Hoàn cảnh sáng tác của một số tác phẩm Ngữ văn 9 ( Phần 5 )
14. Chiếc lược ngà.
Truyện ngắn Chiếc lược ngà được Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966, khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ và được đưa vào tập truyện cùng tên của ông.
Năm 1966, Nguyễn Quang Sáng từ miền Bắc trở về miền Nam công tác. Ông hoạt động chủ yếu ở Vùng Đồng Tháp Mười. Một lần, ông đi ghe vào sâu trong rừng và sống ở một nhà sàn treo trên ngọn cây. Ở đó, có một đoàn giao liên dẫn đường toàn là nữ. Ông rất có ấn tượng với câu chuyện của một cô gái giao liên có chiếc lược ngà trắng. Lấy cảm hứng từ câu chuyện gia đình cảm động của nữ giao liên, sau khi nghe cô kể chuyện, lúc trở về, nhà văn ngồi viết một ngày, một đêm là hoàn thành tác phẩm này.
Truyện kể về tình cảm cha con sâu nặng của ông Sáu và bé Thu, qua đó tác giả ca ngợi tình cha con sâu nặng, tình đồng đội thiết tha trong cảnh ngộ éo le thời chiến tranh, đồng thời ca ngợi truyền thống cách mạng yêu nước của người nông dân Nam Bộ.
15. Con cò.
– Bài thơ “Con cò” được sáng tác năm 1962, in trong tập “Hoa ngày thường – Chim báo bão” (1967)
– Đây là một trong những bài thơ hay và độc đáo của Chế Lan Viên ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống của con người.
16. Mùa xuân nho nhỏ.
Bài thơ ” Mùa Xuân Nho Nhỏ ” được viết vào tháng 11 năm 1980, khi tác giả đang nằm trên giường bệnh (không lâu sau ông qua đời), đất nước ta mới thống nhất lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng tác giả vẫn có nhiều cảm nhận về mùa xuân thiên nhiên, đất nước, vẫn có ước nguyện cống hiến trân thành, thiết tha. Từ đó thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Tiếng lòng thiết tha yêu cuộc sống, ước nguyện được cống hiến cho cuộc đời của tác giả.
17. Viếng lăng Bác.
Bài thơ được viết vào tháng 4.1976, một năm sau ngày đất nước thống nhất. Đó cũng là khi lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khánh thành.
Viễn Phương là một người con của miền Nam, cũng như đồng bào và chiến sĩ miền Nam, nhà thơ mong mỏi được một lần ra thăm Bác. Năm 1976, Viễn Phương vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu các chiến sĩ, đồng bào miền Nam được ra viếng Bác. Xúc động tận đáy lòng, thay mặt đồng bào miền Nam, nhà thơ viết bài thơ Viếng lăng Bác.
18. Sang thu.
Bài thơ được Hữu Thỉnh sáng tác vào gần cuối năm 1977 (sau ngày giải phóng đất nước 2 năm) trong một cuộc thi sáng tác thơ ca tại trại hè. Bài thơ được in lần đầu ở báo Văn nghệ, sau đó in trong tập thơ Từ chiến hào đến thành phố (xuất bản năm 1991).
Sang thu là những cảm nhận hết sức tinh tế của nhà thơ trước khoảnh khắc giao mùa và những suy ngẫm của tác giả về cuộc đời ẩn chứa qua bức tranh thiên nhiên ấy.