Bài 1: Sự hình thành trật tự thế giới mới sau chiến tranh ( 1945 – 1949 )

Chương I

Bài 1: SỰ HÌNH THÀNH TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI SAU CHIẾN TRANH ( 1945 – 1949)

Giới thiệu:

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử thế giới hiện đại. Một trật tự thế giới mới từng bước được thiết lập sau chiến tranh – Trật tự hai cực Ianta. Thế giới phân chia thành hai phe: Tư bản chủ nghĩa do Mĩ đứng đầu Phe Xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu. Hầu hết các nước trên thế giới đều bị phân hóa bởi hai đặc trưng trên. Trong bối cảnh ấy Liên Hợp Quốc ra đời như là một công cụ để duy trì trật tự thế giới vừa mới được thiết lập. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu bài học hôm nay để nắm được những vấn đề trên.

1. Hội nghị Ianta (2-1945) và những thỏa thuận của ba cường quốc

 – Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, nhiều vấn đề bức thiết đặt ra.

– Từ ngày 4 đến ngày 11/2/1945, một Hội nghị quốc tế được triệu tập tại Ianta (Liên Xô) với sự tham gia của nguyên thủ ba cường quốc: I. Xtalin (Liên Xô), Ph. Rudơven (Mĩ), U. Sớcsin (Anh).

– Hội nghị đã đưa ra những quyết định quan trọng:

 + Nhanh chóng tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.

 + Thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc.

 + Phân chia phạm vi ảnh hưởng của 3 cường quốc ở Châu Âu và Châu Á.

– Những quyết định của hội nghị Ianta cùng với những thoả thuận sau đó của ba cường quốc đã trở thành khuôn khổ của trật tự thế giới mới sau chiến tranh – trật tự 2 cực Ianta.

Thực chất của Hội nghị Ianta là nhằm để tranh giành, phân chia thành quả của cuộc chiến tranh chống phát xít tương ứng với so sánh lực lượng và vị trí, đóng góp của mỗi nước trong cuộc chiến tranh, sự phân chia này lại có liên quan mật thiết tới hòa bình an ninh và trật tự thế giới sau này.

 Những quyết định tại Hội nghị Ianta đã tạo nên cục diện mới trong quan hệ quốc tế: Thế giới hình thành hai cực: Trật tự 2 cực Ianta.

2. Sự thành lập Liên Hợp Quốc  ( UNITED NATIONS )

a. Sự thành lập:

 – Từ ngày 25/4 đến ngày 26/6/1945, hội nghị quốc tế gồm đại biểu của 50 nước họp tại San Phranxixcô (Mĩ) đã thông qua Hiến chương và tuyên bố thành lập Liên Hợp Quốc ( hay Liên Hợp Quốc )

b. Mục đích của Liên Hợp Quốc:

 – Duy trì hòa bình, an ninh thế giới và phát triển các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới.

c. Nguyên tắc hoạt động:

– Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc.

– Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các nước

– Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kì nước nào

– Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình

– Chung sống hòa bình và sự nhất trí giữa 5 nước lớn (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, và Trung Quốc).

Nguyên tắc thứ 5 -> là nguyên tắc cơ bản và quan trọng để Liên Hợp Quốc thực hiện chức năng duy trì trật tự thế giới mới; ngăn chặn không cho một cường quốc nào khống chế  được Liên Hợp Quốc vào mục đích bá quyền nước lớn.

d. Bộ máy tổ chức:

– Gồm 6 cơ quan chính:

    + Đại hội đồng

    + Hội đồng bảo an

    + Hội đồng quản thác

    + Hội đồng kinh tế – xã hội

    + Tòa án quốc tế

    + Ban thư kí

– Ngoài ra Liên Hợp Quốc còn có các tổ chức chuyên môn khác

– Trụ sở chính đặt tại New York (Mĩ)

Thiết kế của tòa nhà Liên Hợp Quốc khá đặc biệt nên có thể nhận thấy dễ dàng

e. Vai trò:

–  Duy trì hòa bình và an ninh thế giới

– Giải quyết nhiều vụ tranh chấp, xung đột khu vực.

– Thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế,…