Truyện: Người không mang họ- Chương 6, phần 1

CHƯƠNG 6
1

Thành phố Vinh, vốn là một thị xã khá duyên dáng ẩn mình bên bức tường thành Hồng Lĩnh nhấp nhô nhiều ngọn núi theo các dáng hình khác nhau, và con sông Lam xanh ngăn ngắt, có một lưu lượng nước khá lớn do hai nhánh sông hợp thành.

Thành phố Vinh đang độ trai trẻ từ thị xã vươn lên thành phố, cũng có một thời phồn hoa. Nhưng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ập đến. Tuổi trẻ của Vinh bước vào cuộc chiến như một sự tự ý thức về giá trị tồn tại của mình. Trong những năm tháng ấy, hầu như không còn vết tích thị thành trên mảnh đất này. Vinh – Bến Thủy trở thành trận địa. Người bám trụ ở đây chủ yếu là bộ đội tự vệ, giao thông, thanh niên xung phong. Khói đạn, máu đổ và tiếng hát… Vinh đã tồn tại như vậy trên bản đồ Việt Nam, chứ trên thực tế hầu như chỉ vài căn nhà gạch.

 

Bây giờ thì thành phố này đang bước qua một khúc ngoặt mới. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên. Những công trường lao động rầm rộ hiện ra đồng thời với chợ trời, những khách lang thang, cả đĩ điếm nữa cũng ùa về. Sự thay đổi này có thể tính được từ khi có những chuyến xe hàng từ trong các đô thị miền Nam chở ra với giá cả rẻ rúng đến mức không ai tưởng tượng nổi. Búp bê, mì chính, áo len, khăn voan… toàn những hàng sặc sỡ. Liền theo đó là tuyến xe từ biên giới Lào – Việt được khơi thông. Vinh lại trở thành một ngả ba cực kỳ nhộn nhịp của vùng đất Nghệ-Tĩnh. Ở đâu trên mặt đất có những ngả ba thì ở đó lập tức xuất hiện sự lựa chọn. Và thế là, trên trục đường chính nườm nượp người đi, không thể nào không có kẻ lại chọn cho mình lối rẽ ngang, rẽ ngửa. Buôn gian bán lận hình thành. Chợ trời đột xuất nhóm họp. Từ “ngã sáu” chạy lên bến xe vòng qua ga tàu, trở về “ngã tư”, xuôi lên cầu Đước, những lớp người sống theo kiểu “giật” hàng đầu này “buộc” lại đầu bên kia ngày mỗi nhiều ra. Tất cả tình trạng ấy đặt lên vai công an thành Vinh và công an tỉnh Nghệ Tĩnh một gánh nặng thường trực.

Những báo cáo đầu tiên của đội hình sự cho trưởng công an thành phố về tình hình bọn trấn lột xuất hiện trong địa bàn có thể tóm tắt như sau:

Hiện tại có một nhóm thanh niên hư hỏng đang làm nghề trộm cắp và cướp giật. Chúng nó có khoảng từ sáu đến mười đứa. Tên đầu đảng là một lưu manh chuyên nghiệp có biệt danh là Mèo trắng. Tên thật là Nguyễn Vu, trước đây sinh hoạt trong nhóm nhạc vàng ở Hải Phòng. Hắn đã trốn khỏi sự bủa vây của công an Hải Phòng – Hà Nội, vào đây lúc nào không rõ. Một tên khác cũng quan trọng là Tấn Xồm, quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, đã từng bị xử một năm tù vì tội ăn cắp xe đạp. Còn ba tên nữa là Mộc sún đã từng can tội hiếp dâm, Vượng răng vàng dân công giáo và Lãi xoăn bộ đội đào ngũ. Cả năm thằng này họp nhau thành hội, tự xưng là “ngũ hổ”, chỉ huy một nhóm đàn em cướp giật khắp các ngõ tối, nơi bến xe, trên các tuyến tàu hỏa.

Đội hình sự đã tiến hành phong tỏa địa bàn, bám sát các mục tiêu. Gần đây các hoạt động trộm cắp có thưa đi và ít gây tác hại. Rõ ràng bọn lưu manh đã bị đánh động và có chủ trương đề phòng.

Sau cuộc họp giao ban ở Ty công an về, trưởng công an Thành phố triệu tập đội hình sự họp. Một kế hoạch tác chiến mới được bàn bạc dân chủ và nhanh chóng triển khai.

Cơn mưa rào bất ngờ ập xuống xối xả làm cho hành khách trên sân ga cuống quýt chạy dạt ra bốn phía. Trẻ con chui xuống gầm những toa xe hỏng. Người lớn chen nhau trên hè nhà đợi, nhà kho, trước cửa hàng ăn uống. Giữa cảnh nhốn nháo ấy, có một thanh niên mặt trắng bủng như mắc bệnh nghiện đang cố len lỏi từ đám người này sang đám người khác. Đấy chính là Mèo trắng. Hắn đang đói. Gần một tuần nay không móc được đồng nào. Bè đảng giãn ra mỗi đứa một nơi tự kiếm lấy sống. Sự phong tỏa của công an rất có hiệu lực. Tình thế đang đặt đám lưu manh vào cảnh khốn cùng, tan rã.

Mèo trắng chen vào đám học sinh mới xuống tàu. Hai thanh niên đang cúi xuống mua thuốc lá. Xung quanh họ người đứng dày đặc. Một lưỡi dao bào lấp loáng trong kẽ tay Mèo trắng. Ai đó chen ở phía ngoài. Có sự xô đẩy giạt tới. Đấy là thời cơ thuận lợi nhất. Mèo trắng khẽ lay động cổ tay. Một nhát rạch ngọt xớt. Mèo trắng không dám cúi xuống. Hắn móc nhanh chiếc ví rồi lách chéo người sang một bên. Độ vài phút sau Mèo trắng đã chuyển vị trí về một thềm nhà khác cách chỗ cũ gần ba trăm mét. Hắn chen vào hàng thuốc là cúi xuống và điềm tĩnh đưa chiếc ví ra. Thật khốn nạn, trong ví chỉ còn đúng ba tờ giấy một đồng. Mèo trắng đứng dậy lách ra ngoài. Hắn buột mồm chửi đổng: “Đ.mẹ! Toàn lũ kiết xác cả!”.

Bỗng một bàn tay đặt nhẹ nhưng rất chắc lên vai Mèo trắng. Mèo trắng đứng nguyên tư thế. Kinh nghiệm nghề nghiệp dạy hắn không nên quay vội vã rất dễ bị một quả móc vào hàm dưới. Một giọng nói khàn khàn sát vào tai hắn:

– Chào người anh em… Răng mà ỉu xìu vậy?

Bây giờ Mèo trắng mới từ từ quay lại và bất thần trố mắt ra. Đứng trước hắn là một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi, khổ người nhỏ và thấp, chiếc áo sơ mi màu cứt ngựa lấm láp đất bụi. Suýt nữa Mèo trắng kêu to lên. Sự hiện diện của người này trùm lên ý nghĩ của Mèo trắng một nỗi kinh hoàng hơn cả bóng áo công an trên nhà ga.

– Ngạc nhiên hí? Hay quên nhau rồi?

– Trương Sỏi cất tiếng cười rất sởi lởi. Rồi hắn chủ động choàng cả cánh tay lên vai Mèo trắng. Hai đứa cứ vậy xép người đi dọc các hiên nhà tiến dần ra phía cổng ngoài. Rồi cả hai buông vai nắm tay nhau cùng chạy lên đường rải nhựa. Mưa đã thưa hạt. Người trong ga không ai để ý đến sự việc kể trên mà nếu có ai đó vô tình trông thấy thì cũng nghĩ rằng họ là đôi bạn cùng đi một chuyến tàu về ga.

Hai đứa chui vào quán cơm. Trương Sỏi gọi hai suất cơm, chả rán, giò nạc, tôm kho và hai chén rượu. Hắn chủ động cầm chén.

– Nào, xin mời. Có thể gọi nhau thế nào nhỉ?

Mèo trắng vẫn không trả lời. Đầu óc hắn hoang mang cực độ. Hắn biết chắc chắn kẻ ngồi trước mặt không phải là Mo (*), bởi nếu là Mo thì hôm chạm trán ở Đông Hà cả bọn Mèo trắng bị tóm cổ rồi. Vậy thằng này là ai? Hắn là một tay anh chị? Nó đã trắng trợn trấn lột lại bọn Mèo trắng giữa đất Đông Hà. Cái hận ấy muôn đời không rửa được. Hôm ấy cả bọn định săn thằng này đánh phục thù, nhưng tính đi tính lại chúng tự thấy khó làm gì được. Thằng ấy võ nghệ cao cường quá. Mà lại ở giữa đất của nó thì tay chân của nó có thể rất đông. Đụng vào biết đâu lại mua phải cái chết, thế là cả bọn giã từ Đông Hà trở ra Vinh.

Bây giờ tự nhiên thằng cha này lại xuất hiện ở đây, mà có vẻ săn đuổi từng dấu vết của bọn Mèo trắng. Bất ổn rồi. Phải tìm kế khử ngay!

Mặc dầu đầu óc ngổn ngang rất nhiều tính toán, nhưng Mèo trắng vẫn không ngừng nhai bởi suốt ngày hôm nay hắn chưa có gì lót bụng. Chén rượu làm người hắn bừng bừng khí phách. Mèo trắng găm một cái nhìn vào mặt Trương Sỏi.

– Chỗ này bọn mình là chủ, người anh em là khách, ai lại bắt chủ giới thiệu trước, nghe không lọt.

Giọng miền Bắc pha đôi từ bụi đời miền trong nghe rất bùi tai. Trương sỏi cười lục khục trong cổ.

– Tứ hải giai huynh đệ, người anh em không nghe nói vậy sao? Đời bọn mình thì tối đâu là nhà, ngả lưng đâu là giường, làm chi có chuyện khách chủ…

Mèo trắng trợn mắt lên:

– Người anh em nói vậy, sao hôm nọ đang tâm hớt miếng ăn của anh em?

– À, tại vì đằng ấy keo kiệt quá. Mà tớ thì đang đói. Nếu người anh em biết được hôm đó tớ đói khát đến mức nào… Giang hồ có lúc lỡ vận. Thế nên phải mượn tạm một ít. Đây, tớ xin trả lại đằng ấy.

Vừa nói Trương Sỏi vừa kéo chiếc ghế xích lại gần Mèo trắng. Hắn móc một nắm tiền nhét qua đùi Mèo trắng. Mèo trắng chìa tay chộp lấy vội vã như sợ đối phương giật lại. Hắn nuốt ực cục cơm xuống cổ rồi cất giọng run run:

– Được… Đằng ấy chơi đúng luật… chừ thì giới thiệu đi…

Trương Sỏi nhấp thêm ngụm rượu nữa. Hắn đã đủ thì giờ để tính toán… Cần nhất lúc này là có chỗ để nương thân.

– Tớ cũng sống như đằng ấy. Nhưng hiện nay thất thế, chiến hữu tan tác cả. Tớ tìm ra đây xin nương náu anh em một thời gian không biết có được không?

– Quý danh là gì?

– Tớ họ Thái tên là Lưỡng…

– Không có bí danh à?

– Có. Thái đen.

Mèo trắng lim dim mắt ngẫm nghĩ. Một lát hắn đứng dậy, bằng một giọng rất trịnh thượng, nói sát vào tai Trương Sỏi:

– Ta sẽ bàn bạc với bọn chúng nó. Đêm hôm nay mày hãy đến chỗ cây bông gạo sát cầu Đước. Còn suốt ngày nay cấm không được bám theo tao. Nhập gia tùy tục, nhớ đấy!

– Nhớ.

Có trời mà hiểu vì sao Sỏi đã không tự tử trên đường ray. Lý do đầu tiên có lẽ vì con tàu đêm đó! Một đêm kỳ lạ. Con tàu cứ băng băng xuyên dọc những dãy đồi bạt ngàn. Gió phóng khoáng lùa tràn lan vào khắp các cửa, Trương sỏi lúc ấy lại quá mệt mỏi, thần kinh như chùng hẳn xuống sau những ngày dằn vặt, tuyệt vọng. Hắn đi tìm cái chết nhưng lại không vội vã. Việc gì mà vội. Càng đi xa càng thích. Thế nên Sỏi ngả người ra thành ghế, nhắm mắt lại cứ mặc kệ con tàu băng băng xé gió. Thế rồi hắn bỗng cảm thấy con tàu không phải chạy trên đường ray mà lại lướt gió bay lên không trung bập bềnh theo mây khói. Thế càng thích. Con tàu vẫn bồng bềnh trôi trong mung lung sâu thăm thẳm. Đột ngột có sức nóng xối vào gáy Sỏi. Nó mở choàng mắt dậy. Ánh nắng tràn ngập toa tàu. Bây giờ thì Sỏi đã tỉnh hẳn. Thế là qua mất một đêm rồi. Hắn đã ngủ quá say cho nên bỏ qua những cơ hội có thể tự tử được.

Để có thể tạm thời sống qua ngày hôm đó, Trương Sỏi đã bắt buộc cắt túi một bà nhà quê lúc chen xuống tàu. Món tiền thu được quá lớn, tám trăm đồng. Sỏi xuống ga và chen chân vào trong đám hành khách lố nhố. Ở đó, bằng con mắt lõi đời, hắn đã nhận ra bọn cướp Mèo trắng.

Bây giờ thì hắn chờ đợi một cuộc chạm trán mới.

Khoảng tám giờ tối Trương sỏi lần ra hướng cầu Đước. Từ xa hắn đã nhận ra cây bông gạo. Chỗ đó rất tối. Cây bông gạo đứng sát lề đường nhựa. Phía dưới sâu, gần sát mép nước có một ngôi nhà lá. Có thể chỗ đó là hang ổ của bọn cướp. Trương Sỏi tính toán một chút rồi rẽ ngoắt vào một quán nước chè cách cây bông chừng năm mươi thước. Hắn gọi một chén rượu và một túi lạc rang. Hắn nhai lạc chậm rãi như cố tình kéo dài thời gian. Mắt Trương Sỏi không hề rời khoảng tối dưới gốc cây bông.

Hắn ngồi như vậy khá lâu. Khoảng tối dưới gốc cây bông gạo vẫn im lìm. Thỉnh thoảng những chiếc ô tô lướt qua quét đèn pha sáng rực cả khu vực đầu cầu giúp Sỏi nhận rõ dáng hình căn nhà lụp xụp phía dưới bờ sông. Không hề thấy bóng dáng một đứa nào lai vãng. Sỏi chợt nảy ra ý định tập kích bí mật vào căn nhà kia xem thử có bọn ấy không, và nếu có thì thử coi chúng nó đang tính toán điều gì.

Sỏi lấy tiền trả cho cô bán quán. Đang hí húi cho tiền vào túi thì bất ngờ có bàn tay ai đó đặt lên vai. Linh tính báo cho Sỏi biết bọn địch thủ đang ở sát mình. Hắn tự nhủ, kể ra bọn này cũng ghê gớm, không coi thường được.

Sỏi vẫn vờ như không để ý. Hắn trả tiền, đếm cẩn thận từng đồng phụ. Rồi không thèm quay lại nhìn kẻ ở sau lưng mình, Sỏi cúi đầu bước ra khỏi quán. Có hai người choàng tay lên vai Sỏi đi sát hai bên. Sỏi định bước lại chỗ cây bông nhưng thằng đi cạnh đã dí sát vào tai hắn ra lệnh: “Lại đằng này”.

Sỏi không ngờ bọn chúng thủ đoạn với mình cả đến địa điểm gặp. Cả ba đứa lụi cụi đi ngược về hướng thành phố, đến chỗ ngả ba thì rẽ trái. Sỏi bị ép bước xuống một tấm ruộng khô, đạp tắt bờ cỏ rồi chui xuống một mảnh vườn rậm. Đi sâu thêm đoạn nữa thì gặp một mái nhà lợp nứa. Cả ba tên không vào lối cửa mà vòng ra phía sau hè nhà. Ở đó có lối đi dẫn vào nhà bếp. Sỏi bước vào và nhận ra ba đứa ngồi sẵn bên ngọn đèn dầu lờ mờ. Không có tiếng chào nhau. Hai đứa kèm Sỏi ngồi xuống. Ngọn đèn được vặn bấc thêm một chút. Trong màu sáng vàng đục sỏi nhận ra hai bộ mặt quen thuộc, tên mặt trắng và tên râu quai nón. Còn ba đứa nữa đều coi bộ hung dữ. Chúng nhìn Sỏi chằm chằm. Trong lần chạm nhau ở Đông Hà không có ba đứa ấy.

Một không gian im lặng đến gai người. Trương Sỏi tự chửi thầm trong bụng “Đ.mạ chúng mày sức mấy mà ra oai làm bộ!”. Nhưng hắn không nói ra, không hề tỏ thái độ gì cả. Sỏi lôi từ trong túi áo ra một gói thuốc “Du lich” đặt ra giữa chiếu, giọng dịu dàng:

– Chẳng có chi làm quà cả. Mời anh em điếu thuốc…

– Sỏi tự tay bóc thuốc xỉa ra mời từng đứa. Tên mặt trăng quờ tay phía sau lôi ra một chai rượu trắng. Tên râu quai nón cũng quờ tay một cái đặt ra sáu cái cốc. À, ra chúng mày cũng chuẩn bị chu đáo đó chứ! Sỏi cười thầm như vậy.

Rượu được rót ra. Thằng mặt trắng cầm chén lên trước.

– Người anh em. Tôi đã thay mặt người anh em trình bày lại nguyện vọng muốn nhập trại của đằng ấy với các anh hùng “Ngũ hổ”. Anh em tôi đây với ngưỡng vọng người tài, sẵn sàng rải chiếu đón anh hùng tứ xứ. Nhưng ngặt vì chưa hiểu hết nhau nên rất khó phân định ngôi thứ… Luật nhà võ chắc người anh em hiểu rồi. Cho nên đêm nay, ý muốn của anh em Ngũ hổ chúng tôi muốn được đằng ấy dạy dỗ cho vài thế võ. Nếu được toại nguyện thì xin quỳ xuống sát gối mà tôn bậc đại ca…

Trương Sỏi cầm chén rượu lên gật gù đáp lại:

– Các anh dạy thế nào thì Lưỡng tôi xin chịu vậy. Trong lúc lỡ bước thế này mà được các đại ca cho nương nhờ là quí lắm rồi. Còn chuyện võ nghệ thì bậc đàn em lượng sức mình không dám múa rìu qua mắt thợ. Chỉ xin góp vài trò vui tiêu khiển cho các đại ca đỡ buồn…

Sáu chén rượu được nốc cạn. Chén lại đặt xuống và tuần rượu lại được rót ra.

Rượu lại được rót tiếp. Chỉ còn vỏ chai không. Sỏi với tay ra cầm lấy cổ chai. Hắn làm bộ say, hua chai lên phía trước:

– Thế nào, các đại ca có chừng ấy rượu thôi ư? Chà, rượu hết thì giữ chai làm gì nữa…

Nói rồi Sỏi bất ngờ vung chai lên đánh “bốp” vào giữa trán mình. Cả bọn hãi hùng trợn tròn mắt. Choang! Mảnh chai vỡ tung tóe.

Tên mặt trắng run rẩy đứng dậy:

– Lạy đại ca!… Bọn em thật có mắt như mù… Từ hôm nay bọn em xin làm kẻ tôi tớ cho đại ca…