Xuất Dương Lưu Biệt

LƯU BIỆT KHI XUẤT DƯƠNG

(Xuất dương lưu biệt – Phan Bội Châu )

I – TIỂU DẪN

1 – Phan Bội Châu

–  Phan Bội Châu (1867 – 1940) tên thuở nhỏ là Phan Văn San, biệt hiệu chính là Sào Nam, quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

–  Vào những năm cuối thế kỉ XIX, ông là một trong những nhà nho đầu tiên nuôi ý tưởng đi tìm một con đường cứu nước mới. Sau khi đỗ Giải nguyên (1900), ông lập ra Duy tân hội. Theo chủ trương của hội, ông lãnh đạo phong trào Đông du và xuất dương sang Nhật Bản (1905).

–  Năm 1925, thực dân Pháp bắt cóc ông ở Thượng Hải (Trung Quốc), đưa về nước, định bí mật thủ tiêu. Nhân dân đấu tranh sôi sục, nhà cầm quyền buộc phải đưa ông ra xử công khai tại Hà Nội. Phan Bội Châu được trắng án, nhưng bị giam lỏng ở Huế cho đến lúc qua đời.

–  Không những là nhà yêu nước và cách mạng, Phan Bội Châu còn là nhà văn lớn. Tác phẩm chính của ông : Việt Nam vong quốc sử (1905), Hải ngoại huyết thư (1906), Ngục trung thư (1914)…

–  Thơ của Phan Bội Châu thể hiện khả năng tư duy nhạy bén và không ngừng đổi mới, tài năng sáng tạo đa dạng, phong phú bằng những vần thơ sục sôi nhiệt huyết của mình.

2 – Bài thơ Lưu biệt khi xuất dương

          Vào những năm đầu thế kỉ XX, đối với các nhà yêu nước Việt Nam, hướng về Nhật Bản cũng có nghĩa là hướng về một chân trời mới đầy hi vọng và ước mơ. Năm 1905, trước lúc lên đường sang Nhật Bản, ông làm bài thơ Lưu biệt khi xuất dương để từ giã bạn bè, đồng chí.

II – VĂN BẢN

1. LỜI GIỚI THIỆU

Có thể nói Phan Bội Châu là linh hồn của các phong trào vận động cách mạng chống thực dân Pháp. Cuộc đời Phan Bội Châu hoàn toàn hi sinh cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và những thập niên đầu thế kỉ XX. Thơ văn ông là vũ khí tuyên truyền, vận động cách mạng sắc bén, là những lời tâm huyết chứa chan lòng yêu nước.

Có thể thấy những điều nói trên qua bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của ông (dẫn lại bài thơ và nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ).

2. NỘI DUNG CHÍNH

Mở đầu bài thơ, nhân vật trữ tình trực tiếp thể hiện một lí tưởng sống, một khát vọng mang tầm vóc lớn lao :

Làm trai phải lạ ở trên đời

Há để càn khôn tự chuyển dời.

Theo đó, là đấng nam nhi sinh ra ở đời thì phải làm được những việc “lạ”, tức là những việc lớn lao, phi thường. Cụ thể, làm trai phải chủ động xoay chuyển trời đất, không để trời đất tự chuyển vần.

Thực ra, từ xa xưa, chí làm trai đã thường được nói đến trong văn học:

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu

(Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão)

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông.

(Đi thi tự vịnh – Nguyễn Công Trứ).

Tuy nhiên, quan niệm về chí làm trai của Phan Bội Châu vẫn có được những nét mới mẻ riêng. Đặt trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ, chí làm trai đó chính là chủ động tiến hành sự nghiệp cứu nước.

Đến hai câu thực, ý tưởng của nhân vật trữ tình được triển khai rõ hơn. Đó là ý thức trách nhiệm cá nhân trước thời cuộc :

Trong khoảng trăm năm cần có tớ

Sau này muôn thuở, há không ai ?

Hai câu thơ bộc lộ ý thức sâu sắc về “cái tôi” cá nhân tích cực : Giữa khoảng trăm năm này cần phải có ta chứ (cần có tớ), chẳng nhẽ ngàn năm sau (sau này) lại không có ai (để lại tên tuổi) ư ? Cái tôi này chẳng những khẳng định trách nhiệm đối với hiện tại, tức là đối với vận mệnh hôm nay của đất nước, mà còn khẳng định nghĩa vụ đối với lịch sử muôn đời. Thật là tư thế của con người có chí khí lớn !

Tư thế ấy càng được khẳng định hiên ngang hơn nữa ở hai câu luận. Đó là thái độ quyết liệt của “cái tôi” cá nhân trước tình đất nước và những tín điều xưa cũ :

Non sông đã chết, sống thêm nhục

Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài.

Ở con người này, số phận gắn làm một với số phận đất nước, sống chết cùng non sông, vinh nhục cùng Tổ quốc.

Ở đây, nhân vật trữ tình tuy nói về mình nhưng cũng là nói cho cả thế hệ, cả một dân tộc đang chuyển mình theo một lí tưởng cứu nước mới, phù hợp với thời đại mới. Hiền thánh đã chết, kinh sử mất thiêng, nhà thơ dứt khoát hướng thẳng về tương lai, đầy lạc quan tin tưởng.

Bài thơ kết thúc bằng hai câu tuyệt đẹp, đầy cảm hứng lãng mạn. Đó là khát vọng hành động và tư thế buổi lên đường của kẻ “làm trai” :

Muốn vượt bể Đông theo cánh gió

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

Đúng là con đại bang cất cánh bay ra biển khơi, bay vào thời đại. Hình ảnh thơ, nếu hiểu đúng như nguyên tác, còn lãng mạn và hào hùng hơn nữa : “Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”. Con người ở đây như được chắp thêm đôi cánh thiên thần bay lên cùng gió mây. Với các hình ảnh : trường phong, Đông hải khứ, Thiên trùng bạch lãng – nhất tề phi…càng làm nổi rõ khát vọng mãnh liệt và tư thế hiên ngang buổi lên đường “xuất dương”.

3. KẾT LUẬN

Bằng giọng thơ tâm huyết có sức lay động mạnh mẽ, “Lưu biệt khi xuất dương” đã khắc hoạ vẻ đẹp lãng mạn hào hùng của nhà chí sĩ cách mạng những năm đầu thế kỉ XX, với tư tưởng mới mẻ, táo bạo, bầu nhiệt huyết sôi trào và khát vọng cháy bỏng trong buổi ra đi tìm đường cứu nước.