Chiếc xe đò chở khách từ Cùa về đến quá quận Cam Lộ thì trời đã tối hắn. Khách xuống rải rác dọc đường, một số đông xuống Cam Lộ. Lúc này trên xe chỉ còn độ bốn năm người.
Ngọn đèn vàng bợt hắt sáng xuống mặt đường nhựa. Lái xe là một người già, tóc lởm chởm, râu lơ thơ vòng quanh mép. Phía sau thùng xe, cậu "ét" vịn tay vào cửa thùng, ép sát má vào thành sắt ra dáng mệt mỏi. Bỗng chiếc xe chạy chậm lại rồi dừng hẳn. Cậu phụ xe nhoài người ra nhìn. Một tốp thanh niên đang đưa tay vẫy. Không có hành lý. Cậu "ét" mở toang cửa sau thùng xe rồi buông xẵng giọng: "Lẹ lên!". Đám thanh niên chạy ào lên. Có vài cậu nhảy phía cửa trước. Cậu "ét" lại xẵng một tiếng nữa: "Lên sau này!". Nhưng chẳng ai nghe. Cậu "ét" đảo một vòng mắt, nhẩm đếm. Năm, sáu, tám người. Cậu chìa tay ra, lạnh lùng: "Mới lên cho tiền!".
Ục. Một quả đấm đột ngột giáng vào chính giữa mặt người phụ xe. Anh chưa kịp phản ứng thì "ục, ục" liền mấy cú nữa. Anh xỉu xuống. Có tiếng la hét xa xôi, văng vẳng. Tiếng xe máy rú lên đâu đó xa vời rồi tắt hẳn. Lâu lắm, có lẽ phải gần một giờ sau anh mới tỉnh lại.
– Có đau lắm không con?
Người chủ xe cúi xuống. Tiếng ông như lẫn cả nước mắt. Lãm cố mở mắt ra, miệng tanh lợm mùi máu. Má ở đâu hè?
– Chi rứa chú?
Người chủ xe thở dài một tiếng. Lát sau ông lầu bầu trong cổ:
– Tụi trấn lột… Đ.mạ cái bọn vô hậu.
Lãm cố chồm người dậy nhưng ngực buốt nhói như có ai cầm lấy tim mà bóp. Anh lại thả đầu xuống, tiếng thở thều thào:
– Có bị mất nhiều không chú?
– Trụi lụi. Cả một ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt bị nó lột sạch. Cha tổ nội đồ ăn cướp.
Rồi đột ngột ông gục mặt xuống khóc hu hu.
Lãm đã xin nghỉ việc ở nhà Phù Ái với lý do tự bịa ra là mẹ bị ốm nặng. Sau một tháng lêu lổng, anh lại kiếm được việc làm mới: phụ xe cho ông Cống.
Công việc này kể ra cũng có chút thú vị hơn ở nhà Phù Ái, mặc dù về tốc độ còn khẩn trương gấp nhiều lần. Khoái nhất là cuộc đi xa. Chiếc xe đò rách bươm của nhà ông Cống thuộc loại xe không cam tâm chịu một cung đường nào nhất định. Khi thì chạy tuyến Cam Lộ, có lúc vượt thẳng lên đến chợ Cùa. Có lúc lại vào Diên Sanh, cũng đôi lần vút tận Huế. Mặc dù phải vật lộn với đám buôn chuyến trên thùng xe đến mướt mồ hôi nhưng Lãm vẫn có được cái khoái chí là rong ruổi khắp mọi nơi. Sau hơn nửa năm phụ việc sửa xe ở nhà Phù Ái, cộng với sự thông minh, vốn có của mình Lãm đã có chút tay nghề tạm gọi là lanh lẹ. Thế nên ông Cống tỏ ra khoái cậu "ét" mới. Ông gọi Lãm bằng con, Lãm kêu ông bằng chú. Khách đi xe đinh ninh họ là chú cháu ruột.
Ông Cống không phải là chủ một hãng xe lớn. Vốn liếng của ông chủ yếu nhờ ở bà vợ buôn dừa. Một thời trẻ trung, bà Cống từng qua tận Hồng Công hoặc Mã Lai áp tải dừa về đến Đà Nẵng, Huế. Nhưng chẳng được nhiều. Tiền vào chẳng bù nổi tiền ra. Bà nghén tám lần mà sa mất năm. Sức khỏe ngày một kiệt. Ông tậu được chiếc xe nhưng không ai đi "ét" vì ba con của ông đều là con gái. Bà Cống phải đi phụ xe, cốt là thu tiền chứ còn quay máy, buộc hàng lên nóc thì tự ông phải làm lấy. Rồi đến khi bà yếu không đi nổi nữa thì cô con gái lớn đi thay. Nay đến lượt con gái lấy chồng. Cái số nhà ông đưa đẩy thế nào lại tìm được một anh phụ xe nhanh nhẩu như Lãm. Thành thử hai người đều quý nhau thực sự như những con người trong vận hạn cần sự bấu víu che chở lẫn nhau.
Sau đêm bị bọn cướp chặn đường, ông Cống ngừng chạy xe. Ông làm đơn trình lên cảnh sát quận. Bốn ngày trôi qua chẳng có hy vọng gì.
Lãm đã khỏe trở lại. Ông Cống lên gặp cảnh sát lần nữa. Họ trả lời với ông rằng cảnh sát đang được lệnh truy tìm thủ phạm. Ông lại thấp thỏm chờ đợi.
Đêm đó Lãm bắc chiếc ghế dưới giàn đỗ ván ngồi hóng gió. Tháng tám mưa nhiều, thị xã dễ chịu hơn. Gió nồm thường lên sớm và sương giăng li ti trong màu sáng nhợt nhạt của đèn đường. Tự dưng Lãm thấy buồn. Có nỗi nhớ vô định hướng len lỏi trong tâm khảm anh, cũng như trong lịch trình cuộc đời, chẳng có cái gì ổn định. Có chăng là sự cô đơn trơ trọi. Những ngày ở miền Bắc anh đã tự tách mình ra vì tự cho rằng mình là dòng dõi gia đình có nợ máu với cách mạng. Những ngày ở miền Nam anh cũng không thể hòa nhập được vì lại tự thấy dầu sao mình cũng là một thằng ở thế giới khác lọt vào. Còn gia đình ư? Lại càng không có chỗ cho nỗi nhớ kết tổ… Thế nhưng anh vẫn nhớ một cái gì đó? Hình như đó là sự bình lặng của tuổi thơ. Dầu sao anh cũng đã có một tuổi thơ yên vui trên đất Bắc, mặc dù hồi ấy anh không thể ý thức được đấy là một hạnh phúc.
Trăng lên, Trăng nhàn nhạt trong sương. Cả ánh đèn điện nữa cũng không đủ sáng. Cái tiềm thức của Lãm giờ này như nhòe vào trong màn sáng mơ hồ kia. Hình như ngoài đó đang bị ném bom? Anh nghe những người khách đi xe kháo chuyện với nhau như vậy. Nghĩa là hai bên đã choảng nhau. Thật khó mà mường tượng hết những gì đã thay đổi. Nhưng Lãm thấy buồn. Khoảng yên ổn trong nỗi nhớ của anh cũng đã bị xáo trộn.
Có một người lừ lừ bước vào cổng. Lãm nhìn thấy nhưng không để ý. Lòng anh đang tan loãng trong một cơn buồn man mác như sương rơi. Người đó bước lại gần Lãm. Một hương vị lạ phả tràn mặt anh.
– Anh Lãm làm cao dữ hí. Gặp nhau không được lấy tiếng chào!
Lãm như bừng tỉnh. Hai chân anh luống cuống đứng lên nhưng cả thân hình lại gắn bệt vào ghế. Trời ơi, ma quỷ nào lại dẫn nó đến đây? Miệng Lãm líu lại nói không thành câu:
– Cô… Kim Chi… đến…
– Phải rồi – Kim Chi cười to một cách lộ liễu-ở đây dễ chịu hí?
– Dạ… mát lắm.
– Không, tôi nói ở với cái ông chủ mới này cơ, hẳn là hậu hĩ lắm nên anh mới bỏ việc nhà tôi.
Lãm cố nén cái giọng mất bình tĩnh của mình để tỏ ra cứng rắn:
– Đừng nói vậy mà tội cô Chi ạ. Mẹ tôi ốm nặng, tôi phải tạm nghỉ việc. Rồi chạy vạy được ít tiền thuốc thang cho mẹ, nay phải làm trả công cho người ta.
Kim chi bỗng cười khanh khách:
– Giỏi thiệt. Răng anh không nhập bọn với một gánh tuồng…
– Cô Kim Chi bảo tôi nói dối?
Kim Chi bất ngờ đập một tay lên vai Lãm. Anh cố né tránh nhưng không kịp. Bàn tay con gái đã áp chặt như một quả tạ đè bẹp anh xuống ghế. Một chân Kim Chi cũng đột ngột đạp lên mép chiếc ghế. Cử chỉ suồng sã quá khiến Lãm nhíu chằng mày lại.
– Thứ nhứt, anh không hề có một người mẹ nào ở vùng này cả. Ở đây anh chỉ có bà thím. Thứ hai anh không hề vay mượn tiền nong gì lão Cống này cả.
– Này, này…
– Im nào, Kim Chi đã đến tận nhà thím anh rồi. Nhưng thôi, chẳng nói chuyện đó nữa. Đừng có trợn mắt lên thế, Kim Chi không biết sợ đâu. Chỉ khuyên anh không nên nói dối…
Lãm thấy khó thở, anh xoay xoay người trên ghế:
– Việc chi mà… cô điều tra dữ vậy?
– Phải điều tra chứ. Tự nhiên vắng anh, tôi… tôi mất thăng bằng quá sá…
– Này, đừng có giỡn hoài.
– Ai giỡn? Chẳng lẽ anh không biết tôi yêu anh à?
Lãm há tròn miệng ra. Còn Kim Chi thì bỗng nhiên nổi cáu:
– Đồ phụ bạc. Tôi tưởng anh phải khác người ta kia. Không ngờ cũng là một tuồng cả…
Lãm cũng bắt đầu cáu:
– Cô bảo cái tuồng chi?
– Hừ, anh còn lạ lắm à? Tất tật đàn ông ở cái vùng này đều là đồ chó má cả.
– Hỗn.
– Phải, tôi hỗn thế đấy. Nếu không thì đã bị ăn thịt từ lâu rồi.
Lãm thấy ngán ngẩm thật sự. Anh không ngờ câu chuyện lại đẩy đến mức này.
– Thôi, cứ cho rằng cô có lý. Nhưng bây giờ… tôi là người làm của ông Cống. Tôi với cô chẳng cho chi dính líu nhau cả…
Kim Chi bất ngờ quay phắt lại:
– Bai hả? Cũng được. Nhưng có mở đầu thì phải có kết thúc chứ?
– Thế là thế nào?
Kim Chi hạ chân trên ghế xuống đất, khoanh tay lên ngực và hơi quay người đi:
– Đêm mai bằng chừ, hẹn gặp anh ở bãi sông gần Cảng.
– Không. Không đời mô tôi đến cả.
– Tôi đợi…
– Mặc cô. Đừng hòng tôi đến.
– Nhất định anh sẽ đến.
– Gớm chưa? Tôi ghê tởm cô, hiểu chưa?
– Hiểu. Đêm mai bằng giờ nghe! Bai!
"Không bao giờ", "nhất định thế". Suốt đêm đó, suốt cả ngày hôm sau nữa, Lãm cứ vật vã đến nôn nao vì quyết tâm đó. Ông Cống quyết định chạy xe nhưng đổi vào tuyến Diên Sanh. Đường êm như rải nhung. Nhưng người Lãm cứ thỉnh thoảng lại nảy xốc lên cùng với tiếng kêu thảng thốt ở trong đầu: "Không đến!", "không thèm nghĩ tới".
Nhưng vẫn nghĩ. Lạ quá, Lãm cố xua đuổi bao nhiêu thì ý nghĩ quái gở ấy lại lồng lên. Trong anh vừa có sự ghê tởm, vừa cảm thấy hãi hùng, nhưng len vào đó – mà mỗi lúc lại mạnh mẽ thêm lên – cảm giác khao khát.
Mới hơn mười bảy tuổi đầu, anh chẳng có chút suy tư gì phức tạp về chuyện này, cũng không mường tượng nổi những gì sẽ xảy ra, xảy ra như thế nào? Chỉ láng máng trong đầu dăm trang sách tình yêu và mấy lần bắt buộc ngồi nghe đám thợ ở nhà Phù Ái tán chuyện tục tĩu. Từ trước tới nay anh vẫn coi những chuyện ấy là chuyện của người lớn hơn, của kẻ khác. Và cũng không phải không có lần anh lóe lên ý nghĩ, tại sao mình không thể có được những chuyện ấy? Ở lứa tuổi anh đối chọi với bản thể ngây thơ là những ham muốn già dặn. Ai cũng mong mình được thừa nhận là già dặn.
Lãm ăn cơm chiều vội vã. Vội vã trong cảm giác chạy trốn. Hớp vội ngụm nước, Lãm đi nhanh ra đường cái. Đường hãy còn đông người. Lãm cúi đầu cuốc bộ, cố tình lẩn tránh mọi người. Thực ra có ai để tâm đến anh đâu. Lãm lang thang vòng qua khu chợ, len lỏi vào tận những ngõ phố tối như bịt mắt. Ngột ngạt quá. Ở những lối phố này gió chiều nào cũng không vào được. Anh nhoi ra hướng cửa sông. Gặp gió. Gió táp phầm phập vào mặt anh. Nhưng sao vẫn khó chịu. Có cái gì đó không tháo gỡ được trong cõi vô thức của anh. Lại đi nữa, Lãm ra đến đầu cầu. Ở đây có dễ chịu hơn đôi chút. Anh cứ lần theo cảm giác dễ chịu ấy mà mon men đến đầu bến cảng. Cái dễ chịu đang gậm nhấm anh trong cảm giác đê mê. Đi nữa, thậm chí còn bước vội hơn, bước lập cập như chạy. Rồi thì lúc nào đó không rõ, người anh run lên như đang sốt. Mà đúng thật, anh đang sốt. Cả người hâm hấp nóng, mồ hôi vã ra. Anh chạy. Ngực dội tràn trề hơi thở. Vượt qua một mặt bằng rộng rãi, anh len vào phía có những đụn cao sắt thép. Gió thổi ào ào. Hơi sắt gỉ phả ra hừng hực. Cảm giác nóng, lạnh trộn lẫn nhau. Rồi đột ngột anh đứng sững lại. Kim Chi! Tại sao mình lại đến đây hè? Chao ôi là ngu, ngu hơn con bò. Lãm run rẩy và bất lực.
– Có vẻ vội rứa ông anh? Kim Chi nói nhỏ nhưng giọng cô cũng run run.
– Chẳng vội..
Lãm nói rồi, bất ngờ bước nhanh tới một bước. Ở đó, đúng vào phía trước bàn chân anh, Kim Chi đã đợi sẵn. Hai vòng tay đột ngột ôm choàng vào nhau, ghì chặt…
Lúc này, phía trên thị xã bất ngờ rú lên một hồi còi. Có tiếng xe rú máy. Hình như cảnh sát đang săn đuổi một toán cướp. Đêm nào chẳng thế. Nhưng vào hoàn cảnh này cả hai người dưới bến cảng đều bỗng thấy sợ hãi. Sự sợ hãi chen trong đam mê. Và sự đam mê nhận ngập họ ngồi bệt xuống đất, rồi lại xoài mình ra như những thỏi sắt đang hầm hập lên nhiệt. Đầu óc Lãm mụ lại tối tăm như mặt sắt gỉ. Bất ngờ Kim Chi ngồi vọt dậy, xốc lại tà áo:
– Hám dữ vậy, ông nội?…
– Em… em chiều anh…
– Con nít.
Lãm đỏ bừng mặt, véo vào chân cô gái:
– Đừng giả đò nữa. Này…
Sau tiếng "này" hoặc là đồng thời với tiếng ấy, chắc chắn Lãm đã có một động tác gì đó khá quyết liệt. Nhưng bất ngờ một tiếng "bép" vang lên giòn như tiếng cá đớp mồi. Lãm sững người. Phải mấy giây sau anh mới ý thức được rằng mình bị tát. Một cơn uất giận tràn lên chẹn họng anh. Nhưng anh chưa kịp làm gì thì Kim Chi đã đứng dậy. Cô đứng dậy ngay trước mặt Lãm phủi cát trên quần áo và ngẩng thẳng mặt bước đi. Lãm vẫn ngồi chết nghẹn bởi uất ức. Cho đến khi bóng Kim Chi nhòa vào trong những bóng đen sắt thép thì Lãm mới rít lên được một câu trả thù: "Đồ rắn độc!".
Có một sự việc nghiêm trọng đã xảy ra trong lúc Lãm đang ngập chìm trong sự đam mê ngu ngốc ở bến cảng. Một toán cướp đã trấn lột nhà ông Cống. Cả hai vợ chồng ông Cống đều bị trói chặt vào buồng và hai tên cầm dao nhọn dí vào bụng hai cô gái. Nếu một trong bốn người lên tiếng thì máu sẽ chảy. Chúng lần lượt khuân đồ đạc ra khỏi nhà, không trừ lại một vật gì đáng giá vài trăm bạc. Chưa hả hê, toán cướp còn mở nắp đầu xe, tháo bộ máy phát điện và bình ác quy. Sau khi chuyển đi một cách êm thấm mọi của cải, một trong hai tên cầm dao nhọn từ trong buồng bước ra, dùng sơn quệt lên tường dòng chữ nguệch ngoạc: "Hãy dựa vào cảnh sát mà sống".
Lãm về đến nhà nhìn thấy cảnh tang thương ấy mà không cầm được nước mắt. Ông Cống ngồi rũ rượi ở góc nhà. Bà Cống khóc đã khản tiếng, thỉnh thoảng lại rú lên như con bệnh cuồng dại. Bà nhai đi nhai lại một lời oán trách chồng:
– Đã bảo đừng có thưa trình với cảnh sát nữa… Rứa mà cứ … hu…hu…
Cũng có nhiều người đến thăm. Cũng thở ngắn than dài. Vài ba lời chửi đổng. Một ông thợ gò thùng ở cuối phố sau một lúc nghiền ngẫm như một nhà triết gia thì buông thành lời tán đồng ý kiến của bà Cống:
– Thím nói đúng. Giá như chuyện bữa trước nhà mình cứ cho qua đi, đừng chạy lên chạy xuống cảnh sát nữa thì chắc chúng nó không đến nỗi mò vào tận nhà mình đâu. Thực là dại.