Bài tập Tiếng Việt Tiểu Học- Bài: Cảm thụ văn học

BÀI TẬP CẢM THỤ VĂN HỌC:
 Bài tập 48: Hãy chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu văn, câu thơ sau:

a)   
  Mùa thu của em
       Là vàng hoa cúc
       Như nghìn con mắt
       Mở nhìn trời êm.
b)   
          Thân dừa bạc phếch tháng năm
       Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao
               Đêm hè hoa nở cùng sao
       Tàu dừa –  chiếc lược chải vào mây xanh.
c)    
          Trường Sơn: chí lớn ông cha
       Cửu Long: lòng mẹ bao la sóng trào.
d)   
  Sông La ơi sông La
       Trong veo như ánh mắt
       Bờ tre xanh êm mát
       Mươn mướt đôi hàng mi.
e)    
  Mặt trời bẽn lẽn núp sau sườn núi, phong cảnh
nhuộm những màu sắc đẹp lạ lùng.
f)     
  Mưa rả rích đêm ngày. Mưa tối tăm mặt mũi.
Mưa thối đất thối cát.
g)   
  Xanh biêng biếc nước sông Hương, đỏ rực hai
bên bờ màu hoa phượng vĩ.
 
*Đáp án:
-Câu a, b, c, : so sánh.
-Câu d : so sánh, nhân hoá.
-Câu e : nhân hoá.
-Câu f : điệp ngữ.
-Câu g : đảo ngữ.
(G/ nhớ : So sánh, nhân hoá, điệp ngữ, đảo ngữ).
 
Bài tập 49:
Trong bài thơ “Luỹ tre” của nhà thơ Nguyễn Công Dương có viết:
Mỗi sớm mai thức dậy
Luỹ tre xanh rì rào
Ngọn tre cong gọng vó
Kéo mặt trời lên cao.
Trong đoạn thơ trên, em thích nhất hình ảnh thơ nào? Vì sao em thích?
*Đáp án :
Trong đoạn thơ trên, em thích nhất hình ảnh: “Ngọn tre cong gọng vó / Kéo mặt trời lên cao”. Qua sự liên tưởng, tưởng tượng độc đáo của nhà thơ, các sự vật “ngọn tre”, “gọng vó”, “mặt trời” vốn dĩ không liên quan đến nhau bỗng trở lên gần gũi, thân thiết, và gắn bó chặt chẽ với nhau. Cảnh vật như hoà quện vào nhau, tạo nên sự sống động cho hình ảnh thơ.
 
Bài tập 50:
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời
(Mẹ – Trần Quốc Minh)
Theo em, hình ảnh nào góp phần nhiều nhất làm nên cái hay của đoạn thơ trên? Vì sao?
*Đáp án: Theo em, hình ảnh “ngọn gió” trong câu “Mẹ là ngọn gió của con suốt đời” đã góp phần nhiều nhất làm nên cái hay của đoạn thơ trên. Hình ảnh đó cho ta thấy người mẹ giống như ngọn gió thổi cho con mát, ru cho con ngủ và đi vào giấc mơ. Ngọn gió ấy thổi cho con mát suốt cả cuộc đời giống như mẹ đã luôn làm việc cực nhọc để nuôi con khôn lớn, mong cho con sung sướng và hạnh phúc. Sự so sánh đẹp đẽ và sâu sắc đó cho ta thấy thấm thía hơn về tình mẹ , khiến cho đoạn thơ hay hơn, đẹp đẽ hơn.
 
Bài tập 51:
Trong bài thơ “Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu viết:
Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy, nặng phù sa.
Đoạn thơ trên có hình ảnh nào đẹp, gây xúc động nhất đối với em? Vì sao?
*Đáp án:                                                                     
Hình ảnh “dòng sông chảy nặng phù sa” là hình ảnh đẹp và gây xúc động nhất đối với em vì nó được dùng để so sánh với tấm lòng yêu thương, quên mình của Bác. Dòng sông quê hương mang nặng phù sa hay tấm lòng của Bác lúc nào cũng chan chứa tình yeu thương dành cho mỗi chúng ta? Bác chia sẻ tình thương cho tất cả mọi người mà chẳng hề nghĩ đến riêng mình. Dòng sông cũng vậy, cứ chảy mãi, chảy mãi, đem đến cho đôi bờ những hạt phù sa đỏ hồng để làm nên hạt gạo, làm nên cuộc sống ấm no hạnh phúc. Chính vì vậy, hình ảnh Bác Hồ luôn luôn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam, cũng như dòng sông quê hương muôn đời đẹp mãi trên đất nước Việt Nam yêu dấu.
 
Bài tập 52:
“Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn truyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình”
(Truyện cổ nước mình – Lâm Thị Mỹ Dạ)
Em hiểu như thế nào về nội dung 2 câu thơ cuối trong đoạn thơ trên?
*Đáp án:
Hai dòng thơ cuối cho ta thấy: Từ xưa đến nay, từ quá khứ đến hiện tại là cả một khoảng thời gian dài dằng dặc. Các truyện cổ dân gian thực sự là cái cầu nối quá khứ với hiện tại. Qua các câu chuyện cổ, chúng ta có thể hiểu được đời sống vật chất và tinh thần, tâm hồn và tính cách, phong tục tập quán, các quan niệm đạo đức,…của ông cha ta. Hình ảnh của ông cha xưa in dấu khá rõ trong các truyện cổ dân gian. Vì vậy, có thể nói, truyện cổ đã giúp ta nhận biết được gương mặt của các
thế hệ cha ông ta ngày xưa.
 
Bài tập 53:
Trong bài thơ “Trong lời mẹ hát” của nhà thơ Trương Nam Hương có đoạn:
Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.
Theo em, đoạn  thơ trên đã bộc lộ những cảm xúc và suy nghĩ gì của tác giả?
*Đáp án:
Đoạn thơ bộc lộ những cảm xúc và suy nghĩ của tác giả về người mẹ. Hình ảnh mái tóc mẹ bạc trắng theo thời gian khiến cho tác giả cảm thấy xúc động đến nôn nao. Thông qua hình ảnh đối lập: “Lưng mẹ cứ còng dần xuống / Cho con ngày một thêm cao”, tác giả muốn bộc lộ lòng biết ơn của mình đối với mẹ. Cả cuộc đời mẹ đã làm lụng vất vả, nỗi vất vả đã làm trĩu còng lưng mẹ. Lưng mẹ càng còng, con càng lớn thêm lên. Viết ra được những dòng thơ chan chứa tình cảm đó chứng tỏ tác giả rất thấu hiểu nỗi gian truân, vất vả của mẹ. Qua đó, ta cũng thấy tình cảm của tác giả dành cho mẹ cũng thật là đẹp đẽ, thật là sâu đậm.
 
Bài tập 54:
“Thế rồi cơn bão qua
Bầu trời xanh trở lại
Mẹ về như nắng mới
Sáng ấm cả gian nhà”
(Mẹ vắng nhà ngày bão – Đặng Hiển)
Em hãy nêu suy nghĩ của mình sau khi đọc đoạn thơ trên.
*Đáp án:
Đoạn thơ diễn tả cảm xúc vui mừng khôn xiết của gia đình sau nhiều ngày mong ngóng mẹ về. Mẹ đi vắng, cũng là lúc cơn bão ập đến. Cơn bão của thiên nhiên hay cơn bão trong lòng mỗi người khi không có mẹ? Mẹ trở về, thời gian xa vắng đã kết thúc, giống như cơn bão đã tan, trời lại quang mây, lặng gió. Người mẹ được tác giả so sánh như “nắng mới” trở lại, làm cho gian nhà ẩm ướt sau cơn bão như “sáng ấm” lên. Hình ảnh “nắng mới” là hình ảnh của mẹ, mẹ đã trở về xua đi sự trống trải, sự mong mỏi của mọi người trong gia đình.
 
Bài tập 55:
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi hôm nay”
(Hạt gạo làng ta – Trần Đăng Khoa)
Em hãy nêu cảm xúc của tác giả về “Hạt gạo làng ta” qua đoạn thơ trên.
*Đáp án:
“Hạt gạo làng ta” chính là hình ảnh của quê hương, Nhờ gắn bó máu thịt với làng quê, nhờ óc tưởng tượng phong phú và bay bổng, Trần Đăng Khoa đưa ta đi từ cái hữu hình (hạt gạo) đến cái vô hình. Hạt gạo chắt lọc cái tinh tuý của đất (vị phù
sa), chắt lọc cái tinh tuý của nước (hương sen thơm) và ấp ủ cả cái tình của người (lời mẹ hát). Hạt gạo không những nuôi ta khôn lớn mà hạt gạo còn nặng tình, nặng nghĩa với đất, với nước và với người… Hạt gạo chính là hồn của quê hương.