bao nhiêu chuyện. "Hôm qua tụi cảnh sát với biệt động nện nhau chí chết ở bến Đông Ba..", "ui cha, bữa ni có một anh bán thuốc võ giỏi dễ sợ. Anh ta tự đâm vào ngực mình một thanh gươm dài thế này này…" Khánh Hòa dang tay ra để ước lượng chiều dài của thanh gươm. Tay cô vương qua mặt Lãm.

Những buổi tối có hàng về, cả nhà vui hẳn lên. Khánh Hòa bô bô kể chuyện một lúc rồi lăn ra ngủ. Ông Phú đổ các bì sắt ra lựa thành từng loại. Còn Lãm không sao ngủ sớm được. Anh đút tay vào túi quần tha thẩn đi ra đường, mồm se sẽ huýt sáo. Rồi có khi cao hứng anh hát:

"Có con chim cúc cu, kìa nó hát lên một câu rằng, có một nàng lạc trong rừng…".

Lâu lắm, anh như quên bẵng giọng hát của chính mình.