Truyện: Người không mang họ- Chương 8, phần 2( Hết truyện)

 
Tin tức về toán cướp trấn lột đoàn xe quá cảnh trên thị trấn Lạt được báo cáo tường tận về Công an tỉnh. Thượng úy Lê Hoài nam lập tức đi suốt đêm lên nghiên cứu hiện trường. 


Hai lái xe bị đánh trọng thương được đưa vào cấp cứu trong bệnh viện Lạt. Chưa lấy được lời khai của hai người, nhưng chỉ mới xem qua hai vết thương ở mạng sườn, Hòai Nam dã nhận ra ngay miếng đánh hiểm. Anh lẩm bẩm một mình: "Đúng con  quỷ ấy rồi!".
Lê Hoài Nam trao đổi với đội hình sự thị trấn đề nghị một mặt phong tỏa địa bàn, một mặt chờ cho hai nạn nhân tỉnh táo phải lấy ngay lời khai báo cáo về Tỉnh. Sau đó Hoài Nam lập tức trở về.
Sau đấy một tuần, trinh sát hình sự huyện Diễn Châu gửi một báo cáo về Công an tỉnh cho biết có dấu hiệu bọn cướp trinh sát Tổng kho thương nghiệp. Lê Hoài Nam lại lặn lội ra Diễn Châu. Sau khi tổng hợp mọi tình hình, phòng hình sự Công an tỉnh đi đến kết luận, tên "Đệ nhị mãi võ" đã trở lại hoạt động và có ý đồ đột kích lớn vào Tổng kho Diễn Châu.
Thiếu tá trưởng phòng hình sự nhìn Lê Hoài Nam như tìm một sự đồng tình, sau đó anh lướt mắt nhìn lại các cán bộ khác:
– Có một điều làm chúng ta lưu ý. Tại sao tên "Đệ nhị" vẫn lọt qua một cuộc săn đuổi ráo riết, lại vừa bị lộ mặt trong vụ cướp hụt đoàn xe quá cảnh, thế mà bọn chúng lại không chọn phương thức ẩn dật, phân tán nhỏ lẻ, lại định tổ chức một cú cướp lớn?
Hoài Nam đứng ngay dậy:
– Báo cáo thủ trưởng, theo tôi trước hết đây là một đòn phục hồi uy tín để nhằm tập hợp lực lượng. Tuy vậy cũng cần tính đến khả năng bọn này có ý định chuồn xa.
– Đúng. – Thiếu tá trưởng phòng buôn nắm đấm xuống bàn – Bọn chúng sẽ chuồn xa. Vì vậy trận đánh này không cho phép chúng ta mắc lại sai lầm cũ. Bởi vì thời gian sẽ không còn chờ đợi chúng ta sửa chữa khuyết điểm đâu.
Một kế hoạch tác chiến được thông qua. Toàn bộ lực lượng chuyên án tập trung về Diễn Châu. Đội hình sự công an huyện được triệu tập về nhận nhiệm vụ. Một trung đội bộ đội của Ban chỉ huy quân sự huyện và hai trung đội dân quân được điều động phối hợp chiến đấu.
Bấy giờ là những ngày đầu mùa đông. Cơn rét đầu tiên mang theo màn mưa dầm dề mờ mịt. Đường đất trong thị trấn nhão nhoẹt bùn lầy. Đèn điện lờ mờ trong mưa, lay lắt khi tắt khi đỏ. Cơn rét kéo dài. Lực lượng phục kích cũng đẫm mình trong mưa, cơ hàm cứng lại vì rét, áo quần cũng nước, da trắng bợt. Đã bốn đêm trôi qua. Một số chiến sĩ bị cảm lạnh. Nhưng khôn ai chịu lui về nghỉ. Thời gian đã trở thành một canh bạc, hoặc là được cả, hoặc là mất trắng. Thời gian vẫn kéo lê thê như một trò đùa ác nghiệp.
Đêm thứ năm. Khoảng hai giờ sáng. Thoạt đầu có một bóng đen xuất hiện ở hồi bên trái ngôi nhà lớn. Bóng đen ngồi sát xuống đất nhìn đảo một vòng, sau đó hắn vòng ra hè phía sau. Lặng im đè nặng lên khu kho. Tiếng mưa rơi nghe to như gõ mõ. Gần mười phút trôi qua. Bỗng có tiếng cú kêu. Lê Hoài Nam nhỏm cả người khỏi bờ mương để quan sát. Từ phía toa tàu hỏng lăn nghiêng bên đường sắt, năm bóng đen lao vào.Trong lúc đó tổ công an phía đông cũng nhìn rõ năm bóng đen khác vượt đường quốc lộ I tiến sang. Không cần đợi chúng phá kho, Lê Hoài Nam nổ súng lệnh.
Từ bốn phía công an, bộ đội, dân quân ập vào. Bọn cướp nổ súng trước. Chúng có ba khẩu súng. Hỏa lực như vậy là không đáng kể. Nhưng vấn đề đặt ra là phải cố gắng bắt sống. Mệnh lệnh đó đã được các lực lượng quán triệt từ trước. Bất chấp những luồng đạn bắn ra loạn xạ, vòng vây vẫn ào ào khép lại. Tiếng loa vang lên rành rọt:
"Các anh đã bị vây chặt. Công an và bộ đội có thừa sức bắn gục tất cả trong giây lát. Nhưng chúng tôi không bắn. Chúng tôi hy vọng các anh tự đầu hàng. Đừng nghe lời xúi giục của tên Đệ nhị mãi võ".
"Nguyễn Viết Lãm hãy nghe đây! Dù mày có trốn tránh vào tận hang cùng ngõ hẻm, dù mày có đội lốt hàng trăm tên họ khác nhau cũng không thể nào lẩn tránh được tội ác của mày. Ngày phán xử đã đến. Đừng điên cuồng vô ích. Hãy đầu hàng đi!".
Lê Hoài Nam lao lên đến thềm nhà kho. Một phát đạn xoẹt qua trán anh. Hoài Nam ép nhanh người vào bờ tường, bắn chỉ thiên một phát. Từ trong góc tối một bóng đen lao ra như tên bắn. Hoài Nam phóng vèo một quả đấm. Tên cướp rạp người xuống tránh được quả đấm rồi bay vụt ra ngoài. Hoài Nam xoay người lại định đuổi theo. Ngay tức khắc, một quả đấm từ phía sau phóng tới nghe xoẹt một tiếng. Hoài Nam ngồi thụp xuống.
Quả đấm trượt và tên cướp  bổ sấp lên lưng Nam. Được thế Nam bật người lên, dùng lưng và mông đánh hất một phát.Nhưng tên cướp trên lưng vào loại cao thủ, hắn đã lộn người qua lưng Nam nhào xa ra phía trước. Hoài Nam chồm tới. Bóng đen kia bật dậy chạy. Ra tới chỗ sáng, Hoài nam nhìn rõ cả hai tên phía trước. Đấy chính là "Đệ nhị mãi võ" và Kim Chi. Anh hét to:
– Trương Sỏi, Kim Chi đứng lại!
Trả lời anh là một chớp lửa lóa ra trước mặt. Viên đạn xoẹt qua mang tai. Hoài Nam điên tiết đưa súng lên ngang tầm, bóp cò. Tiếng nổ xé toạc màn đêm. Con đàn bà bổ sấp xuống. Nam cùng với một chiến sĩ công an nữa lao đến. Kim Chi quằn quại một tí rồi bất động.
Lạng đứng sững người. Hai tay hắn vẫn nắm chặt hai khẩu súng. Nhưng tất cả nhuệ khí của hắn đã cạn sạch. Lạng đứng đờ ra bên cạnh xác Kim Chi. Thêm hai chiến sĩ công an nữa lao đến. Chiếc khóa số tám đóng sập lại. Mưa vẫn mịt mờ đan dày trước mặt Lạng.
Trong thời gian tên Lạng và đồng bọn còn bị tạm giam để lập hồ sơ thì một hôm Khánh Hòa trở ra Vinh cùng với một cán bộ quân đội mang quân hàm đại úy. Gặp lại Khánh Hòa, Lê Hoài Nam tỏ ra mừng rỡ thật sự. Anh reo lên:
– Bạn biết không, tên "Đệ nhị mãi võ" đã bị kẹp vào còng số tám rồi. Con quỷ ấy hết thời rồi.
Mắt Khánh Hòa sáng lên. Nhưng cô không nói gì, lẳng lặng ngoảnh lại phía người cán bộ quân đội:
– Anh Nam có cảm thấy quen đồng chí này không?
Hoài Nam ngơ ngác nhìn người khách. anh đưa tay ra bắt trong sự bỡ ngỡ có phần ngượng ngùng:
– Xin lỗi… có thể tôi quên chăng…
Người cán bộ quân đội mỉm cười:
– Đồng chí cố nhớ thử xem?
Lê Hòai Nam cau mày… ừ đúng, người này có vẻ cũng quen quen thực. Gặp ở đâu nhỉ? Ồ mà quen thật, quen ghê quá… Nam càng nhìn càng thấy quen. Chợt anh sững ra…
Phải rồi! Sao lại thế này? Người đại úy trước mặt có dáng người thâm thấp, quai hàm bạnh to, cặp môi dày… Rõ ràng anh có nét rất giống tên cướp "Đệ nhị mãi võ". Nam định hỏi nhưng vội kìm lại.
Khánh Hòa chủ động ngồi xuống ghế:
– Chắc anh Nam đã đoán ra phải không? Đây là đồng chí Ngô Sĩ Hợp quê ở Vĩnh Linh. Cách đây một tuần, anh Hợp ở biên giới Tây – Nam về phép đã ghé vào chơi Đông Hà, tới chỗ chúng tôi nhờ tìm kiếm một người thân… Qua lời kể của anh Hợp chúng tôi đoán người đó chính là Nguyễn Viết Lãm. Nhưng theo anh Hợp thì người cần tìm tên là Lạng.
Nam kêu to lên:
– Trước lúc bị bắt, tên "Đệ nhị" đã ở trong một gia đình trên thị trấn Lạt và mang tên là Hoàng Lạng…
Đến lượt người đại úy quân đội kêu lên:
– Thế thì đúng rồi. Hắn họ Hoàng – giọng anh nhỏ hẳn lại – Thực ra hắn cũng không phải họ Hoàng. Hắn cùng dòng máu với tôi. Giá như trước đây gia đình Hoàng Ất không vì cái sĩ diện cường hào và giáo lý ích kỷ của phong kiến thì Lạng đã mang họ Ngô Sĩ như tôi rồi…
Ngô Sĩ Hợp đã kể lại vắn tắt lai lịch của Lạng. Lê Hòai Nam nghe rất chăm chú. Cuối cùng đại úy Hợp kết luận:
– Có lẽ tất cả những điều tôi kể chẳng liên quan gì đến vụ án của các anh. Kể cả sự có mặt của tôi cũng vậy. Nhưng không hiểu sao, khi nghe chị Khánh Hòa kể về vụ án tôi bỗng thấy nôn nao gan ruột muốn ra ngay đây. Chẳng biết có ích gì cho các đồng chí không?
Lê Hoài Nam vươn cao người dậy:
– Có chứ, rất cần. Như vậy tên Lạng không những can tội hình sự mà còn cả tội phản bội Tổ quốc, phản lại cả họ hàng mình nữa. Nhưng vấn đề quan trọng ở chỗ là, với sự bộc lộ toàn bộ quá khứ, hắn sẽ hết sạch những khoảng tối ẩn nấp. Con người ta, hễ còn một khoảng tối nào là có thể lẩn tránh vào đó. Mục đích của việc lập các hồ sơ là chỗ đó.
Hoài Nam dừng lại một tí rồi ngước nhìn người đại úy quân đội với vẻ mặt tư lự:
– Tuy vậy… câu chuyện của đồng chí làm tôi buồn quá. Chẳng hiểu vì sao nữa. Nhưng mà buồn, thực thế! Bởi vì trước khi làm con quỷ hoành hành trong bóng tối, Nguyễn Viết Lãm đã có một quãng làm Người. Đáng tiếc biết bao!
 
THAY CHO CHƯƠNG KẾT
Toàn bộ những gì tôi vừa kể ở trên là tổng hợp từ trên hai chục bản lấy cung của vụ án tên "Đệ nhị mãi võ". Có một phần câu chuyện lại do chính Trung úy Khánh Hòa kể lại.
Tôi gặp Khánh Hòa lần cuối cùng bên ngôi mộ của tên tướng cướp. Thú thực, tôi tới chỗ này không có mục đích gì khác ngoài tính tò mò. Còn Khánh Hòa đến làm gì thì tôi không rõ và cũng không tiện hỏi.
Lúc đó khoảng năm giờ chiều. Nắng đã rất nhạt và gió cũng khẽ khàng. Trước khu nghĩa địa này là một con sông lớn, nước vẫn chảy vô hồi như dòng thời gian của tạo hóa. Nghĩa là nắm đất kia đã nằm hài hòa trong thiên nhiên như vốn nó vẫn thế, nghĩa là không có gì thật đặc biệt, thật ghê gớm cả. Chẳng ai có ý nghĩ gì khác khi đi qua chỗ này.
Khánh Hòa đứng cạnh ngôi mộ, nhưng quay lưng lại với nắm đất, quay mặt ra hướng con sông lớn. Cô có vẻ như đi ngắm cảnh. Tuy vậy tôi vẫn bước lại gần cô một cách dè dặt.
Chúng tôi chào nhau bằng những cái gật đầu thông cảm. Rồi như đã chuẩn bị sẵn, người nữ trinh sát ấy nói bằng một giọng em ái, tư lự:
– Tôi đã được học ngành trinh sát hình sự. Cứ tưởng đấy chỉ là công việc thăm dò các sự kiện. Bây giờ tôi mới nhận ra, việc của chúng tôi còn phải thăm dò những cuộc đời… Hình như nhà văn các anh cũng làm việc đó, phải không?
Khánh Hòa quay lại nhìn tôi mỉm cười:
– Anh biết không, mỗi khi giải đáp ra một sự kiện nào đó dù éo le gay cấn đến mấy chúng tôi cũng không hề tỏ ra kinh ngạc. Thế mà khi khám phá ra dù chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng lại là sự oái oăm trong một con người thì thú thực tôi vô cùng ngỡ ngàng. Có khi còn ngơ ngác nữa. Ví dụ như vụ án tên "Đệ nhị" này chẳng hạn, anh có biết tôi sửng sốt đến mức nào không?
Tôi ý tứ hỏi lại:
– Chị sửng sốt về điều gì?
Khánh Hòa khẽ cúi đầu xuống im lặng một lúc rồi gần như thì thầm:
– Điều ấy chính anh Lê Hòai Nam đã có nói một lần rồi. Tôi cũng buồn như anh ấy.
Tôi lơ mơ cảm nhận chút tâm trạng phụ nữ của Khánh Hòa. Tôi định hỏi thêm một câu, nhưng cô gái đã quay hẳn người lại, một tay vén cao mái tóc, giọng nói cứng rắn hơn.
– Thế là chấm dứt cuộc đời một con quỷ. Nó nằm đó… Thực là khủng khiếp! Tuy vậy, như anh Nam nói trước lúc làm quỷ hắn đã có một thời gian làm người. Và bây giờ… hắn lại trở về với đất đai… Thôi, thế cũng gọi là ổn phải không anh?
Chúng tôi cùng bước sóng đôi ra đường cái. Gió từ mặt sông tràn lên ngọt ngào. Những chuyến ô tô nối nhau qua phà náo nức. Thành phố lên đèn. Màu sáng bình yên và hăm hở. Chẳng ai đi qua mảnh đất này lại có thể có những ý nghĩ không yên lành.