Soạn bài: Hàn Mặc Tử và bài thơ “ Đây thôn Vĩ Dạ”
I- Tác giả:
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần là các bút danh khác của ông. Ông có tài năng làm thơ từ rất sớm. Ông cũng đã từng gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn của chí sỹ này. Ông được Phan Bội Châu giới thiệu bài thơ Thức khuya của mình lên một tờ báo. Sau này, ông được một suất học bổng đi Pháp nhưng vì quá thân với Phan Bội Châu nên đành đình lại. Ông quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, năm ông 21 tuổi.
Đến Sài Gòn, ông làm phóng viên phụ trách trang thơ cho tờ báo Công luận. Khi ấy, Mộng Cầm ở Phan Thiết cũng làm thơ và hay gửi lên báo. Hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau, và ông quyết định ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm. Một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người.
Ít lâu sau, ông mắc bệnh phong – một căn bệnh nan y thời đó. Ông bỏ tất cả quay về Quy Nhơn và mất khi mới 28 tuổi[3].
Cuộc đời của ông được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều người phụ nữ khác nhau, đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông – có những người ông đã gặp, có những người ông chỉ giao tiếp qua thư từ, và có người ông chỉ biết tên như Hoàng Cúc, Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện.
II-Tác phẩm:
Các sáng tác của Hàn Mặc Tử, gồm có:
Lệ Thanh thi tập (gồm toàn bộ các bài thơ Đường luật)
Gái Quê (1936, tập thơ duy nhất được xuất bản lúc tác giả chưa qua đời)
Thơ Điên (hay Đau Thương, thơ)
Xuân như ý
Thượng Thanh Khí (thơ)
Cẩm Châu Duyên
Duyên kỳ ngộ (kịch thơ)
Quần tiên hội (kịch thơ, viết dở dang)
Chơi Giữa Mùa Trăng ( tập thơ-văn xuôi)
Ngoài ra còn có một số bài phóng sự, tạp văn, văn tế…
Bình luận và nhận xét
Đánh giá và bình luận về tài thơ của Hàn Mặc Tử có rất nhiều, sau đây là một số đánh giá của các nhà thơ văn nổi tiếng:
"Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình"
"Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử."
(Nhà thơ Chế Lan Viên)
"Sẽ không thể giải thích được đầy đủ hiện tượng Hàn Mặc Tử nếu chỉ vận dụng thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn và ảnh hưởng của Kinh thánh. Chúng ta cần nghiên cứu thêm lý luận của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Trong những bài thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử, người ta không phân biệt được hư và thực, sắc và không, thế gian và xuất thế gian, cái hữu hình và cái vô hình, nội tâm và ngoại giới, chủ thể và khách thể, thế giới cảm xúc và phi cảm xúc. Mọi giác quan bị trộn lẫn, mọi lôgic bình thường trong tư duy và ngôn ngữ, trong ngữ pháp và thi pháp bị đảo lộn bất ngờ. Nhà thơ đã có những so sánh ví von, những đối chiếu kết hợp lạ kỳ, tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc."
(Nhà phê bình văn học Phan Cự Đệ)
"Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có bốn bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi. Tiếc là những câu thơ ấy lại nằm trong những bài thơ còn rất nhiều xộc xệch…"
(Nhà thơ Trần Đăng Khoa)
"…Theo tôi thơ đời Hàn Mặc Tử sẽ còn lại nhiều. Ông là người rất có tài, đóng góp xứng đáng vào Thơ mới."
(Nhà thơ Huy Cận)
"…Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng…" và "Vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh…"
(Nhà phê bình văn học Hoài Thanh)
Một số bài thơ nổi tiếng
Nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử đã được phổ nhạc vì tính lãng mạn của nó. Sau đây là một số bài được nhiều nhà phê bình đánh giá là hay và đã được đưa vào sách giáo khoa bậc trung học.
Đây thôn Vỹ Dạ
Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?
Mùa xuân chín
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây…
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
III- Bài thơ “ Đây thôn Vĩ dạ”
Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ do Hàn Mặc Tử (1912-1940) sáng tác vào khoảng năm 1938, in lần đầu trong tập Thơ Điên (Thơ Điên về sau đổi tên thành Đau thương).
Hiện nay, bài thơ này được nhiều người cho là "một kiệt tác của Hàn Mặc Tử và cũng là một trong những thi phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam hiện đại."
Hoàn cảnh sáng tác:
Đây thôn Vĩ Dạ, lúc đầu có tên là Ở đây thôn Vĩ Dạ. Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở thôn Vĩ Dạ.
GS. Nguyễn Đăng Mạnh cho biết: Hồi làm nhân viên ở sở đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử có thầm yêu trộm nhớ đơn phương một cô gái người Huế tên là Hoàng Thị Kim Cúc, con ông chủ sở. Một thời gian sau, nhà thơ vào Sài Gòn làm báo, khi trở lại Quy Nhơn thì cô gái đã theo gia đình về Vĩ Dạ (Huế). Một buổi kia, cô Cúc do sự gợi ý của một người em thúc bá, bạn của Hàn Mặc Tử, gửi vào cho nhà thơ một tấm bưu ảnh chụp một phong cảnh sông nước có thuyền và bến, kèm theo mấy lời thăm hỏi để an ủi nhà thơ lúc này đã mắc hiểm nghèo (bệnh phong).
Lời thăm hỏi không kí tên, nhưng bức ảnh và những dòng chữ kia đã kích thích Trí trí tưởng tượng, cảm hứng, và đã gợi dậy những gì thầm kín xa xưa của Hàn Mặc Tử…
Theo Nguyễn Bá Tín, em ruột nhà thơ Hàn Mặc Tử, thì: Năm 1939, Hoàng Cúc nhận được hung tin nói trên từ Hoàng Tùng Ngâm. Nàng chuẩn bị một số tiền định gửi cho Hàn Mặc Tử uống thuốc nhưng không dám gửi. Nàng bèn gửi cho Hàn Mặc Tử một bức ảnh chụp cảnh nàng mặc áo lụa dài trắng đứng dưới vòm cây xanh mát. Nhận được ảnh, Hàn Mặc Tử rất vui. Chàng liền làm ngay bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ gửi ra Huế cho Hoàng Cúc…
Với những hình ảnh biểu hiện nội tâm, bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế, giàu liên tưởng, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.
Đây thôn Vỹ Dạ lấp lánh hương màu ẩn dụ: có nắng lên, có trăng đợi, có sương khói… đã ám ảnh vào tâm trí của chàng thơ tài hoa bạc mệnh. Dù sớm vội đi nhưng Hàn Mặc Tử cứ mãi yêu người, yêu đời với cả tấm lòng đắm say khát sống…
Đây thôn Vỹ Dạ là bài thơ nhẹ nhàng nhất của Hàn Mặc Tử trong tập Thơ Điên. Bởi lúc này chàng đang trong thời kỳ bệnh tật, đau đớn điên cuồng cả thể xác lẫn tâm hồn. Thơ của chàng luôn luôn là những gào thét uất hận, nghẹn ngào…
Đây thôn Vĩ Dạ đang đẹp đẽ là thế, trọn vẹn là thế, bỗng bị xé lẻ ra một gió, một mây, một trăng, một thi nhân thả hồn ôm bóng một giai nhân…để rồi cuối cùng hoài nghi, hỏi người mà như tự vấn: “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Vậy chẳng phải đó là một thế giới hài hòa và đẹp, nhưng cũng thật mong manh, được thụ cảm bởi một nhà thơ mang trong mình một căn bệnh quái ác, giữa lúc tuổi còn quá trẻ, còn quá tha thiết với cõi đời?
Qua bài thơ trên, tên tuổi Hàn Mặc Tử gắn liền với thôn Vỹ, thôn Vỹ gắn liền với Cố Đô, tất cả gắn liền làm một…Hàn Mặc Tử tả "Huế đẹp, Huế thơ" qua thôn Vỹ Dạ. Dưới ngòi bút của ông, Vỹ Dạ trở nên đẹp đẽ thơ mộng lạ thường…Dưới cái nhìn của Hàn Mặc Tử cảnh vật dù có tầm thường nhỏ bé đến đâu cũng trở nên có hồn, sinh động, lớn lao mang sắc hương diệu kỳ như một phép lạ, đẹp và thơ mộng đến nỗi ai cũng muốn về thăm một lần…Đây Thôn Vỹ Dạ đầy ngập tình yêu, ánh sáng và tiếng thầm, hay nói một cách khác, tình yêu ánh sáng và tiếng thầm đã phối hợp với nhau để làm nên sự kỳ diệu cho Đây Thôn Vỹ Dạ cũng như cho toàn bộ tác phẩm của Hàn Mặc Tử về mặt bút pháp…
Thơ Hàn Mặc Tử là một hiện tượng phức tạp, không dễ thống nhất trong cách thẩm định và cắt nghĩa. Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ như vậy…Nhìn tổng thể, bài thơ có sự di chuyển tăng dần về phía cuối. Từ cõi thực chìm dần vào cõi mộng. Ngay từ đầu, cảnh và người thôn Vĩ cùng hiện ra như một hình dung trong mơ ước; đến khổ thứ hai đã tràn đầy mộng ảo, sang khổ thứ ba mộng toàn phần… Vì là sản phẩm của một trạng thái mơ, nên giữa các khổ thơ có vẻ “đầu ngô, mình sở”, không tuân theo lô-gíc nào cả. Nó phi lô-gíc bề mặt, nó đồng hiện và đột hiện. Nhưng nó có lô–gíc chiều sâu: tiếng của một tình yêu tuyệt vọng, thảng thốt và đau đớn…
Xem thêm tại Soạn bài online: