Hoàn cảnh sáng tác của một số tác phẩm Ngữ văn 9 ( Phần 3 )

Hoàn cảnh sáng tác của một số tác phẩm Ngữ văn 9 ( Phần 3 )

8. Đoàn thuyền đánh cá.

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được nhà thơ Huy Cận sáng tác năm 1958, trong chuyến đi thực tế dài ngày tại vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi này hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới. Bài thơ được in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958)

Hưởng ứng cuộc vận động viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc của chính phủ, năm 1958, Huy Cận hăm hở đến với vùng mỏ Quảng Ninh. Chính niềm vui dạt dào tin yêu trước cuộc sống mới đang hình thành, đang thay da đổi thịt đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của thơ ca lúc bấy giờ. Từ chuyến đi ấy, hồn thơ của ông mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.

Bài thơ miêu tả đoàn thuyền đánh cá trong một đêm trăng trên Hạ Long, qua đó ca ngợi thiên nhiên đất nước nên thơ tươi đẹp đang trên đà thay da đổi thịt, hình ảnh những con người mới, hăng say lao động, tư thế hiên ngang, tràn đầy lạc quan tin tưởng, đang vươn lên làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống của mình.

9. Bếp lửa.

Bài thơ Bếp lửa được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài. Bài thơ được đưa vào tập “Hương cây – Bếp lửa” (1968), tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ.

Bếp lửa là niềm hồi tưởng xúc động của nhà thơ về hình ảnh bếp lửa quen thuộc, gần gũi và hình ảnh người bà hiền hậu. Những năm đầu theo học luật tại Khiep, nước Nga, từ xa tổ quốc, nhà thơ nhớ đến quê nhà da diết. Tháng 9 ở bên đó trời se se lạnh, buổi sáng sương khói thường bay mờ mờ mặt đất, ngoài cửa sổ, trên các vòm cây, gợi nhớ cảnh mùa đông ở quê nhà. Mỗi buổi dạy sớm đi học, nhà thơ hay nhớ đến khung cảnh một bếp lửa thân quen, nhớ lại hình ảnh bà nội lụi cụi dậy sớm nấu nồi xôi, luộc củ khoai, củ sắn cho cả nhà. Từ đó khơi gợi nguồn cảm hứng để nhà thơ viết nên bài thơ này.

Qua hình ảnh Bếp lửa – ngọn lửa, tác giả thể hiện lòng thương nhớ, kính yêu và biết ơn bà của đứa cháu đi xa, đồng thời nói lên tình yêu tha thiết đối với gia đình, quê hương, đất nước.

10. Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971, khi đang công tác tại chiến khu miền tây Thừa Thiên. Tác phẩm sau này được in trong tập “Đất và khát vọng” ( 1984).

Đầu năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta bước vào giai đoạn khốc liệt nhất trong lịch sử. Quân giặc liên tục mở những cuộc tiến công ác liệt tàn phá miền Bắc khiến cuộc sống của bộ đội và nhân dân ta trên các chiến khu rất gian nan, thiếu thốn. Ở những chiến khu miền rừng núi, cán bộ và nhân dân ta vừa bán rẫy,bám rừng vừa gia tăng sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ căn cứ. Lấy cảm hứng từ cuộc sống lao động và chiến đấu của đồng bào miền núi, Nguyễn khoa Điềm viết nên bài thơ này để cỗ vũ tinh thần đánh giặc của cả nước.

Bài thơ ca ngợi tấm lòng đôn hậu, dạt dào tình thương con của bà mẹ Tà ôi, tình thương con gắn liền với tình yêu nước, yêu bộ đội Cụ Hồ, yêu bà con làng bản quê hương.