CÁCH TIẾP CẬN VÀ CẢM THỤ MỘT SỐ THỂ LOẠI TRỮ TÌNH ( Bồi dưỡng Ngữ Văn 7 – Buổi 2 )

BUỔI 2: CÁCH TIẾP CẬN VÀ CẢM THỤ MỘT SỐ THỂ LOẠI TRỮ TÌNH

      Tác phẩm văn học nào cũng biểu hiện tư tưởng , tình cảm nhưng tác phẩm trữ tình lại thể hiện tình cảm theo cách riêng .

Từ những câu ca dao xưa tới những bài thơ đương đại, dấu hiệu chung của tác phẩm trữ tình là sự biểu hiện trực tiếp của thế giới chủ quan của con người . Đó là cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ của chính tác giả . Và biểu hiện trực tiếp những cảm xúc, suy tưởng của con người là cách phản ánh thế giới của tác phẩm trữ tình.

     Muốn hiểu được một tác phẩm trữ tình thì chúng ta cần hiểu hai lớp nội dung :

    – Nội dung hiện thực đời sống .

    – Nội dung của những ý nghĩ, cảm xúc, suy tư ẩn sau hiện thực đời sống

      Cụ thể hơn đó chính là hiểu: cảnh và tình, sự và tình trong mỗi tác phẩm .

I. Cách tiếp cận và cảm thụ một số thể loại trữ tình đã học

1. Ca dao

   – Ca dao chính là những lời nói tâm tình, là những bài ca bắt nguồn từ tình cảm trong mối quan hệ của những người trong cuộc sống hàng ngày : tình cảm với cha mẹ , tình yêu nam nữ , tình cảm vợ chồng , tình cảm bạn bè …

  – Tác phẩm ca dao trữ tình thường tập trung vào những điều sâu kín tinh vi và tế nhị của con người nên không phải lúc nào ca dao cũng giãi bày trực tiếp mà phải tìm đường đến sự  xa xôi , nói vòng , hàm ẩn đa nghĩa . Chính điều ấy đòi hỏi người cảm thụ phải nắm được những biện pháp nghệ thuật mà ca dao trữ tình thường sử dụng như : ẩn dụ so sánh ví von :

Ví dụ :

Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

  – Phải hiểu rõ hai lớp nội dung hiện thực – cảm xúc suy tư . “.”

    Ví dụ trong bài ca dao

  Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn .

      Bức tranh đời sống trong bài ca dao được tái hiện lên rất cụ thể, sinh động :

      Một vẻ đẹp “ Không gì đẹp bằng” của hoa sen trong đầm . Đó là vẻ đẹp rực rỡ, đầy màu sắc và hương thơm , một vẻ đẹp vươn lên giữa bùn lầy mà vẫn vô cùng thanh khiết trắng trong .

       Vẻ đẹp của loài hoa này đã được tác giả khảng định bằng phương thức so sánh tuyệt đối :

Trong đầm gì đẹp bằng sen

       Tiếp đến là mô tả cụ thể từng bộ phận của cây sen để chứng minh vẻ đẹp của nó

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng  .

       Cây sen , hoa sen hiện lên với dáng vẻ, màu sắc, hương thơm . Sự đối sánh bất ngờ trong mối liên quan với hoàn cảnh càng khảng định phẩm chất của loài sen, một phẩm chất tốt đẹp bên trong tương ứng với vẻ bên ngoài .

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn .

        Không chỉ dừng lại ở đó, bài ca giao còn là lời ngợi ca, khảng định, tự hào về phẩm chất không chỉ của loài hoa đẹp đẽ , giản dị , gần gũi với người lao động mà còn của những con người có phẩm chất thanh cao trong sạch , những con người không bao giờ bị tha hoá bởi hoàn cảnh .

2. Thơ trữ tỡnh trung đại và hiện đại

   – Nắm vững hoàn cảnh sáng tác, cuộc đời và sự nghiệp của từng tác giả . Bởi vì có những tác phẩm : “Trữ tình thế sự ”, đó là những tác phẩm ghi lại những xúc động, những cảm nghĩ về cuộc đời về thế thái nhân tình. Chính thơ “ trữ tình thế sự ” gợi cho người đọc đi sâu suy nghĩ về thực trạng xã hội. Cả hai tác giả Nguyễn Trãi – Nguyễn Khuyến đều sáng tác rất nhiều tác phẩm khi cáo quan về quê ở ẩn . Phải chăng từ những tác phẩm của Nguyễn Trãi , Nguyễn Khuyến thì người đọc hiểu được suy tư về cuộc đời của hai tác giả đó .

    – Hiểu rõ ngôn ngữ thơ trữ tình giàu hình ảnh

       Hình ảnh trong thơ không chỉ là hình ảnh của đời sống hiện thực mà còn giàu màu sắc tưởng tượng bởi khi cảm xúc mãnh liệt thì trí tưởng tượng có khả năng bay xa ngoài “vạn dặm ”

Ví dụ :

Nước sông tuôn thẳng ba ngàn thước

 Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây .

                                                                                         Lý Bạch

      Mục đích chính của hình ảnh trong thơ trữ tình là sự khách thể hoá những rung cảm nội tâm , bởi thế giới tinh thần và cảm xúc con người vốn vô hình nên nhất thiết phải dựa vào những điểm tưạ tạo hình cụ thể để được hữu hình hoá. Một nỗi nhớ vốn không nhìn thấy được đã trở lên cụ thể đầy khắc khoải, bồn chồn:

Nhớ gỡ như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương

(Tố Hữu)

    – Ngôn ngữ thơ trữ tình giàu nhạc tính . Bởi thơ phản ánh cuộc sống qua những rung động của tình cảm . Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng từ ngữ mà bằng cả âm thanh nhịp điệu của từ ngữ ấy . Nhạc tính trong thơ thể hiện ở sự cân đối tương xứng hài hoà giữa các dòng thơ .

Ví dụ :

Gác mái ngư ông về viễn phố

Gõ sừng mục tử lại cô thôn  .

(Huyện Thanh Quan)

      Nhạc tính còn thể hiện ở sự trầm bổng của ngôn ngữ thơ . Đó là sự thay đổi âm thanh cao thấp khác nhau . Chính âm thanh của chữ nghĩa đã tạo nên những điều mà nghĩa không thể nói hết :

Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa

Một buổi trưa , nắng dài bãi cát

Gió lộng xôn xao , sóng biển đu đưa

Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát .

(Tố Hữu)

    – Đặc điểm nổi bật của thơ trữ tình là rất hàm xúc điều đó đòi hỏi người cảm thụ phải tìm hiểu từ lớp ngữ nghĩa , lớp hình ảnh , lớp âm thanh, nhịp điệu để tìm hiểu nghĩa đen, nghĩa bóng  .

Ví dụ :

Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều

Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu .

(Nguyễn Đình Thi )

      – Nắm rõ các giá trị nghệ thuật mà thơ trữ tình  sử dụng . Đó là các phép tu từ ẩn dụ nhân hoá, so sánh, ví von . Cách thể hiện tình cảm thường được thông qua các cách miêu tả : “ Cảnh ngụ tĩnh ” . Ai cũng biết , mọi cảm xúc tâm trạng suy nghĩ của con người đều là cảm xúc về cái gì ? Tâm trạng hiện thực nào – Suy nghĩ về vấn đề đó . Do vậy các sự kiện đời sống được thể hiện một cách gián tiếp . Nhưng cũng có bài thơ trữ tình trực tiếp miêu tả bức tranh phong cảnh làm nhà thơ xúc động :

Bước tới đèo ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia  .

(Bà Huyện Thanh Quan)

         Đến đây người đọc cảm nhận thấy : Từ cảnh vật đèo Ngang – tâm trạng buồn thương cô đơn của tác giả .

      – Thơ trữ tình có nét khác biệt hẳn với lời thơ tự sự . Người cảm nhận thơ trữ tình phải hiểu rõ ngôn ngữ thơ trữ tình thường là lời đánh giá trực tiếp chủ thể đối với cuộc đời

Ví dụ:

“ Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi

Rừng cọ đồi chè,đồng xanh ngào ngạt ”

 (Tố Hữu)

     Ngay khi miêu tả, lời thơ cũng là lời đánh giá:

Nông trường ta rộng mênh mông

Trăng lên, trăng lặn cũng không ra ngoài

 (Tế Hanh)

     Chính việc đánh giá trực tiếp làm cho lời thơ chữ tình căn bản khác với lời tự sự là lời miêu tả. Và lời thơ trữ tình là lời của chủ thể:

Ví dụ:     

Trời xanh đây là của chúng ta

 Núi rừng đây là của chúng ta.

 (Nguyễn Đình Thi)

3. Thể loại tùy bút

     – Hiểu rõ tuỳ bút là thể loại văn xuôi phóng khoáng. Nhà văn theo ngọn bút mà suy tưởng, trần thuật nhưng thực chất là thả mình theo dòng liên tưởng, cảm xúc mà  tả người  kể việc.

      Ví dụ:  Trong “ Thương nhớ mười hai ” Vũ Bằng, nhà văn đã đi sâu theo dòng hồi ức với những kỷ niệm đầy ắp thân thương về mười hai mùa trong năm. Mỗi tháng là một kỷ niệm sâu đậm. “ Tháng giêng ” với cảm xúc về những ngày tết với “ Gió lành lạnh – mưa riêu riêu – với tiếng trống chèo từ xa vẳng lại ”.Tất cả như muốn “ Người ta trẻ lại – tim đập nhanh hơn – ngực tràn trề nhựa sống ”…

      Chính thể loại tuỳ bút giúp chúng ta hiểu được nhân cách, chủ thể giàu có về tâm tìnhcủa nhà văn.

* Trong tác phẩm trữ tình, tình cảm cảm xúc có khi được biểu hiện một cách trực tiếp song thông thường nó được biểu hiện một cách gián tiếp. Khi cảm nhận, thưởng thức tác phẩm trữ tình không được thoát li văn bản. Phải đọc thật kỹ văn bản ( đọc tìm hiểu – đọc cảm thụ …) Đặc biệt không thêr dừng lại ở bề mặt ngôn từ mà phải đi tìm hiểu ý nghĩa hàm ẩn – tìm hiểu giá trị nghệ thuật và nội dung của tác phẩm.

—————

Xem tiếp phần BÀI TẬP