Bài 41: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên

CHƯƠNG X: MÔI TRƯỜNG VÀ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
BÀI 41: MÔI TRƯƠNG VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

I. Môi trường

– Môi trường xung quanh hay môi trường địa lí là không gian bao quanh Trái Đất, có quan hệ trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người.

– Môi trường sống của con người là tất cả hoàn cảnh bao quanh con người có ảnh hưởng đến sự sống phát triển của con người.

– Môi trường sống của con người gồm:

 + Môi trường tự nhiên: Gồm tất cả những gì thuộc về tự nhiên ở xung quanh con người,có mối quan hệ trực tiếp hay gián tiếp đến sự sinh trưởng,phát triển và tồn tại của con người.

 + Môi trường xã hội: Bao gồm các mối quan hệ xã hội trong sản xuất, trong phân phối, trong giao tiếp.

 + Môi trường nhân tạo: Bao gồm các đối tượng lao động do con người sản xuất ra và chịu sự chi phối của con người.

– Sự khác nhau giữa môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo:

  + Môi trường tự nhiên: xuất hiện trên bề mặt trái đất không phụ thuộc vào con người,con người tác động vào môi trường tự nhiên thay đổi, nhưng các thành phần tự nhiên vẫn phát triển theo quy luật tự nhiên.

  + Môi trường nhân tạo: là kết quả lao động của con người,phụ thuộc vào con người,con người không tác động vào thì các thành phần của môi trường nhân tạo sẽ bị hủy hoại.

II. Chức năng của môi trường , vai trò của môi trường đối với sự phát triển xã hội loài người.

1.Chức năng.

– Là không gian sống của con người

– Là nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên

– Là nơi chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra

2. Vai trò

Môi trường tự nhiên có vai trò rất quan trọng với xã hội loài người nhưng không có vai trò quyết định đến sự phát triển xã hội loài người (vai trò quyết định sự phát triển xã hội là phương thức sản xuất bao gồm sức sản xuất và quan hệ sản  xuất).

III. Tài nguyên thiên nhiên

Khái niệm :

Là các thành phần của tự nhiên mà ở trình độ nhất định  của sự phát triển lực lượng sản xuất  chúng được sử dụng hoặc

có thể được sử dụng làm phương tiện sản xuất và làm đối tượng tiêu dùng.
– Phân loại :

– Theo thuộc tính tự nhiên: đất, nước, khí hậu, sinh vật, khoáng sản.

– Theo công dụng kinh tế: tài nguyên nông nghiệp, công nghiệp, du lịch.

– Theo khả năng có thể hao kiệt trong quá trình sử dụng của con người:

       + Tài nguyên không khôi phục được: khoáng sản.

       + Tài nguyên khôi phục được: động thực vật, đất trồng.

       + Tài nguyên không bị hao kiệt: năng lượng mặt trời, không khí, nước.