Sửa lỗi viết dấu Hỏi – Ngã

Sửa lỗi viết dấu Hỏi – Ngã

1. Thực trạng:  

Hiện tượng viết sai chính tả hiện nay khá phổ biến, không chỉ ở học sinh tiểu học mà còn ở cả những sinh viên, người đi làm có học thức. Đặc biệt đối với người miền Trung, việc viết sai thanh hỏi/thanh ngã chiếm tỷ lệ khá cao. Lỗi này do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do phát âm sai, tài liệu học tập, tin tức báo mạng còn sai lỗi chính tả …

2. Biện pháp:

 2.1. Cách viết hỏi/ngã trong từ Từ Hán – Việt:

Dù muốn hay không, trải qua hơn nghìn năm đô hộ của Trung Quốc, Việt Nam chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn bởi nền văn hóa Trung Hoa. Mặc dù đã cải biến và chữ viết được thay thế bằng chữ Quốc ngữ, nhưng còn nhiều từ chúng ta dùng thường ngày là từ Hán – Việt. Viết hỏi/ngã trong từ Hán – Việt không theo một quy tắc, quy luật nào cả, chỉ có mẹo giúp chúng ta viết đúng hỏi/ngã.

Đó là, viết dấu ngã tất cả những tiếng bắt đầu bằng: D, L, V, M, N, Nh, Ng và Ngh; hay nhớ câu: “Mình Nên NhViết Là Dấu Ngã.

Ví dụ: dĩ vãng, dã man, lãng du, lãnh đạm, viễn xứ, vĩ nhân, mỹ miều, cần mẫn, nỗ lực, não nề, hàng ngũ, ngôn ngữ, nghiễm nhiên, …

 Ngoài các tiếng bắt đầu bằng những phụ âm đã nêu trên, từ Hán – Việt được viết bằng phụ âm khác hoặc không có phụ âm được viết bằng dấu hỏi, ví dụ như: đảo điên, tưởng tượng, kiểu cách, …

Nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ vẫn viết bằng dấu ngã: kỹ (kỹ thuật, kỹ xảo), bãi (bãi bỏ, bãi khóa), hữu (bằng hữu, hữu nghị), phẫu (phẫu thuật, giải phẫu), tiễn (tiễn đưa, tiễn biệt, tống tiễn), …

Luyện tập: Các bạn hãy viết đúng hỏi/ngã trong từ sau đây theo đúng quy luật hỏi ngã. Hãy sửa lại lỗi chính tả (nếu có).

– diễn biến, biễu diển, hướng dẩn, hùng dũng, vủ khúc, ô nhiểm, lảng phí, kiều diễm, khã năng, thủy triều, thế kỹ, …

2.2. Cách viết hỏi/ngã trong từ Láy:

Từ láy là những từ ghép gồm hai (hay nhiều) tiếng mà một trong các tiếng đó hoàn toàn không có nghĩa nếu tách ra riêng lẻ.

Ví dụ: buồn bã, liều lĩnh, hoàn hảo, lảo đảo, …

Gặp những tiếng chưa có cặp có đôi, thì cố tìm tiếng láy ghép vào cho có cặp, sau đó áp dụng qui tắc: huyền – ngã – nặng; sắc – hỏi – không (luật thuận thanh hay quy tắc hài thanh) hỗ trợ để viết đúng hỏi/ngã. 

Thí dụ gặp chữ kỹ/kỷ, nếu nghĩa trong câu cho phép ghép được với càng thành kỹ càng thì kỹ dấu ngã (do càng viết dấu huyền). Cách viết hỏi/ngã trong từ láy theo luật thuận thanh có các trường hợp sau:

+ Ngã – huyền: bẽ bàng, buồn bã, lờ lững, ngỡ ngàng, …

+ Ngã – nặng: cãi cọ, đẹp đẽ, giãy giụa, rõ rệt, …

+ Ngã – ngã: bẽn lẽn, bỡ ngỡ, lững thững, …

+ Hỏi – sắc: hối hả, mới mẻ, ngất ngưởng, …

+ Hỏi – không: Bảnh bao, lẻ loi, nghỉ ngơi, sửa sang, …

+ Hỏi – hỏi: đủng đỉnh, lỏng lẻo, lởm chởm, tỉ mỉ, thỏ thẻ, …

Ví dụ như từ Nghỉ ngơi dùng dấu hỏi; Nghĩ ngợi dùng dấu ngã.

Còn có cách tìm xem chữ cùng nghĩa với chữ chưa biết viết hỏi hay ngã thuộc thanh nào, để quyết định theo luật thuận thanh. Thí dụ gặp chữ mảnh vải, chữ cùng nghĩa với mảnh là miếng – thanh sắc, vậy mảnh dấu hỏi. Còn mãnh hổmãnh có nghĩa là mạnh – thanh nặng, nên mãnh viết bằng dấu ngã.

Luyện  tập: Tạo một từ láy với mỗi tiếng sau đây: củ – cũ; giả – giã; hải – hãi; rả – rã; thẩn – thẫn; …

Ngoài ra, những phó từ trong câu thường được viết bằng dấu ngã.

Ví dụ: anh cũng nghĩ như em. Hay, tôi đã nói với ông rồi mà. Từ cũng, đã được viết bằng dấu ngã. Không thể viết củng, đả trong hai câu trên.

2.3. Dựa vào nghĩa của từ để viết hỏi/ngã:

Nhiều trường hợp dựa vào các quy tắc và mẹo nói trên cũng chưa xác định được là viết dấu hỏi hay dấu ngã, chúng ta phải dựa vào nghĩa của từ để viết.

Ví dụ ở bài tập: Điền vào chỗ trống:

– đổ hay đỗ: … rác, thi …, trời … mưa, xe …lại.

– rủ hay rũ: Cười … rượi, lá … xuống mặt hồ.

Ở đây ta khó phân biệt được đổ/đỗrủ/rũ để điền vào chỗ phù hợp. Ta cần phải giải thích nghĩa của các từ  mới có thể làm được.

Đổ: (1) nằm xuống mạnh và đột nhiên (cây đổ, nhà đổ); (2) nói xe nghiêng (tàu đổ mất ba toa); (3) chảy ra (đã đổ máu, đổ mồ hôi); (4) gán cho (đổ vạ, đổ tội).

Đỗ: (1) với nghĩa dừng lại (tàu đỗ lại); (2) nghĩa đỗ đạt (đỗ tiến sĩ); (3) nghĩa tạm thời (ở đỗ).

Rủ: (1) nghĩa thuyết phục người khác (rủ nhau đi chơi); nghĩa buông thõng (trướng rủ màn che).

Rũ: nghĩa gục xuống vì hết sinh lực. Tốt nhất, chúng ta nên dùng từ điển Tiếng Việt để giải thích nghĩa của từ.

 Tóm lại, rèn kỹ năng viết đúng chính tả nói chung và dấu hỏi/ngã nói riêng là một trong những mục tiêu quan trọng của môn Tiếng Việt trong quá trình dạy học và giáo dục ở trường. Muốn vậy, việc rèn luyện phải được thực hiện thường xuyên, tổ chức một cách bài bản, dựa trên những quy tắc, căn cứ khoa học nhất định nhằm tạo thói quen viết đúng chính tả, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.