Ôn tập bài Đây thôn vĩ dạ

ĐÂY THÔN VĨ DẠ

HÀN MẶC TỬ

I – TIỂU DẪN

1 – Nhà thơ Hàn Mặc Tử

–  Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, sinh ở làng Lê Mĩ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Đồng Hới (nay là tỉnh Quảng Bình) trong một gia đình viên chức nghèo theo đạo Thiên chúa.

–  Cha mất sớm, ông sống cùng mẹ ở Quy Nhơn và có hai năm học trung học tại Huế. Sau đó ông làm công chức ở Bình Định rồi vào Sài Gòn làm báo. Năm 1936, Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong và về Quy Nhơn chữa bệnh. Ông mất tại trại phong Quy Hoà.

–  Hàn Mặc Tử làm thơ từ năm 14, 15 tuổi với các bút danh : Phong Trần, Lệ Thanh…; bắt đầu bằng thơ cổ điển Đường luật, sau chuyển sang thơ mới lãng mạn. Thơ Hàn Mặc Tử thể hiện một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế.

–  Tác phẩm tiêu biểu : Gái quê (1936), Thơ Điên (1938), Xuân như ý

2 – Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

–  Đây thôn Vĩ Dạ (lúc đầu có tên Ở đây thôn Vĩ Dạ) sáng tác năm 1938, in trong tập Thơ Điên (về sau đổi thành Đau thương).

–  Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên dòng sông Hương nơi xứ Huế thơ mộng và trữ tình.

II – VĂN BẢN

1. LỜI GIỚI THIỆU

Làm thơ từ tuổi mười bốn, mười lăm và chỉ có mười mấy năm “kết duyên” với Thơ mới, Hàn Mặc Tử đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người yêu thơ Việt Nam. Hồn thơ Hàn Mặc Tử đa dạng phong phú vừa mang nỗi quặn đau với những hình ảnh thường “vẩn đục”, vừa mang đến những hình ảnh trong trẻo hiền hoà đến lạ thường.

Ta gặp ở “Đây thôn Vĩ Dạ” một tình cảm yêu thương đằm thắm, bâng khuâng và nỗi khao khát hướng đến hơi ấm tình người, hướng đến “ngôi vườn” cuộc đời qua bức tranh thiên nhiên xứ Huế bình yên, thơ mộng.

Một trong những nét độc đáo ấy của Đây thôn Vĩ Dạ có thể là (khổ thơ thứ …) …

2. NỘI DUNG CHÍNH

1 – Khổ thơ đầu

Mở đầu đoạn thơ (cũng là mở đầu bài thơ) là một câu hỏi :

Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?

Câu hỏi vừa như lời trách móc nhẹ nhàng của người con gái thôn Vĩ (mà tác giả tưởng tượng ra) vừa là lời tự vấn sao không về Vĩ Dạ của nhà thơ. Câu thơ mang giọng điệu của một lời mời gọi tha thiết về thôn Vĩ, vừa nhẹ nhàng vừa dễ thương như một duyên cớ gợi nhớ những hình ảnh của thôn Vĩ ngày nào trong kí ức nhà thơ – một thời từng là cậu học trò trường Pe-lơ-ranh xứ Huế với trái tim đa cảm.

Hãy về thôn Vĩ, bởi thôn Vĩ là bức tranh thiên nhiên tràn ngập sức sống :

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Cảnh thôn Vĩ đẹp nhất là vào những buổi bình minh với những ánh nắng hồng đầu tiên trong ngày. “Nắng mới lên” là nắng đầu tiên của một ngày mới mẻ, ấm áp. Không phải là “nắng ban mai”, hay “nắng mai”,… như cách nói thông thường. Chữ “mới” tô đậm cái trong trẻo, tinh khiết của những tia nắng đầu tiên trong ngày. Thi nhân như đã theo “nắng mới lên” mà về với Vĩ Dạ.

Đặc trưng của thôn Vĩ Dạ là những hàng cau thẳng tắp. Cau là cây cao nhất trong vườn nên sớm đón được những tia nắng đầu tiên của một ngày. Vì thế, “nắng hàng cau” là nắng thanh tân, tinh khôi, là nắng thiếu nữ.

Câu thơ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” cất lên như một tiếng reo vui, một lời suýt xoa của thi nhân trước vẻ đẹp vô ngần của thôn Vĩ. Từ “mướt” như ánh lên vẻ mượt mà, óng ả, đầy xuân sắc, một màu xanh mỡ màng, tràn trề nhựa sống của Vĩ Dạ. “Xanh như ngọc” là màu xanh lung linh, ngời sáng, long lanh.

Ở hai câu thơ này, cả vườn Vĩ được tắm gội bởi sương đêm, đang chìm trong giấc ngủ thì được đánh thức và bừng lên trong ánh nắng hồng ban mai. Nắng mai rót vào vườn cứ đầy dần lên, đến khi ngập tràn thì nó biến cả khu vườn thành một đảo ngọc giữa chốn “nước non thanh tú” của quê hương xứ sở.

Đến câu thơ cuối, cảnh thôn Vĩ càng đẹp hơn khi có sự xuất hiện của con người :

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Lâu nay, “mặt chữ điền” vẫn được hiểu là khuôn mặt đàn ông. Tuy nhiên, trong ca dao miền Trung, “mặt chữ điền” cũng để chỉ khuôn mặt đẹp phúc hậu, khả ái của người phụ nữ : “Mặt má bầu ngó lâu muốn chửi – Mặt chữ điền tiền rưỡi cũng mua”. Gương mặt chữ điền vuông vắn ấy xuất hiện đằng sau vẻ mảnh mai, thanh tú của “lá trúc”. Hình ảnh “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” vì thế càng làm tăng thêm vẻ sinh động của bức tranh thôn Vĩ, bởi ở đây thiên nhiên và con người hài hoà với nhau trong một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng và thơ mộng.

Trong thơ, ngoại cảnh cũng là nội tâm. Đặt bức tranh thôn Vĩ đẹp trong nỗi niềm của thi nhân hướng về người con gái Vĩ Dạ mà tác giả đang thầm thương trộm nhớ, ta hình dung được tâm trạng của nhà thơ. Đó là niềm vui khi nhận được tín hiệu tình cảm của người trong mộng (tất nhiên đây chỉ là cảm nhận của Hàn Mặc Tử), là niềm hi vọng loé sáng về tình yêu, hạnh phúc.

Tóm lại, đọc khổ thơ đầu ta cảm nhận được bức tranh thôn Vĩ đẹp, tươi sáng, trong trẻo, gợi cảm và đầy sức sống. Đồng thời, đó cũng là niềm hi vọng hạnh phúc của thi nhân.

2 – Khổ thơ thứ hai

Trong khổ thơ thứ hai, nhà thơ đặc tả cảnh sông nước mây trời xứ Huế, đồng thời bộc lộ một niềm hoài vọng bâng khuâng.

Ở hai câu thơ đầu, bức tranh hiện ra là khung cảnh thiên nhiên ban ngày xứ Huế:

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.

Cảnh ở đây vừa có nét đẹp hoang sơ, dân dã, vừa có nét “cung đình”. Gió, mây và dòng nước đều được nhân hoá để trở nên có hồn, sinh động. “Gió theo lối gió, mây đường mây” ngắt nhịp 4/3 với hai vế tiểu đối gợi tả một không gian gió, mây chia lìa, đôi đường, đôi ngả như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Lẽ thường thì “gió thổi mây bay”, phải chăng mặc cảm chia lìa đã chia xa cả những thứ vốn không thể chia tách ?

Nhà thơ còn nhân hoá con sông thành một sinh thể có tâm trạng để giãi bày tâm tư của chính mình. Hương Giang không thể tự buồn mà bởi thi nhân đã “bỏ buồn vào lòng sông”. Động thái “lay” tự nó không vui không buồn, nhưng trong hoàn cảnh này, nó lại gợi lên sự hiu hắt, thưa vắng. Nhịp điệu câu thơ chậm rãi như điệu “slow tình cảm dành riêng cho huế” (Hoàng Phủ Ngọc Tường) càng làm cho nỗi niềm thêm da diết. Hoá ra không phải “dòng nước buồn thiu” mà chính “thi nhân buồn thiu”.

Ở hai câu thơ sau, dòng Hương Giang về đêm hiện lên ngập tràn ánh trăng :

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay ?

Đây là hai câu thơ tuyệt bút của Tử, kết tinh rực rỡ bút pháp tài hoa, lãng mạn. Cả dòng sông như được dát bạc, ánh lên, lộng lẫy và cũng huyền ảo lung linh. Nếu “Thuyền ai” gợi lên bao ngỡ ngàng, bâng khuâng, vừa quen vừa lạ, man mác như điệu hò xứ Huế thì hình tượng “sông trăng” lại như một nét vẽ thơ mộng, chất chứa cái thần thái, “linh hồn” của cảnh sắc thiên nhiên xứ sở. Sự kết hợp giữa “thuyền ai” và “sông trăng” đã tạo nên một hình tượng đẹp thi vị, gợi tả vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng, thân thương của Huế.

“Thuyền”, “bến”, “trăng” là những biểu tượng về người con trai, con gái và hạnh phúc lứa đôi. Trăng là nhân chứng cho đôi lứa nguyện thề. Khi xưa, trong vườn Thuý ngập đầy ánh trăng, Kim – Kiều đã giao ước, thề nguyền. Trong ca dao, tình duyên của nam nữ cũng được giãi bày, ướm hỏi dưới trăng : “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng – Tre non đủ lá đan sàng nên chăng ?”… Thuyền chở trăng là chở tình yêu. Bến trăng là bến bờ hạnh phúc. Liệu con thuyền tình yêu có vượt thời gian để kịp cập bến bờ hạnh phúc hay không ? Câu hỏi chất chứa bao niềm khắc khoải, sự chờ đợi mỏi mòn tình yêu, hạnh phúc của thi nhân. Ẩn trong đó có sự mông lung, hồ nghi, thất vọng.

Tóm lại, khổ thơ thứ hai vẽ nên bức tranh xứ Huế ảm đạm, nhuốm màu chia lìa, sự sống mệt mỏi, yếu ớt nhưng cũng huyền ảo, thơ mộng, đồng thời toát lên những dự cảm hạnh phúc chia xa của nhà thơ.

3 – Khổ thơ cuối

Hồn thơ say dần, từ chỗ có nhiều hình ảnh thực (khổ 1), đến chỗ mơ hồ (khổ 2), bài thơ kết thúc ở khổ thứ ba với những hình ảnh, cảm xúc thật sự huyền bí.

Trước hết là ở câu thơ đầu :

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Khách đường xa” là ai ? Sao câu thơ lại lặp lại hình ảnh ấy hai lần ? Và hơn nữa, hình ảnh đầy ấn tượng nhưng vô cùng mơ hồ ấy lại đứng cạnh một từ càng mơ hồ, bí ẩn hơn chính nó – từ “” : “Mơ khách đường xa, khách đường xa”.

Có thể “khách đường xa” là người đang sống ở Vĩ Dạ cũng có thể là chính nhà thơ ? Không ai có thể giải thích nổi, và cuối cùng cũng không cần giải thích. Chỉ biết rằng, “khách đường xa” được điệp lại gợi lên khoảng cách xa xôi, sự cách trở. Hình ảnh thơ rất ám ảnh người đọc, và nó cũng như ma lực khiến ta cảm thấy câu thơ ấy là hay nhất, không thể thay thế.

Những câu thơ sau cũng có vẻ đẹp mơ hồ, huyền ảo nhưng dù sao cũng “hợp lí” hơn :

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Áo em” có phải là áo của người con gái xứ Huế, có lẽ là của người ở thôn Vĩ ? “Trắng quá nhìn không ra” như đưa thi nhân vào sống trong ảo giác, không phải nhìn bằng mắt thường. Đến cụm từ “Sương khói mờ nhân ảnh”, câu thơ càng cho thấy rõ hơn rằng cảnh vật và con người chìm dần vào mờ ảo.

Điều bí ẩn nữa lại nằm ở câu thơ cuối :

Ai biết tình ai có đậm đà ?

Đó lại là một câu hỏi tu từ, và dẫu không thể trả lời, ta vẫn thấy câu hỏi ấy thống nhất với mạch cảm xúc chung của cả bài thơ : mở đầu và kết thúc đều là câu hỏi. Cả bài thơ là một câu hỏi lớn không cần ai giải đáp. Có điều, ở câu hỏi cuối này nó biểu hiện chút hoài nghi với tình yêu của ai kia (người xứ Huế), hoài nghi nên mới hỏi. Câu thơ còn cho thấy nỗi niềm thiết tha với tình yêu, với cuộc đời của nhà thơ.

Tóm lại, ở khổ thơ cuối hiện thực được cảm nhận, miêu tả trong cái hư ảo, mờ nhoè, càng lúc càng chìm dần vào cõi mộng. Thi nhân cảm nhận càng rõ nét khoảng cách xa xôi, cái hư ảo của tình yêu, hạnh phúc.

3. KẾT LUẬN

Với những hình ảnh biểu hiện nội tâm, bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế, giàu liên tưởng, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.