Bài 13: Những kiến thức cơ bản về Nghị luận xã hội

Ôn thi THPT môn Ngữ Văn- Phần II: NLXH

NHỮNG KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

 I. Hệ thống kiến thức sử dụng trong chuyên đề

– Kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, kiến thức về kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội…

– Kiến thức về đời sống xã hội, hiện tượng đời sống, vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học qua các tài liệu tham khảo và hướng dẫn giảng dạy dành cho giáo viên và học sinh.

– Các đề thi Đại học, THPT Quốc gia trong các năm gần đây.

II. Hệ thống các dạng đề nghị luận xã hội

– Nghị luận về một tư tưởng đạo lí.

– Nghị luận về một hiện tượng đời sống.

– Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.

III. Hệ thống các phương pháp

– Phân loại các dạng đề nghị luận xã hội theo cấu trúc đề thi Đại học trong những năm gần đây.

– Tổ chức hệ thống kiến thức cơ bản, ôn luyện và hướng dẫn làm một số dạng đề thường gặp trong các kỳ thi Đại học, kỳ thi THPT Quốc gia.

– Vận dụng phương pháp đàm thoại, tổ chức, hướng dẫn học sinh cách làm các dạng đề.

– Trong quá trình ôn thi GV có thể đọc một số đoạn văn mẫu, bài văn mẫu cho HS tham khảo.

IV. Kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội.

1. Tìm hiểu chung về văn nghị luận xã hội

– Tính chất của đề văn nghị luận xã hội: Đó là bài văn nghị luận mà chủ đề là một vấn đề thuộc phạm trù khoa học xã hội bao hàm nhiều lĩnh vực khác nhau như: đạo đức, văn hoá, giáo dục, lao động việc làm, chính trị, tai tệ nạn xã hội…

Những vấn đề xã hội được khai thác làm đề thi thường liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thanh niên và nằm trong khả năng hiểu biết, khả năng xem xét đánh giá của thanh niên.

2. Các kỹ năng cần rèn luyện khi làm bài văn nghị luận xã hội

2.1. Thu thập và tích lũy kiến thức về xã hội.

2.1.1.Nguồn kiến thức: Từ đời sống xã hội, qua internet, sách, đài, báo…

2.1.2. Cách thu thập kiến thức

– Thu thập kiến thức, dẫn chứng theo chủ đề: lý tưởng, mục đích sống, tâm hồn, tính cách, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, cách ứng xử; tai nạn giao thông, hiện tượng môi trường bị ô nhiễm, những tiêu cực trong thi cử, nạn bạo hành trong gia đình, phong trào thanh niên tiếp sức mùa thi, cuộc vận động giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, cuộc đấu tranh chống nạn phá rừng, những tấm gương người tốt việc tốt…).

– Ghi chép kiến thức và dẫn chứng trong cuốn sổ tay văn học một cách ngắn gọn, đầy đủ, chính xác, có hệ thống.

2.2. Kỹ năng phân tích đề.

– Đọc kỹ đề, gạch chân những từ ngữ quan trọng để:

 + Xác định nội dung nghị luận.

 + Xác định các thao tác nghị luận.

 + Xác định phạm vi kiến thức, dẫn chứng.

2.3. Kỹ năng lập ý, lập dàn ý (kỹ năng xác lập luận điểm, luận cứ).

2.3.1. Lập ý:

– Căn cứ vào đề (cả phần chỉ dẫn) để xác lập luận điểm, luận cứ, luận chứng( xác lập ý lớn, ý nhỏ…).

– Xác lập ý theo một trình tự khoa học, logic.

2.3.2. Lập dàn ý:

– Mở bài: Giới thiệu vấn đề, nêu luận đề (nếu có- dẫn nguyên văn hoặc tóm tắt nội dung chính của vấn đề).

– Thân bài (tùy thuộc vào từng dạng đề nghị luận về tư tưởng đạo lý hay nghị luận về hiện tượng đời sống hoặc nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm để triển khai ý)

 + Giải thích vấn đề.

 + Phân tích, bình luận vấn đề (nếu là đề nghị luận về một hiện tượng đời sống phải phân tích hiện trạng, chỉ ra nguyên nhân, hậu quả…).

– Kết bài: Rút ra bài học nhận thức và hành động; bày tỏ suy nghĩ riêng của người viết (đối với bài nghị luận về một hiện tượng đời sống).

2.4. Kỹ năng sử dụng các thao tác lập luận

* Các thao tác lập luận thường được sử dụng trong kiểu bài này là giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ. Yêu cầu HS phải nắm vững các thao tác này.

– Sử dụng thao tác lập luận giải thích để làm rõ ý nghĩa vấn đề, các nghĩa tường minh, nghĩa hàm ẩn (nếu có)

– Sử dụng thao tác lập luận phân tích để chia tách vấn đề thành nhiều khía cạnh, nhiều mặt, chỉ ra các biểu hiện cụ thể của vấn đề.

– Sử dụng thao tác lập luận chứng minh để làm sáng tỏ vấn đề, dẫn chứng chủ yếu dùng tư liệu thực tế, có thể lấy dẫn chứng trong thơ văn nhưng không cần nhiều(tránh lạc sang nghị luận văn học)

– Sử dụng thao tác lập luận so sánh, bình luận, bác bỏ để đối chiếu với các vấn đề khác cùng hướng hoặc nghịch hướng, phủ định những cách hiểu sai lạc, bàn bạc tìm ra phương hướng.

 Tùy theo từng dạng đề nghị luận xã hội để sử dụng các thao tác lập luận cho hợp lý.

2.5.  Viết đoạn văn nghị luận.

– Xác định viết đoạn văn theo cách nào (diễn dịch, quy nạp, song hành, tổng phân hợp…).

– Bố cục của đoạn văn có mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

– Các câu trong đoạn văn phải cùng thể hiện một chủ đề chung của đoạn văn.

– Đầu đoạn văn phải viết hoa và lùi đầu dòng. Cuối đoạn văn phải có dấu chấm hết. Đoạn văn chỉ nên viết khoảng mười đến mười lăm dòng tránh viết đoạn văn cả một trang giấy thậm chí hai trang giấy.

2.6. Kỹ năng mở bài, kết bài của bài văn nghị luận xã hội.

2.6.1. Kỹ năng mở bài

– Có hai cách mở bài: mở bài theo lối trực tiếp, mở bài theo lối gián tiếp

– Nguyên tắc mở bài: giới thiệu đúng vấn đề, mở bài một cách ngắn gọn, không được phân tích, giải thích, bình luận lấn sang phần thân bài.

– Để phần mở bài gây được sự chú ý với người đọc, người viết có thể mở bài bằng cách trích danh ngôn có nội dung, ý nghĩa đúng với vấn đề hoặc mở bài bằng cách dẫn dắt nội dung bằng câu chuyện nhỏ liên quan đến nội dung của đề bài hoặc mở bài bằng cách đặt câu hỏi.

2.6.2. Kỹ năng viết kết bài

Kết bài phải khái quát được vấn đề, từ đó phải nêu ra được bài học nhận thức và hành động; Bày tỏ suy nghĩ riêng của người viết.

 – Kết bài cũng phải tuân theo nguyên tắc: Viết ngắn gọn, khái quát trong một đoạn văn khoảng 5 đến 7 dòng.

 – Kết bài cũng có thể mượn câu danh ngôn, câu thơ… phù hợp với nội dung nêu ở phần thân bài.

2.7. Kỹ năng lựa chọn và phân tích dẫn chứng.

– Trong bài nghị luận xã hội, người viết phải huy động cả dẫn chứng trong sách vở và thực tế đời sống.

– Mục đích của việc đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận xã hội là để người đọc người nghe tin vào lý lẽ, lập luận của người viết nên dẫn chứng đưa vào bài văn phải thật chính xác, toàn diện tránh đưa dẫn chứng một cách tràn lan, lệch hoặc không sát với vấn đề nghị luận. Dẫn chứng cần phải đan xen trong bài viết. Khi đưa dẫn chứng cần có sự phân tích dẫn chứng để cho bài văn sâu sắc.

2.8. Kỹ năng diễn đạt, triển khai ý và kỹ năng trình bày của bài văn nghị luận xã hội.

– Kỹ năng diễn đạt: Bài viết phải thể hiện được quan điểm, lập trường tư tưởng của người viết đối với vấn đề đặt ra trong bài văn. Để làm được điều đó người viết phải xác định được tư cách của người viết đối với vấn đề dặt ra trong đề bài.

 Bài viết diễn đạt trong sáng dễ hiểu, tự nhiên, linh hoạt, ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ. Lời văn có sự kết hợp giữa lý và tình. Tránh viết lan man, dài dòng và sử dụng những từ ngữ xa lạ.

– Kỹ năng triển khai ý: triển khai ý một cách rõ ràng, mạch lạc, khoa học tuân thủ theo những thao tác kỹ năng, trình tự xắp xếp các luận điểm, luận cứ .

– Trình bày bài văn phải sạch đẹp, rõ ràng, khoa học.

– Để bồi dưỡng thêm kỹ năng trình bày, diễn đạt học sinh có thể đọc tham khảo các bài văn mẫu- các bài nghị luận hay ở các sách tham khảo hay của học sinh giỏi đạt điểm cao.