Đề: Suy nghĩ của em về lời dặn dò của người thợ làm bút chì trong đoạn truyện sau
” Người thợ làm bút chì nâng niu sản phẩm của mình trước khi cho nó vào hộp:
– Có năm điều con cần phải nhớ trước khi ta để con bước vào thế giới hỗn độn ngoài kia – Ông nói với bút chì – Lúc nào con cũng phải nhớ và không bao giờ được quên những điều ấy, khi đó, con mới trở thành một cây bút chì đẹp nhất, hiểu không?
– Thứ nhất, con luôn có thể tạo ra những thứ rất vĩ đại, nhưng chỉ khi nào con nằm trong tay một ai đó.
– Thứ hai, con phải liên tục chịu đựng những sự gọt giũa rất đau đớn, nhưng hãy nhớ, tất cả đau đớn ấy chẳng qua là để làm cho con đẹp hơn mà thôi.
– Tiếp theo, con phải nhớ lúc nào con cũng có thể sửa chữa những lỗi mà con ghi ra.
– Và một điều nữa, hãy biết phần quan trọng nhất trên cơ thể của con chính là phần ruột, phần bên trong chứ không phải là lớp vỏ ngoài.
– Cuối cùng, con, bút chì, phải để lại vết chì của con trên bất cứ bề mặt nào mà con được sử dụng để viết, và phải liên tục viết, bất kể chuyện khó khăn gì, được không? (Trích câu chuyện: “Ngụ ngôn bút chì”)
Suy nghĩ của em về lời dặn dò của người thợ làm bút chì trong đoạn truyện trên ?
Gợi ý:
Về nội dung: Đáp ứng một số ý sau:
* Giải thích ý nghĩa của câu chuyện:
Đoạn trích chủ yếu xoay quanh lời dặn dò của người thợ với chiếc bút chì. Lời dặn dò rất chân tình phù hợp đặc điểm của chiếc bút chì như: dùng để viết, muốn đẹp và sử dụng tốt phải thường xuyên gọt nhọn; cấu tạo có hai phần gồm phần gỗ bên ngoài chỉ để bảo vệ còn phần lõi chì bên trong mới quan trọng nhất dùng để viết; bút chì có thể viết lại những dòng khác nếu viết chưa tốt và viết đến khi thân bút không còn, lõi chì hết vv… Từ lời dặn dò chân tình, tha thiết trên, ta thấy thấp thoáng bóng dáng của chính mỗi người trong những yêu cầu mà người thợ khuyên bút chì làm. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở nghĩa đen mà hàm nghĩa ẩn dụ sâu sắc gửi đến người đọc bài học về sống đẹp, sống có ý nghĩa.
* Đánh giá, bàn luận về ý nghĩa lời dặn dò của người thợ:
– Đây là lời khuyên đúng đắn, sâu sắc, bổ ích và rất thiết thực, phù hợp với mọi người với mọi thời đại .
– Phân tích và nêu biểu hiện của lời khuyên; lấy dẫn chứng minh hoạ trong cuộc sống, trong thơ văn.
+ Con người luôn phải khiêm tốn. Dù mình có niềm tin trong cuộc đời mình có thể thành đạt, có thể sống trong hào quang nhưng phải luôn tâm niệm một điều thành công ấy có sự dìu dắt, giúp đỡ, động viên, có ánh mắt khích lệ, tin yêu… của biết bao người thân xung quanh ta như chiếc bút chì nó có thể tạo ra những tác phẩm kiệt tác nhưng phải nằm trong tay của một con người tài năng. Bởi vậy chúng ta luôn phải khiêm nhường, một mình ta không thể tạo nên thành công.
+ Con người phải trải qua thử thách, phải đối mặt với bao thất bại khi đó mới trưởng thành, lớn khôn. Chính những cọ xát, trải nghiệm trong gian lao, vất vả ta mới rút cho mình bài học quý báu, mới đứng vững trước bao cạm bẫy của cuộc đời, để sống đẹp hơn, tốt hơn (dẫn chứng)
+ Con người luôn có thể sữa chữa được lỗi lầm trong quá khứ do mình gây ra với điều kiện mình nhận rõ những khuyết điểm ấy và luôn có niềm tin để sữa chữa làm lại từ đầu. (dẫn chứng)
+ Giá trị lớn nhất, tài sản quý nhất của con người không phải là vỏ bọc hình thức bên ngoài mà chính là ở trí tuệ, tâm hồn, trái tim, nhân cách bên trong…
+ Dù bất kể khó khăn gì, con người cũng phải sống hết mình, làm việc hết mình để lại dấu ấn riêng của mình trong tâm hồn, trái tim người khác. (dẫn chứng)
– Phản bác, lật ngược vấn đề cần nghị luận:
Nếu không có những đức tính trên, con người sẽ trở thành những kẻ khoe khoang, thiếu bản lĩnh, thiếu tự tin, thiếu kinh nghiệm sống, không biết đề cao giá trị bên trong mà chỉ xem trọng vỏ bọc bên ngoài; dễ ngã gục trước khó khăn, thử thách… Cuộc đời sẽ trôi đi vô vị, tẻ nhạt…
* Bài học được rút ra: Luôn xác định đúng mục đích sống tốt đẹp cho chính mình từ lòng khiêm tốn; dũng cảm đối mặt với khó khăn thử thách; biết vươn dậy sau khi ngã; biết cống hiến, sống hết mình; biết nâng niu vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn bên trong…