Truyện: Người không mang họ- Chương 2, phần 4( hết chương 2)

4
 Cuộc sống tự nó có những quy luật thật nghiệt ngã.
Trong những ngày tháng Lãm sống một cách êm đềm dưới mái nhà lợp nứa của Trương Phú với những sáng quai búa, nện đe, những chiều ra bến xe đón đứa em gái, những tối đút tay túi quần huýt sáo tha thẩn, thì những cái "ổ gà" vẫn chập chờn đầu đó trước măt, xung quanh mà anh không hay biết. 

Có những cặp mắt găm thẳng vào anh những lúc Lãm bồn chồn đợi chuyến xe chót từ Huế ra, có cái nghiến răng đầy ghen tị khi Lãm lao đến theo tiếng kêu mừng rỡ của Khánh Hòa… Anh chẳng biết gì cả, và cuộc sống cứ vậy êm trôi.
Một buổi tối quen với thú vui riêng của mình, Lãm lại cho tay vào hai túi quần lững thững đi ra hướng chợ. Chẳng hiểu vì sao anh lại ra hướng ấy. Thực ra với Lãm, đi hướng ấy hay hướng nào chẳng có gì quan trọng cả, miễn là được đi một mình, huýt sáo một mình và nếu cần thì hát. Nhưng với một số người nào đó thì việc Lãm lững thững ra phiá cổng chợ có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Bởi đó là cái bẫy đã giăng sẵn. Một tiếng huýt sáo vang lên. Hàng chục bóng đen ập ra cùng một lúc. Lãm giật bắt người rút tay ra khỏi túi quần. "Hực!", "Thụp". Những cú đấm như mưa. Lãm cúi sát người xuống đất. Có hai đứa mất đà bổ chồm lên nhau. "Đ.mạ", tiếng chửi tục bật ra. Lãm đột ngột đứng dậy. Đầu anh thúc mạnh vào ngực một thằng đang trên đà bổ sấp xuống anh. Lưng Lãm cũng hắt mạnh vào bụng tên đó. Có tiếng kêu oai oái. Lãm quờ tay lên túm được cổ áo hắn và nhanh như quài búa anh vung mạnh người. Một khối thịt rơi sầm xuống bên cạnh. Mấy đứa vùng chạy. Nhiều bóng đen loáng nhoáng. Một hòn đá xán bộp vào mạng sườn anh. 
Đau như gãy xương. Lãm quặn người lại. Nhưng đám kia bỏ chạy tan tác. Trong sự lộn xộn nháo nhác đó, bất chợt Lãm nhận ra một dáng người to mập. Cái quần chật bó sát đùi một cách quá đáng. Mái tóc ngắn cũn cỡn. Anh kinh ngạc đến mức suýt kêu thành tiếng: Kim Chi!
 
Lãm có một quyết định khiến cả gia đình Trương Phú đều ngạc nhiên. Anh xin nghỉ việc và gấp rút vào Huế, nói là thăm một ông bác ruột bị ốm nặng. Dĩ nhiên không ai nỡ cản ngăn anh. Cả nhà chỉ khuyên một câu, vào trong đó ít hôm, nếu tình hình không có gì buộc chân anh lại thì nên quay về với gia đình, Lãm "dạ" một cách dè dặt.
 
Trong gia đình Trương Phú, trừ cậu con trai còn ít tuổi đang buồn xỉu vì từ nay phải quai búa nặng, mỗi người dự đoán việc ra đi của Lãm theo một cách. Bà mẹ thì tin vào điều Lãm nói. "Anh ấy là người có hiếu có nghĩa, chẳng vô tâm vô tính như đám thanh niên ở đây đâu". Trương Phú không tin lắm. Ông cố nghĩ và soát xét lại mọi sự cư xử của mình xem có điều chi không phải với Lãm?
 
Riêng Khánh Hòa thì nghĩ xa hơn. Cô nhận thấy có một điều gì đó rất không bình thường đã xảy ra với Lãm. Ngay từ lần gặp đầu tiên, và nhất là những ngày Lãm sống với gia đình, Khánh Hòa đã phát hiện thấy người thanh niên này rất khác thường và đấy bí ẩn. Anh ta không lẫn được vào đám con trai bụi đời ngổ ngáo ở thị xã này. Hình như lúc nào ở anh ta cũng tồn tại hai cuộc sống. Một cuộc sống lam lũ lao động, chan hòa với gia đình, một cuộc sống thầm kín bền bỉ của riêng anh mà khó ai có thể động tới được. Vậy anh ta là ai? Hay là…
 
Những dự đoán có tính nghề nghiệp xuất hiện trong tư duy của cô gái biệt động nằm vùng. Cô giấu kỹ ý nghĩ ấy cũng như giấu kín hành vi của mình. 
Ở thị xã Đông Hà, mối dây liên lạc giữa rừng với quần chúng cách mạng còn rất mỏng manh. Lực lượng cảnh sát ở đây khá dày đặc. Tuy vậy trong vòng mấy năm lại đây, chưa có một cơ sở nào bị vỡ. Cảnh sát có vẻ như mù tịt các đầu mối. Để gỡ lại uy tín với cấp trên, Quận cảnh sát thường làm nhặng lên những cú truy nã các đảng cướp. Hầu như ngày nào cũng có tờ trình về các ổ cướp bị triệt thoái. Cũng chẳng cần cấp trên khen, miễn sao đừng để nhắc nhở đến một mắt xích nào đó trong màng lưới tình báo của Việt cộng.
 
Một tuần trôi qua. Lãm không quay trở lại. Người lo lắng nhiều nhất là Khánh Hòa.
 
Nếu anh ta là một đầu mối của rừng, thì việc anh tìm cách lọt vào nhà mình là một dụng ý. Vậy tại sao anh không bắt liên lạc mà lại đột ngột bỏ đi? Còn nếu là mật vụ thì sao? Thì nghĩa là đã phát giác ra mình và khẩn trương hành động. Trong cả hai trường hợp Khánh Hòa đều thấy nguy hiểm. Ở giả thiết thứ nhất, việc Lãm bỏ đi đột ngột chứng tỏ anh đã bị lộ. Sớm muộn cảnh sát cũng sục tới đây. Còn nếu anh ta là mật vụ thì việc mình bị bắt là chắc chắn…
 
Khánh Hòa bồn chồn không yên. Mờ sáng, cô ôm mấy chiếc bì tải rách, xách đôi gióng sắt ra bến xe. Khánh Hòa nhảy chuyến xe nhất. Vào đến Huế đã gần trưa. Cô mang gióng vào nhà một cô bạn quen gửi lại, thay áo quần rồi xách chiếc làn nhựa lững thững đi dọc phố… 
 
Khánh Hòa bỏ ra hai ngày tìm khắp nội, ngoại thành mà vẫn không phát hiện ra dấu vết của Lãm. Cô đành mua ít sắt rồi quay trở ra Đông Hà.
 
Lại thêm một tuần nữa chờ đợi. Rồi gần một tháng trôi qua. Không có dấu hiệu gì của một cuộc lùng bắt. Khánh Hòa đã cảm thấy hơi yên tâm. Thế rồi, thay vào nỗi thấp thỏm lo sợ là một nỗi nhớ bần thần khó tả. Khánh Hòa trông ngóng anh, cô cũng trông cho đống sắt vụn trong lò chóng vơi để được xách chiếc bì vào Huế.
 
Đây là lần đầu tiên gánh xiếc "Sơn Nam mãi võ" ghé chân đến thị xã Đông Hà. Tiếng đồn và uy danh của Sơn Nam từ lâu đã làm náo nức cánh bụi đời ở đây. Cũng đã có một vài "hảo hán" đứng đầu những toán trấn lột xưng "Nam Sơn mải võ". Dĩ nhiên người Đông Hà chẳng ai tin chuyện đó. Họ thừa biết cái tụi trẻ con sống vô gia cư chết vô địa táng kia. Còn Sơn Nam thứ thiệt vẫn "đóng đô" ở Đà Nẵng, thỉnh thoảng mới ra Huế. Nghe đồn Sơn Nam là con của bà vợ thứ của một võ sư người Tàu tít bên Quảng Đông. Ông võ sư có hai người vợ và cả hai bà vợ ấy đều thuộc loại yêu tinh quỷ quái cả. Nghĩa là hai người đều giỏi võ, và những cuộc cãi vã bình thường của hai bà thường diễn ra thành những trận huyết chiến đẫm máu. Thế rồi bà hai bỏ quê ra đi, xuôi đường về Nam vào tận Sài Gòn. Sơn Nam là con út của bà, nhưng võ nghệ lại đứng bậc nhất. Hắn thường đứng trụ cột như cột bê tông trên võ đài trong những lần đấu giải. Hắn sống nhờ vinh quang của chính hắn và cũng có phảng phất chút dư vị tên tuổi của ông bố bên Quảng Đông. Nhưng anh hùng thiên hạ mấy ai mà giữ mãi được địa vị "đệ nhất vô song". Cách đây bốn năm Sơn Nam bị hất khỏi võ đài bởi một con gà chọi ít tuổi, bé người và nhẹ cân hơn hắn. Nhục nhã và buồn tủi, Sơn Nam từ giã võ đài hành hương bán thuốc. Cam tâm trao lại Sài Gòn tráng lệ cho kẻ khác, Sơn Nam lang thang ra Đà Nẵng, Ở đây, trong cái chốn bụi bậm này, hắn tìm lại được chút ít niềm vui "anh hùng nhất khoảnh". Sơn Nam trở nên thần tượng của  đám bụi đời…

 

 
Quả thực "danh bất bư truyền". Những buổi biểu diễn của Sơn Nam mãi võ đã làm náo động đất Đông Hà. Cái thị xã này vốn chỉ biết chúi đầu làm ăn hùng hục, chưa hề biết đam mê một thứ gì ngoài tiền lãi, bỗng nhảy lồng lên như có động đất,
núi lở. Ở đâu cũng túm tụm kháo nhau chuyện cãi nhau, thách đố nhau về những trò Sơn Nam đã biểu diễn. Đâm một lưỡi gươm thẳng vào cuống họng, đập một thanh díp xe ô tô ngang sườn đến mức cả thanh thép ấy quằn cong lại, chồng mười viên gạch lên rồi dùng bàn tay chém xuống, cả mười viên đều gãy đôi. Vân vân và vân vân. Những kẻ u mê không có sợi kiến thức nào về võ nghệ thì cãi chày cãi cối rằng đó chỉ là những trò ảo thuật. Nhưng cánh "ăn chơi" tỏ vẻ am tường võ
nghệ lại không chịu. Họ gân cổ lên cãi, có người còn quả quyết rằng đời ông nội mình, hoặc ông khai khẩn ra làng mình cũng đã từng đập một cái xà beng vào mạng sườn và cái xà beng ấy cong quặp lại như sợi dây thừng! Sơn Nam trở nên chói lọi giữa thị xã cát bụi. Bất kỳ già, trẻ lớn bé đều ngước mắt lên nhìn như bị thôi miên. Bởi thế nên cả thị xã không ai còn mắt mà để ý đến đám đệ tử, phụ việc đi theo Sơn Nam. Để ý đến bọn ấy làm gì. Chỉ có Sơn Nam thôi. Đệ nhất anh hùng.